Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 01/05/2024 | 13:49

Thứ tư, 01/05/2024 | 13:49

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 06:16 ngày 25/07/2020

Sử dụng chất phụ gia vượt mức: Nguy cơ hiện hữu

Gần đây, cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại thực phẩm chế biến sử dụng hóa chất, hương liệu, phụ gia vượt mức cho phép, gây mất an toàn thực phẩm (ATTP). Đây là vấn đề cần sớm loại bỏ, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.    
Những con số giật mình 
Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục quản lý thị trường (QLTT) TP. Hồ Chí Minh - cho biết, khi kiểm tra thực tế, chúng tôi phát hiện nhiều loại thực phẩm chế biến bày bán trên thị trường nhưng không rõ nguồn gốc, hết hạn sử dụng, sản xuất trái phép, tẩm ướp hóa chất và các chất phụ gia vượt mức cho phép.
Kiểm tra kinh doanh hóa chất, phụ gia thực phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh
Trong 6 tháng đầu năm 2020, đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện 194 vụ vi phạm. Cùng thời gian này, các đội QLTT kiểm tra chuyên ngành, phát hiện 157 vụ vi phạm. Đã tạm giữ 164.308 đơn vị sản phẩm thực phẩm do không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ; 580 kg bơ động vật, thịt trâu hết hạn sử dụng; 734 kg và 3.793 đơn vị sản phẩm thực phẩm giả mạo xuất xứ, nhãn hiệu.
Kiểm tra hoạt động kinh doanh hóa chất, hương liệu, phụ gia thực phẩm, Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh phát hiện 39 vụ vi phạm, tịch thu 8.500 đơn vị sản phẩm hóa chất và tạm giữ hơn 28.600 đơn vị sản phẩm hóa chất vi phạm để tiếp tục xử lý. 
Gần đây, Cục QLTT tỉnh Gia Lai cũng đã bắt giữ xe tải vận chuyển hơn 8,1 tấn mỡ bò, tóp mỡ không rõ nguồn gốc đang trong quá trình phân hủy, lô hàng này được chuyển về TP. Hồ Chí Minh tiêu thụ. 
Trước đó, tại Hà Tĩnh, một xe khách vận chuyển 13 thùng xốp chứa 2,4 tấn thịt chó, mèo ướp đá lạnh đã đổi màu, bốc mùi hôi. Trên địa bàn Hà Tĩnh, hơn 60 vụ sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm bẩn đã bị bắt giữ từ đầu năm đến nay.
Cần sớm xử lý
Theo quy định của pháp luật, thực phẩm chế biến trước khi đến tay người tiêu dùng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh. Tuy nhiên thực tế trên thị trường hiện nay, nhiều loại thực phẩm chế biến được bao gói đẹp mắt, hương vị thơm nhưng làm bằng nguyên liệu kém phẩm chất, pha trộn hương liệu quá mức, thậm chí dùng cả các loại hóa chất hạn chế sử dụng hoặc cấm sử dụng.
Đối với các loại thực phẩm chế biến được tẩm ướp hóa chất vượt mức cho phép, hóa chất cấm, chuyên gia về thực phẩm cho rằng, mức gây hại cho người tiêu dùng không thể tính bằng những con số thống kê mà còn để lại hệ lụy cho nhiều thế hệ. 
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh, các loại thực phẩm làm từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, ôi thiu khi dùng hóa chất để làm tươi mới trong chế biến thực phẩm là hành vi pháp luật nghiêm cấm, nhưng thực tế vẫn tồn tại. Để loại trừ thực phẩm tồn dư các loại hóa chất trái phép, thời gian qua, Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh đã cùng các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, tổ chức tập huấn nhiều lần cho người kinh doanh hóa chất lẫn người sản xuất, chế biến thực phẩm về những quy định của pháp luật, cũng như tác hại của các loại hóa chất, hương liệu, phụ gia thực phẩm trong chế biến thức ăn.
Lãnh đạo Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngoài chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, gian lận thương mại, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, công tác kiểm tra và xử lý ATTP cũng là nhiệm vụ trọng tâm của lực lượng QLTT thành phố. 
Ông Trương Văn Ba - Cục trưởng Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh: Từ nay đến cuối năm, lực lượng QLTT thành phố tiếp tục hợp tác, tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất thực phẩm chế biến, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh hóa chất, hương liệu, phụ gia thực phẩm trên địa bàn.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang