Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 03:46

Thứ bảy, 04/05/2024 | 03:46

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 17:29 ngày 19/07/2020

NARIME: Đẩy mạnh nghiên cứu có hàm lượng công nghệ cao gắn với ứng dụng thực tiễn

Chiều 17/7, đoàn công tác Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Viện Nghiên cứu cơ khí (NARIME) về tình hình thực hiện các nhiệm vụ khoa học, phát triển công nghệ và một số định hướng trọng tâm về khoa học và công nghệ của Viện trong giai đoạn tiếp theo.
Tham gia buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có Vụ trưởng Vụ khoa học và công nghệ ông Trần Việt Hoà, trưởng đoàn; ông Đào Trọng Cường, Phó Vụ trưởng; cùng các chuyên viên và cán bộ Vụ. Về phía Viện NARIME có Viện trưởng, ông Phan Đăng Phong, Phó Viện trưởng các ông Nguyễn Hải Hà, Vũ Văn Khoa và các kỹ sư cùng đội ngũ cán bộ của Viện.
Gắn kết hoạt động nghiên cứu phát triển với ứng dụng thực tiễn, dịch vụ khoa học và công nghệ
Vụ Khoa học và Công nghệ ông Trần Việt Hoà (giữa) phát biểu tại buổi làm việc
Mở đầu buổi làm việc, đại diện Vụ Khoa học và công nghệ (KH&CN) ông Trần Việt Hoà cho biết theo chủ trương và định hướng của Đảng và Chính phủ, các ngành kinh tế kỹ thuật, trong đó có ngành Công Thương cần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, tập trung vào việc phát triển và ứng dụng các công nghệ cao, đảm bảo tiến trình phát triển công nghiệp hoá – hiện đại hoá và chủ động tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).
Theo Vụ trưởng Trần Việt Hoà, trong quá trình đó, Viện NARIME cần phát huy hơn nữa vai trò quan trọng của Viện nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực cơ khí trong việc tham mưu cũng như định hướng phát triển khoa học kỹ thuật của ngành cơ khí nói riêng và ngành Công Thương nói chung, đẩy mạnh nghiên cứu – hợp tác - ứng dụng trong những lĩnh vực liên quan, đồng thời đề xuất những giải pháp hạn chế những công nghệ kỹ thuật lạc hậu; từ đó phục vụ cho quá trình hội nhập và phát triển của ngành.
Viện trưởng NARIME Phan Đăng Phong trao đổi tại buổi làm việc
Thay mặt lãnh đạo Viện, Phó Viện trưởng ông Vũ Văn Khoa báo cáo với đoàn công tác Bộ Công Thương về tình hình thực hiện các nhiệm vụ KHCN của Viện. Theo đó, giai đoạn vừa qua Viện đã có những nỗ lực nhằm thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Cụ thể, năm 2020 Viện tiếp tục thực hiện 02 đề tài liên quan đến thiết kế, chế tạo và vận hành hệ thống xử lý rác thải y tế bằng phương pháp nhiệt ướt năng suất lên tới 4.500kg rác/ngày; và đề tài phủ nanocomposite nền niken bằng công nghệ mạ xoa. Cả hai đề tài đang bước vào giai đoạn thử nghiệm và bước đầu cho thấy kết quả khả quan.
Các đề tài khoa học cấp nhà nước do Viện thực hiện đều chú trọng gắn với thực tiễn, đảm bảo các mục tiêu kinh tế. Trong số các đề tài liên quan đến Viện có 03 đề tài được phối hợp thực hiện với các đơn vị kinh tế trọng điểm là LILAMA, EEMC, PECC1 đã bước vào giai đoạn thực nghiệm. Các đề tài do Viện chủ trì đang đi đúng tiến độ được giao. 03 đề tài sẽ nghiệm thu vào cuối năm 2020.
Phó Viện trưởng Vũ Văn Khoa báo cáo với đoàn công tác Bộ Công Thương
Cũng theo Phó Viện trưởng Vũ Văn Khoa, dự án liên quan đến thiết kế và chế tạo thử nghiệm lọc bụi tĩnh điện công suất 1 triệu Nm3/h (phối hợp với nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1) đã thành công tốt đẹp và vừa được nghiệm thu cấp cơ sở.
Trình bày thêm về các công tác nghiên cứu gắn với sản xuất, Viện trưởng Phan Đăng Phong cho biết Viện đã chủ động phối hợp với các doanh nghiệp kinh tế trọng điểm để tư vấn, thiết kế, chuyển giao công nghệ có hàm lượng công nghệ cao, sản xuất thiết bị - phụ tùng yêu cầu kỹ thuật hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế… Điển hình trong đó là hệ thống đồ gá hàn khung xe cho nhà máy Vinfast, hệ thống lọc bụi tĩnh điện cho nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, hệ thống băng tải dài cho nhà máy Alumin Nhân cơ Đắk Lắk…
“Chất lượng sản phẩm và tư vấn thiết kế của Viện không chỉ được các khách hàng tin tưởng mà còn chinh phục được cả những chuyên gia tư vấn, thẩm định dày dặn kinh nghiệm đến từ các quốc gia có trình độ cơ khí cao nhất thế giới như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc…”, Viện trưởng Phan Đăng Phong khẳng định.
Theo chia sẻ của Viện trưởng NARIME, mặc dù thời gian qua các hoạt động nghiên cứu bị ảnh hưởng không nhỏ bởi dịch COVID-19 nhưng Viện vẫn quyết tâm hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ. Đến thời điểm này, Viện đã ký được hơn 700 tỷ các hợp đồng nghiên cứu kết hợp sản xuất.
Đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu, tập trung vào các đề tài có hàm lượng công nghệ cao
Định hướng phát triển đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, Viện trưởng NARIME cho biết, Viện sẽ giữ vững vai trò trong nghiên cứu – chế tạo tại các lĩnh vực truyền thống như thuỷ điện, cơ khí; đồng thời đẩy mạnh chất lượng nghiên cứu, tập trung vào các nội dung có hàm lượng công nghệ cao.
Cụ thể, Viện đang tập trung nghiên cứu phát triển các hệ thống kho chứa thông minh cho các ngành công nghiệp nặng, công nghiệp phụ trợ để phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Song song, Viện đang phối hợp với các doanh nghiệp kinh tế trọng điểm nghiên cứu và sản xuất các hệ thống tự động cho ngành công nghiệp ô tô, chế tạo máy; thiết bị tiêu chuẩn cho nhà máy năng lượng mặt trời nổi. “Đây là hướng đi mới táo bạo nhưng cần thiết, nhằm khẳng định vị trí đầu tàu của NARIME trong nghiên cứu khoa học - ứng dụng sản xuất trong lĩnh vực cơ khí phục vụ đa ngành”, ông Phong cho biết.
Thêm vào đó, Viện NARIME cũng không ngừng nghiên cứu cải tiến các công nghệ liên quan đến chế biến bô-xít nhôm, cơ khí thuỷ công, lọc bụi tĩnh điện, hệ thống cung cấp than và băng tải dài… vốn là những sản phẩm mạnh truyền thống của Viện.
Viện trưởng NARIME cũng chia sẻ mong muốn được Vụ Khoa học công nghệ hỗ trợ để nghiên cứu tiến tới thành lập trung tâm nghiên cứu liên quan đến lĩnh vực robot và logistic công nghệ cao, phù hợp xu hướng cuộc CMCN 4.0.
Vụ trưởng Trần Việt Hoà tham quan các sản phẩm, kết quả nghiên cứu của Viện
Một số chi tiết kỹ thuật do Viện NARIME thiết kế chế tạo
Qua lắng nghe báo cáo trao đổi cũng như tham quan một số sản phẩm và kết quả nghiên cứu của Viện ông Trần Việt Hoà, đánh giá cao những nỗ lực của Viện trong việc hoàn thành các nhiệm vụ… đặc biệt là trong vấn đề định hướng chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu hàm lượng công nghệ cao, chú trọng nghiên cứu kết hợp với các doanh nghiệp trọng điểm trong ngành, đóng góp vào sự phát triển ngành KHCN Công Thương nói chung.
Tuy nhiên, theo Vụ trưởng, bên cạnh công tác nghiên cứu, Viện cần trú trọng đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông về khoa học và công nghệ, qua đó phát huy tối đa hiệu quả từ sự kết hợp chặt chẽ các hoạt động giữa Viện với Bộ và các đơn vị, giữa các hoạt động của Viện với nhau; trên cơ sở đó tạo sự đồng thuận và thống nhất xuyên suốt trong các hoạt động phát triển khoa học và công nghệ của ngành.
Vụ trưởng Trần Việt Hoà cũng khuyến khích Viện chủ động tìm kiếm, đa dạng hoá nguồn kinh phí phục vụ nghiên cứu phát triển nhưng vẫn cần đảm bảo bám sát vào các mục tiêu ngắn hạn và trung hạn theo kế hoạch đã phê duyệt.
Giai đoạn tiếp theo, Viện cần có kế hoạch để kết hợp giữa thế mạnh của Viện với định hướng phát triển trọng tâm KHCN trong kế hoạch phát triển tổng thể giai đoạn đến 2030. Trong quá trình đó Vụ KH&CN sẽ theo dõi và hỗ trợ để đảm bảo các mục tiêu được đề ra.
Viện Nghiên cứu Cơ khí trực thuộc Bộ Công Thương là cơ quan nghiên cứu triển khai của Nhà nước về khoa học công nghệ thuộc lĩnh vực cơ khí và có trên 55 năm hoạt động trong lĩnh vực cơ khí và tự động hoá. Các sản phẩm của Viện đã được sử dụng bởi các doanh nghiệp trọng điểm của nhà nước như Nhà máy Vũng Áng 1, Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Nhà máy điện mặt trời nổi Đa Mi, Thuỷ điện Lai Châu… và được các đối tác đánh giá cao về mặt chất lượng.
Hương Giang ghi
lên đầu trang