Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 13:55

Thứ ba, 14/05/2024 | 13:55

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 17:16 ngày 09/03/2020

Xác định các chỉ tiêu hóa sinh và vi sinh của nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn

TÓM TẮT
Mục đích của nghiên cứu này là xác định các chỉ tiêu hóa sinh và vi sinh của nguyên liệu để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn. Kết quả chỉ ra trong ngô vàng glucid 69,23%, protein 7,12%, lysine 0,35%, cystine 0,12% và methionine 0,11%. Đậu tương protein 37,70%, lipid 16,48%, lysine 2,25%, cystine 0,30% và methionine 0,55%. Cá mè, protein 16,66%, lipid 14,60%, lysine 3,23%, cystine 0,59%, methionine 0,64% và chất khoáng 4,82%. Xương trâu chất khoáng 34,58% và xương bò chất khoáng 33,545%. Ở vỏ quả mắc ca tươi có chứa các thành phần protein 8,2%, glucid 8,9% và lipid 6,9%...Điều đó cho thấy các nguyên liệu này đảm bảo các tiêu chuẩn để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn.

1. MỞ ĐẦU
Ngô vàng, đậu tương, cá mè, xương trâu bò và vỏ quả mắc ca là những nguyên liệu giàu giá trị dinh dưỡng như protein, lipid, glucid và chất khoáng... được sử dụng nhiều trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cho gia súc, gia cầm, đặc biệt là cho lợn. Thức ăn chiếm một vị trí quan trọng trong chăn nuôi lợn, sử dụng thức ăn đảm bảo chất lượng, góp phần giúp cho lợn sinh trưởng và phát triển nhanh, sản phẩm thịt lợn đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy để sản xuất ra thức ăn chăn nuôi cho lợn đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng thì nguyên liệu có vai trò quan trọng, vì nếu nguyên liệu không đảm bảo chất lượng, có chứa độc tố bên trong mà vẫn sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn, thì đó chính là mối nguy tiềm ẩn gây bệnh cho lợn sau này và đó cũng chính là mối nguy ảnh hưởng đến sức khỏe cho người sử dụng thịt lợn [1]. Vì vậy để đảm bảo chất lượng của thức ăn chăn nuôi cho lợn, thì trước khi đưa vào sản xuất, cần phải phân tích đánh giá chất lượng của nguyên liệu, những nguyên liệu không đảm bảo các tiêu chuẩn chất lượng thì tuyệt đối không được đưa vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn. Trong nghiên cứu này đã phân tích, xác định các chỉ tiêu hóa sinh và vi sinh của nguyên liệu ngô vàng, đậu tương, cá mè, xương trâu, xương bò ở tỉnh Bắc Giang và vỏ quả mắc ca tươi ở tỉnh Sơn La để làm nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn.

2. NGUYÊN VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
2.1. Nguyên vật liệu
Nguyên liệu ngô vàng, đậu tương thu mua ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang; cá mè, xương trâu và xương bò thu mua ở huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Quả mắc ca tươi thu mua ở 3 Trang trại trồng mắc ca thuộc xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La. Tất cả các nguyên liệu này được lấy mẫu theo phương pháp ngẫu nhiên [2] và được vận chuyển về phòng thí nghiệm để phân tích.
2.2. Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp xác định hàm lượng protein thô: Hàm lượng protein của nguyên liệu được xác định theo TCVN 4328: 2007 (ISO 5983-1: 2005) [3].
Phương pháp xác định hàm lượng glucid tổng số: Hàm lượng glucid tổng số được xác định theo TCVN 4594: 1998 [4].
Phương pháp xác định hàm lượng axit amin:Hàm lượng axit amin được xác định theo phương pháp HPLC với detector PAD 2996, huỳnh quang 2475. Cột sắc ký sử dụng là Symmetry axit amin RP18 (150mm x 4,6mm x 3,5pm) và cột Symmetry Shield RP18 (150mm x 4,6mm x 5pm) của hãng Water.Thành phần pha động gồm dung dịch đệm borat, acetonitril, nước cất 2 lần tinh khiết. Tốc độ dòng là lml/phút và nhiệt độ cột là 35°C.Các axit amin được định lượng bằng detector huỳnh quang với bước sóng kích thích 340nm và bước sóng phát xạ 450nm[5]. Sở dĩ nghiên cứu này chỉ phân tích xác định hàm lượng lysine, cystine và methionine, vì mục tiêu là sản xuất thức ăn hỗn hợp cho lợn theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 1547:2007 [6].
Phương pháp xác định hàm lương lipid: Hàm lượng lipid được xác định theo TCVN 4331: 2001 [7, 8].
Phương pháp xác định hàm lượng khoáng: Hàm lượng K và Fe được xác định theo phương pháp hấp thụ nguyên tử trên máy AAS-3300 (Perkin Elmer). Hàm lượng Ca và Mg được xác định bằng phương pháp chuẩn độ EDTA. Hàm lượng S được xác định theo phương pháp khối lượng. Hàm lượng P được xác định bằng phương pháp so màu phức chất ở bước sóng 885nm trên máy quang phổ (Cintra 40). Hàm lượng Zn, Mn và Cu được xác định theo tiêu chuẩn TCVN 1537: 2007 [8, 9, 10]
Phương pháp xác định hàm lượng aflatoxin tổng số: Hàm lượng aflatoxin tổng sốtheo AOAC 990.33 [11].
Phương pháp xác định tổng số vi khuẩn hiếu khí: Tổng số vi khuẩn hiếu khítheo TCVN 4884: 2005 [12].
Phương pháp xác định hàm lượng tanin và pectin trong vỏ quả mắc ca:Hàm lượng tanin trong vỏ quả được xác định theo phương pháp Leventhal, hàm lượng pectin trong vỏ quả được xác định theo phương pháp canxi pectat [13].
Phương pháp xác định hàm lượng vitamin B1 và B2 trong vỏ quả mắc ca: Hàm lượng vitamin B1 và B2 trong vỏ quả mắc ca, được xác định theo phương pháp cực phổ xung vi phân [14].

3. KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
3.1. Chỉ tiêu hóa sinhvà vi sinh của ngô vàng
Ngô vàng là nguyên liệu chính trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn, nó chiếm tỷ lệ lớn trong khẩu phần ăn. Do đó việc phân tích đánh giá các chỉ tiêu dinh dưỡng và vi sinh có vai trò quan trọng, từ đó xác định được chất lượng của ngô vàng đưa vào sản xuất. Sử dụng các phương pháp phân tích, đã xác định được các chỉ tiêu hóa sinh và vi sinh của ngô vàng trồng ở huyện Tân Yên,tỉnh Bắc Giang. Kết quả được trình bày ở bảng 1.


Kết quả nghiên cứu trong bảng 1 cho thấy, ngô vàng có hàm lượng glucid cao, chiếm 69,23%, ngô vàng là nguyên liệu cung cấp hàm lượng glucid và năng lượng chính cho lợn. So với các giống ngô khác thì ngô vàng có hàm lượng glucid cao hơn. Bên cạnh đó cũng đã xác định được hàm lượng protein tổng số của ngô chiếm 7,12%, trong đó cũng đã xác định được 3 axit amin là lysine, cystine và methionine chiếm tỷ lệ cao trong ngô vàng, đặc biệt là lysine chiếm 0,35%. Đây là 3 axit amin có vai trò quan trong trong khẩu phần ăn của lợn. Sử dụng tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4884: 2005 đã xác định được tổng số vi khuẩn hiếu khí trong ngô là 5,7.103 CFU/g. Kết quả về tổng số vi khuẩn hiếu khí trong ngô đều nằm trong giới hạn cho phép. Từ các kết quả nghiên cứu cho thấy ngô vàng trồng huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang có thành phần dinh dưỡng cao, không chứa aflatoxin, tổng số vi khuẩn hiếu khí nằm trong giới hạn cho phép.
3.2. Chỉ tiêu hóa sinh và vi sinh của đậu tương
Đậu tương có vai trò quan trọng trong sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn, đậu tương là nguồn cung cấp các axit amin và vitamin cho lợn. Kết quả phân tích, đánh giá chất lượng của đậu tương được trình bày ở bảng 2.


Dựa vào kết quả nghiên cứu trong bảng 2 cho thấy, đậu tương trồng ở huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang có hàm lượng các thành phần dinh dưỡng cao, đặc biệt là protein tổng số chiếm 37,70%, lysine chiếm 2,25%, methionine chiếm 0,55%, cystine chiếm 0,30% và lipid tổng số chiếm 16,48%. Kết quả nghiên cứu trong bảng 3.2 cho thấy, không phát hiện ra aflatoxin trong đậu tương, tổng số vi khuẩn hiếu khí cũng nằm trong giới hạn cho phép. Từ các kết quả nghiên cứu này, nên chọn đậu tương làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn cho lợn.
3.3. Chỉ tiêu hóa sinh và và vi sinh của cá mè
Cá mè là nguồn cung cấp protein, chất khoáng, chất béo và đặc biệt là chất tanh, mùi, vị cho thức ăn của lợn. Kết quả phân tích, xác định một số chỉ tiêu hóa sinh và vi sinh của cơ thể cá mè được trình bày ở bảng 3.


Dựa vào kết quả nghiên cứu trong bảng 3 cho thấy, cơ thể cá mè có hàm lượng protein cao, chiếm tới 16,66%, lipid tổng số chiếm 14,60%, lysine chiếm 3,23%, khoáng tổng số chiếm 4,82%, đặc biệt là Ca chiếm tỷ lệ 1,38% và P chiếm tỷ lệ 0,75%. So sánh với cá rô phi thì hàm lượng protein tổng số trong cá mè cao hơn 1,78%, lysine 2,18%, cystine 0,47%, methionine 0,41% và lipid tổng số 7,37% [15].Đây là những thành phần có vai trò quan trọng trong thức ăn của lợn. Từ các kết quả nghiên cứu này, thì việc sử dụng cá mè làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn cho lợn là rất cần thiết.
3.4. Chỉ tiêu dinh dưỡng của xương trâu
Xương trâu là nguồn cung cấp chất khoáng, đặc biệt Ca và P là rất cần thiết cho lợn sinh trưởng và phát triển. Để đánh giá chất lượng của xương trâu đưa vào sản xuất thức ăn cho lợn, cần tiến hành phân tích xác định hàm lượng chất khoáng tổng số, Ca và P. Kết quả được trình bày ở bảng 4.


Kết quả nghiên cứu trong bảng 4 cho thấy xương trâu có hàm lượng chất khoáng cao, hàm lượng chất khoáng tổng số chiếm tới 34,58%, Ca chiếm 12,39% và P chiếm 6,57%. So sánh với vỏ tôm thì xương trâu có hàm lượng Ca cao hơn 8,62%, P cao hơn 6,25% [15]. Đây là những vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng và rất cần thiết với sự sinh trưởng, phát triển của lợn. Từ các kết quả nghiên cứu này, nên chọn xương trâu làm nguyên liệu để sản xuất thức ăn cho lợn.
3.5. Chỉ tiêu dinh dưỡng của xương bò
Cũng tương tự như xương trâu, xương bò là nguồn cung cấp chất khoáng, đặc biệt là Ca, P rất cần thiết cho lợn. Để đánh giá chất lượng của xương bò đưa vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn, tiến hành phân tích xác định hàm lượng chất khoáng tổng số, Ca, P. Kết quả được trình bày ở bảng 5.


So với xương trâu, xương bò cũng có hàm lượng chất khoáng cao, kết quả nghiên cứu trong bảng 5 cho thấy xương bò có hàm lượng khoáng tổng số chiếm tới 33,54%, Ca chiếm 12,35% và P chiếm 6,12%. So sánh với vỏ tôm thì hàm lượng Ca trong xương bò cao hơn 8,58%, P cao hơn 5,8% [15]. Đây là những vi chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng và rất cần thiết với sự sinh trưởng, phát triển của lợn. Vì vậy khi phối trộn với xương bò vào thức ăn chăn nuôi cho lợn, góp phần làm tăng giá trị dinh dưỡng của thức ăn, đặc biệt là hàm lượng chất khoáng. Từ kết quả nghiên cứu này chọn xương bò để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn.
3.6. Chỉ tiêu dinh dưỡng của vỏ quả mắc ca tươi
Quả mắc ca sau khi thu hoạch, người ta thường tách lấy hạt, còn vỏ thường vứt bỏ, gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường. Do đó việc phân tích, xác định các chỉ tiêu hóa sinh trong vỏ quả mắc ca tươi, để làm thức ăn chăn nuôi cho lợn, có ý nghĩa rất lớn về mặt thực tiễn. Kết quả được thể hiện ở bảng 6.


Kết quả ở bảng 6 cho thấy trong vỏ quả mắc ca tươi, có nhiều thành phần hóa sinh, đặc biệt là thành phần protein 8,2%, glucid 8,9% và lipid 6,9%....trong vỏ quả mắc ca tươi rất giàu các vitamin nhóm B và các chất khoáng; là các vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển của lợn. Theo kết quả nghiên cứu của Mast. A. R và cộng sự [16], Boyer H và cộng sự [17], Marisa M. W [18] trong vỏ quả mắc ca ngoài những thành phần như protein, glucid, lipid, vitamin và chất khoáng, còn có chứa một số chất có hoạt tính sinh học, như terpenoids, flavonoids. Đây chính là cơ sở khoa học của việc bổ sung vỏ quả mắc ca vào sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn.

4. KẾT LUẬN
Bằng các phương pháp phân tích hóa sinh và vi sinh đã xác định được một số chỉ tiêu hóa sinh và vi sinh của nguyên liệu ngô vàng, đậu tương, cá mè, xương trâu bò và vỏ mắc ca làm nguyên liệu sản xuất thức ăn cho lợn. Cụ thể trong ngô vàng, glucid 69,23%, protein 7,12%, lysine 0,35%, cystine 0,12% và methionine 0,11%. Trong đậu tương protein 37,70%, lipid 16,48%, lysine 2,25%, cystine 0,30% và methionine 0,55%. Trong cá mè, protein 16,66%, lipid 14,60%, lysine 3,23%, cystine 0,59%, methionine 0,64% và chất khoáng 4,82%. Trong xương trâu chất khoáng 34,58% và xương bò chất khoáng 33,545%. Đã xác định được trong vỏ quả mắc ca tươi, có chứacác thành phần protein 8,2%, glucid 8,9% và lipid 6,9%... Điều đó cho thấy các nguyên liệu này đảm bảo các tiêu chuẩn để sản xuất thức ăn chăn nuôi cho lợn nói riêng và cho gia súc, gia cầm nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1].    Tôn Nhất Sơn (2006). Giáo trình dinh dưỡng và thức ăn vật nuôi. Nhà xuất bản Nông nghiệp.
[2].    Đặng Văn Hợp (1999).Kiểm nghiệm thực phẩm thủy sản. Nhà xuất bản Nông nghiệp.
[3].    Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4328: 2007 (ISO 5983-1: 2005). Thức ăn chăn nuôi- Xác định hàm lượng nito và tính hàm lượng protein thô.
[4].    Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4594: 1998. Xác định hàm lượng gluxit, đường tổng số, đường khử, tinh bột.
[5].    Lê Thị Hồng Hảo, Nguyễn Thúy Dung (2007). Xác định hàm lượng một số axit amin trong đậu tương và sản phẩm chế biến bằng kỹ thuật sắc ký lỏng hiệu năng cao áp.Tạp chí Dinh dưỡng và Thực phẩm- Hội Dinh dưỡng Việt Nam, 3(4), 68-77.
[6].    Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 1547: 2007. Thức ăn chăn nuôi- Thức ăn hỗn hợp cho lợn.
[7].   Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4331: 2001. Thức ăn chăn nuôi- Xác định hàm lượng chất béo.
[8].   Trần Thị Thanh Huyền, Cao Phi Bằng (2014). Xác định hàm lượng lipit, chất khoáng, axit béo và các chỉ số hóa sinh trong hạt vừng (Sesamum indincum L).Tạp chí Khoa học và Phát triển, 12(7), 1029-1033.
[9].    Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 1526-1: 2007 (ISO 6490-1: 1985). Thức ăn chăn nuôi- Xác định hàm lượng canxi.
[10].  Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 1525: 2001(ISO 6491: 1998). Thức ăn chăn nuôi- Xác định hàm lượng photpho- Phương pháp quang phổ.
[11].  Quy chuẩn AOAC 990. 33. Xác định độc tố nấm mốc Aflatoxin B1, B2, G1, G2 Aflatoxin tổng.
[12].  Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4884: 2005. Vi sinh vật trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi- Phương pháp định lượng.
[13].  Hà Duyên Tư (2009). Phân tích hóa học thực phẩm.Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật.
[14].  Nguyễn Bích Ngân, Nguyễn Thị Việt Hương, Từ Vọng Nghi (2007). Xác định hàm lượng vitamin B1, B2, B6 bằng phương pháp cực phổ xung vi phân. Tạp chí Phân tích hóa, lý và sinh học, 12(3), 44-47.
[15]. Nguyễn Thị Kim Thoa (2017). Nghiên cứu quá trình thủy phân một số loại thủy hải sản có giá trị thấp bằng chế phẩm sinh học để ứng dụng làm thức ăn chăn nuôi. Luận văn Thạc sỹ- Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, 51-53.
[16].  Mast. A. R, Willis. C.L, Jones. E.H, Downs. K.M, Weston. P.H. (2008). “A smaller Macadamia from a more vagile tribe: inference of phylogenetic relationships, divergence times, and diaspore evolution in Macadamia and relatives (tribe Macadamieae; Proteaceae)”. American Journal of Botany95 (7), 843-870.
[17]. Boyer H. and Cock I.E. (2013). Evaluation of the potential of Macadamia integriflora extracts as antibacterial food agents. Pharmacognosy Communications 3(3), 53-62.
[18]. Marisa M. W. (2010). Functional lipid characteristics, oxidative stability, and antioxidant activity of macadamia nut (Macadamia integrifolia) cultivars. Food Chemistry 121, 1103-1108.
Nguyễn Văn Lợi1,*, Lê Thị Phượng2
1Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội
2Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, Cầu Giấy, Hà Nội
Theo Kỷ yếu Hội thảo Khoa học toàn quốc. ISBN: 978-604-82-2242-0, số 9 năm 2017, trang 144-149
lên đầu trang