Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 10:16

Chủ nhật, 05/05/2024 | 10:16

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:40 ngày 28/04/2020

Lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ ở Than Mông Dương

Công ty CP Than Mông Dương hiện đang khai thác và mở diện ở mức sâu -400m, bán kính khai trường khu vực hầm lò lên tới 3km, cấu tạo địa chất hết sức phức tạp, khó có thể áp dụng đồng bộ những thiết bị, máy móc cơ giới hóa hạng nặng để tăng năng suất, sản lượng than. Trong khi đó, những lò chợ đang khai thác bằng công nghệ cũ của mỏ này chỉ cho năng suất từ 130.000 đến 140.000 tấn than/năm, không đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Giàn chống tự hành của Dự án Lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ ở Than Mông Dương.

Trước thực tiễn đó, cơ giới hóa hạng nhẹ với những thiết bị, công nghệ khai thác gọn nhẹ, chi phí đầu tư thấp, được xem là giải pháp phù hợp cho Than Mông Dương, giúp mỏ này tăng năng suất khai thác than và cải thiện điều kiện làm việc cho người thợ.
Theo ông Hoàng Trọng Hiệp, Phó Giám đốc Công ty CP Than Mông Dương, phân biệt cơ giới hóa hạng nhẹ, hạng trung và hạng nặng dựa trên chỉ số chịu lực của thiết bị. Theo đó, cơ giới hóa hạng nhẹ trong khai thác than là hệ thống thiết bị có trọng lực dưới 3.900 kilonewton/m². Ở Than Mông Dương, điều kiện địa chất khá phức tạp, manh mún, độ ổn định của đất đá, vỉa vách không cao, trọng lực thiết bị như vậy được xem là phù hợp với một số vị trí sản xuất của mỏ. 
Dự án đầu tư lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ được Công ty CP Than Mông Dương triển khai từ đầu năm 2019. Quy mô dự án gồm 96 giàn chống thủy lực, hệ thống máy khấu, máng cào, băng tải vận chuyển than. Theo thiết kế, công suất khai thác của lò chợ áp dụng cơ giới hóa hạng nhẹ là 300.000 tấn than/năm, thời gian khai thác từ 7-10 năm.   
Ông Vũ Thành Trung, Quản đốc Phân xưởng Khai thác 5, Công ty CP Than Mông Dương - đơn vị trực tiếp triển khai thi công dự án lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ cho biết: Giai đoạn đầu, việc triển khai dự án gặp nhiều bất lợi. Khu vực triển khai là vỉa có điều kiện địa chất phức tạp, độ dốc trung bình từ 26-28 độ khiến việc vận chuyển hệ thống thiết bị như tời trục, trạm dịch, cầu chuyển tải, trạm nghiền… gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án. 
Dự kiến, đầu tháng 5-2020, Dự án Lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ ở Than Mông Dương đi vào hoạt động
Khắc phục mọi trở ngại, ngày 16/3, Phân xưởng Khai thác 5 đã triển khai lắp đặt bộ giàn chống đầu tiên của dự án. Sau hơn 1 tháng thi công khẩn trương, liên tục với năng suất bình quân từ 5-6 bộ giàn/ca, đến nay, đơn vị này đã hoàn thành công tác lắp đặt 96 bộ giàn chống. Từ nay đến hết tháng 5, Phân xưởng Khai thác 5 sẽ hoàn thiện hệ thống vận tải và dây chuyền thiết bị liên quan của dự án. 
Phó Giám đốc Công ty CP Than Mông Dương, Hoàng Trọng Hiệp cho biết: Dự kiến, đầu tháng 5/2020, dự án lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ này sẽ đi vào hoạt động, thực hiện kế hoạch sản xuất 250.000 tấn than đầu tiên của năm 2020, góp phần giúp Than Mông Dương nâng công suất khai thác toàn mỏ lên 1.500.000 tấn than/năm trong năm nay. 
Những năm qua, cơ giới hóa đã mang lại cho Than Mông Dương bước tiến đáng kể trong sản xuất. Nếu như giai đoạn trước, với hơn 4.000 người, sản lượng khai thác than hầm lò từ mức -97,5m cho đến +9,8m của Than Mông Dương chỉ đạt gần 1.000.000 tấn than/năm; thì nay, với tầng khai thác từ mức -250m đến -97,5m và số lao động hơn 3.000 người, sản lượng than của mỏ đã đạt xấp xỉ 1.200.000 tấn than/năm. Điều đó minh chứng cho hiệu quả áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất của Than Mông Dương. 
Chính vì vậy, việc triển khai dự án lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ ở mỏ này được xem là hướng đi đúng đắn của TKV nói chung và Than Mông Dương nói riêng trong chủ trương thực hiện cơ giới hóa, tự động hóa khai thác than hầm lò.
Theo Báo Quảng Ninh
lên đầu trang