Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 09/05/2024 | 21:20

Thứ năm, 09/05/2024 | 21:20

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 16:41 ngày 18/07/2020

Đánh giá trình độ công nghệ ngành chế biến chì của Việt Nam

1. Mở đầu
Đánh giá trình độ công nghệ là quá trình xem xét, phân tích nhằm chỉ ra điểm mạnh, điểm yếu của các thành phần hoặc tổng thể công nghệ của một doanh nghiệp hoặc một ngành công nghiệp. Sau khi đánh giá, doanh nghiệp sẽ thấy được thực trạng trình độ công nghệ: mặt mạnh, yếu của đơn vị mình và từ đó, đề ra giải pháp thích hợp đổi mới công nghệ tạo động lực phát triển sản xuất; có doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ theo hướng tự động hóa dây chuyền thiết bị nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao hoặc có doanh nghiệp cần tăng cường đào tạo lại đội ngũ kỹ thuật, quản lý và tiếp thị… Từ đó sẽ xuất hiện các nhu cầu công nghệ. Cũng trên cơ sở kết quả đánh giá trình độ công nghệ, các cơ quan quản lý Nhà nước thấy được thực trạng công nghệ của phạm vi quản lý sẽ có những kế hoạch, quyết sách cho việc chỉ đạo phù hợp.
Hiện nay có nhiều phương pháp đánh giá trình độ công nghệ được đề xuất và áp dụng trên thế giới. Mỗi phương pháp có ưu, nhược điểm khác nhau với những ứng dụng khác nhau. Trong nhiệm vụ này đã lựa chọn phương pháp ATLAS kết hợp thông tư 04/2014/TT-BKHCN để khảo sát, đánh giá, phân tích trình độ công nghệ luyện chì tại Việt Nam.
Căn cứ lựa chọn phương pháp ATLAS: Các phương pháp đánh giá trình độ công nghệ cho thấy cần phải có một nguyên lý khung, trong đó các đầu vào, đầu ra cũng như các quá trình chuyển đổi công nghệ được xem xét đồng thời ở cấp ngành công nghiệp. Cách đánh giá như vậy sẽ phải xét đến các yếu tố: khả năng con người, dữ kiện được tư liệu hóa và cơ cấu tổ chức vì chúng đóng vai trò chiến lược chính trong phát triển công nghệ ở cấp ngành công nghiệp. Tất cả các phương pháp đánh giá đã nêu trên đều không tính đến yếu tố này.
 Ngoài ra cần phải xét đến đến các yếu tố sau:
1. Phương pháp ATLAS công nghệ cho phép xác định được khoảng cách công nghệ tương đối. Trình độ công nghệ có thể đo được bằng cách dùng hiệu suất tổng hoặc sau khi phân lập công nghệ đó ra thành nhiều thành tố có liên quan. Lúc đó có thể xác định khoảng cách công nghệ bằng cách đo từng thành tố. Cách phân tích như vậy có thể tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch cũng như có chính sách can thiệp nhằm giảm khoảng cách công nghệ.
 2. Phương pháp chủ đạo trong quá trình thay đổi công nghệ là việc đo sự thay đổi đó. Việc xác định trình độ công nghệ là phải đánh giá quá trình thay đổi công nghệ từ lúc sáng chế đến khi tiến hành đổi mới, áp dụng cái mới.
3. Quá trình thay đổi công nghệ là một quá trình phức tạp vì với mỗi sự đổi mới, công nghệ lại có một vòng đời riêng của mình. Cho dù công nghệ được phát sinh ở trong nước hay ngoại nhập thì nó cũng phải trải qua một loạt các giai đoạn mà quen gọi là vòng đời công nghệ.
Thông tư 04/2014/TT-BKHCN hướng dẫn cụ thể nội dung và quy trình đánh giá trình độ công nghệ trong các ngành sản xuất, bao gồm: chế biến, chế tạo, lắp ráp và các ngành công nghiệp hỗ trợ. Công nghệ sản xuất gồm 4 nhóm: thiết bị công nghệ (T), nhân lực (H), thông tin (I) và tổ chức quản lý (O). Việc đánh giá trình độ công nghệ sản xuất của doanh nghiệp hay ngành được thực hiện trên cơ sở mức đạt được của các tiêu chí của bốn nhóm thành phần trên. Tổng số tiêu chí để đánh giá là 25 tiêu chí với số điểm tối đa là 100 điểm, cụ thể như: nhóm thiết bị công nghệ (T) có 10 tiêu chí với điểm tối đa là 45 điểm; nhóm nhân lực (H) có 6 tiêu chí với điểm tối đa là 22 điểm; nhóm thông tin (I) có 4 tiêu chí với điểm tối đa là 15 điểm; nhóm tổ chức quản lý (O) có 5 tiêu chí với điểm tối đa là 18 điểm.
2. Đánh giá trình độ công nghệ luyện chì tại Việt Nam
Việc đánh giá trình độ công nghệ ngành luyện chì, kẽm tại Việt Nam ở các đơn vị sản xuất được thực hiện theo phương pháp ATLAS kết hợp Thông tư 04/2014/TT-BKHCN, trên cơ sở khảo sát trực tiếp hiện trạng của các đơn vị và đánh giá cho điểm của các chuyên gia.
Ngành sản xuất chì tại Việt Nam mới được tiến hành ở quy mô công nghiệp trong vài năm gần đây. Hiện nay tại ở Việt Năm mới chỉ có một vài cơ sở sản xuất, cụ thể như sau:
+ Cao Bằng hiện có hai cơ sở: Xưởng luyện chì Thanh Kỳ; nhà máy luyện chì CKC.
+ Bắc Kạn hiện có 4 cơ sở sản xuất gồm: Nhà máy luyện chì Ngân Sơn; nhà máy luyện chì Chợ Đồn – BKC; Xưởng luyện chì Cao Bắc; Nhà máy điện phân chì, kẽm Ngọc Linh.
+ Lạng Sơn có một cơ sở sản xuất chì: Nhà máy luyện chì tách bạc Cao Lộc.
+ Điện Biên có dự án Xưởng luyện chì Tuần Giáo.
+ Hà Giang: Nhà máy luyện chì tách bạc Bình Vàng.                
Trong quá trình khảo sát thực tế, các nhà máy đang hoạt động và dừng hoạt động được thể hiện trong Bảng 1.
Bảng 1. Bảng tổng hợp khái quát ngành luyện chì
Như vậy chỉ có 3 nhà máy đang hoạt động, 3 nhà máy dừng hoạt động, 3 dự án nhà máy chưa được phê duyệt cũng như chưa xây dựng.
Từ thực trạng của các nhà máy luyện chì tại Việt Nam, nhóm đã đánh giá trên cơ sở các nhà máy đang hoạt động và dừng hoạt động. Đối với nhà máy đang hoạt động, đoàn sẽ đánh giá trên tình hình thực tế; đối với nhà máy dừng hoạt động, đoàn sẽ đánh giá dựa trên hồ sơ thiết kế của Nhà máy; đối với các nhà máy chưa được phê duyệt, đoàn đánh giá không đánh giá trình độ công nghệ.
Theo kết quả đánh giá trình độ công nghệ của đoàn khảo sát, ta có bảng tổng hợp các thành phần công nghệ luyện chì kẽm có các nhà máy sản xuất chì của Việt Nam như Bảng 2 sau:
Bảng 2. Giá trị các thành phần công nghệ luyện chì.
- Từ các số liệu trên ta có được giảm đồ T.H.I.O của ngành luyện chì Việt Nam như Hình 1.


Hình 1.  Biểu đồ T.H.I.O ngành luyện chì Việt Nam.
Từ biểu đồ trên ta thấy rằng, các chỉ số T, H, I, O ở khoảng cách rất xa so với đường lý tưởng, điều đó cho thấy trình độ công nghệ của ngành luyện chì Việt Nam ở mức độ rất lạc hậu so với trình độ công nghệ của Thế giới
3. Kết Luận
- Thực trạng: Ngành sản xuất chì Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ và có quy mô rất nhỏ, các nhà máy sản xuất chì kim loại với công nghệ và thiết bị của Trung Quốc, sản lượng thấp, không sản xuất liên tục. Từ điều kiện về nguyên liệu nên khó có thể đầu tư lớn, thiết bị hiện đại, xử lý môi trường đảm bảo. Điều kiện lao động của công nhân rất nặng nhọc độc hại, lao động chủ yếu là thủ công. Việc đầu tư thiết bị và công nghệ không đồng bộ, hiện tại đa số chỉ sản xuất chì thô, chỉ có duy nhất xưởng luyện chì tách bạc Cao Lộc có tinh luyện chì và thu hồi các kim loại quý.
 - Trình độ công nghệ luyện chì: Công nghệ luyện chì sử dụng là công nghệ luyện hoàn nguyên trong lò đứng với quặng thiêu kết trước. Hệ thống thiết bị luyện chì nhỏ bé, lạc hậu, các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật thấp.
Các công nghệ, thiết bị hiện đang được sử dụng sản xuất chì kim loại tại Việt Nam là loại vẫn được sử dụng một cách thông dụng trên thế giới, tuy nhiên công suất quá nhỏ nên khó có thể đầu tư trang thiết bị hiện đại hơn để cải thiện công nghệ.
Việc sản xuất chì kim loại hiện tại ở các nhà máy tại Việt Nam không có gì mới mà chỉ áp dụng công nghệ đã có từ rất lâu đời. Để đẩy mạnh công nghiệp luyện chì trong nước cần phải sản xuất tập trung, tập trung nguồn nguyên liệu và tổ chức sản xuất ở các nhà máy có công suất lớn. Cần tận thu các kim loại quý có trong quặng chì nhằm tận thu nguồn khoáng sản, gia tăng lợi nhuận trong quá trình sản xuất chì kim loại.
ThS. Nguyễn Hồng Quân
Theo Bản tin Viện KHCN Mỏ - Luyện kim
lên đầu trang