Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 02/07/2024 | 03:15

Thứ ba, 02/07/2024 | 03:15

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:23 ngày 26/06/2024

Trao đổi các xu hướng mới nhất về Năng lượng, Điện tử và Tự động hoá

Vừa qua, Đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa lần thứ nhất (EEA 2024) nhằm trao đổi, chia sẻ và thảo luận các vấn đề mới nhất  Năng lượng, Điện tử và Tự động hoá, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo ở các cơ sở đào tạo trong giai đoạn tới.
Với hơn 400 đại biểu, chuyên gia đến từ 30 đơn vị là các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các trường đại học, Hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu công bố các kết quả, định hướng đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất kinh doanh được thảo luận các nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực Năng lượng, Điện tử, Tự động hóa; Thúc đẩy năng lực nghiên cứu, liên kết và hợp tác trong lĩnh vực Năng lượng, Điện tử, Tự động hóa giữa các trường thuộc Bộ Công Thương.
Theo PGS.TS. Phạm Văn Đông - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên khoa học và công nghệ sôi động hơn bao giờ hết khi mà những đột phá về công nghệ đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ… Từ các hệ thống trí tuệ nhân tạo dựa vào dữ liệu lớn ChatGP3.5 tới 4.0, từ Google Brad tới Gemini và sự ra đời của hàng loạt các hệ thống phần cứng nổi bật như hệ thống sản xuất thông minh, sản xuất linh hoạt, sản xuất tinh gọn.
PGS.TS. Phạm Văn Đông – Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: HaUI)
Song hành với điều đó là việc tích hợp mạnh mẽ các mô hình trí tuệ nhân tạo AI và học máy (Machine learning) vào các hệ thống sản xuất đang là xu thế tất yếu và bắt buộc cho quá trình sản xuất trong thời đại số. Điều này đã tạo ra những sự chuyển đổi đầy mới mẻ như sự chuyển đổi từ Nhà máy tự động sang Nhà máy thông minh và tiến tới Nhà máy trí tuệ nhân tạo hay Nhà máy bản sao số. Việc tăng cường hợp tác, trao đổi học thuật, tìm kiếm những hướng nghiên cứu, xu hướng công nghệ mới mà đặc biệt là các hướng nghiên cứu liên ngành, đa lĩnh vực là xu thế tất yếu đối với các nhà khoa học nghiên cứu về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa.”PGS.TS. Phạm Văn Đông nhấn mạnh.
Với hơn 200 bản thảo của các tác giả đến từ 8 quốc gia với tỷ lệ chấp nhận đăng trung bình 60%, cùng 2 phiên thảo luận, EEA 2024 được kỳ vọng là một diễn đàn chuyên sâu, nơi các chuyên gia trong nước và quốc gia hội tụ để giới thiệu, trao đổi, chia sẻ và thảo luận về các vấn đề mới nhất về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa. Từ đó, góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học và công nghệ nước nhà nói riêng và góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển đất nước nói chung.
Đại diện cho đơn vị tổ chức đăng cai lần thứ hai, PGS.TS. Đàm Sao Mai – Phó Hiệu trưởng Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Ngoài việc thảo luận các vấn đề khoa học, thì sự kết nối giữa các sinh viên, cán bộ giảng dạy giữa các đơn vị đào tạo tại diễn đàn giao lưu học thuật này thực sự có ý nghĩa rất lớn. Đồng thời, bày tỏ mong muốn, các đơn vị đào tạo kỹ thuật sẽ đẩy mạnh hơn nữa hợp tác nhiều mặt, đa loại hình, đa lĩnh vực, hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu chung, thúc đẩy các công bố khoa học từ các nhóm nghiên cứu liên trường, tăng cường sử dụng chung cơ sở vật chất, gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo và phục vụ cộng đồng.
Trên tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và công tâm, Ban tổ chức đã thảo luận, thống nhất lựa chọn và quyết định trao giải cho các hạng mục: 08 báo cáo có nội dung xuất sắc, 08 báo cáo trình bày xuất sắc và 03 Poster xuất sắc nhất.
Đại diện Đại học Công nghiệp Hà Nội trao Cờ đăng cai tổ chức Hội nghị khoa học quốc gia về Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa lần tthứ 2 cho đại diện Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: HaUI)
Được biết, Hội nghị quốc gia về EEA sẽ trở thành hoạt động thường niên, 2 năm/ lần. Theo đó, 6 cơ sở đào tạo của Bộ Công Thương là Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Điện Lực, Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, Đại học Công nghiệp Việt Trì, Cao đẳng Công nghiệp Huế sẽ lần lượt đăng cai tổ chức. 
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (Industry 4.0) đang thay đổi toàn diện các ngành công nghiệp thông qua việc tích hợp các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), và dữ liệu lớn (Big Data). Trong bối cảnh đó, vai trò Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa càng trở nên then chốt, là nền tảng cho sự phát triển và ứng dụng các công nghệ mới. Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa luôn được coi là mạch máu, hệ thần kinh và xương sống của một nền công nghiệp hiện đại. Sự ổn định và mạnh mẽ của Năng lượng, Điện tử và Tự động hóa sẽ là nguồn động lực to lớn cho sự phát triển của nền công nghiệp và của mỗi quốc gia.
Tuệ Lâm

lên đầu trang