Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 07:39

Thứ sáu, 03/05/2024 | 07:39

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:18 ngày 23/11/2020

Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội: Đẩy mạnh ứng dụng Lean công nghệ số

Theo kế hoạch, quý I/2021, Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội (HTU) sẽ tiến hành đầu tư dây chuyền sản xuất thông minh trong trường học theo mô hình ứng dụng Lean công nghệ số. Đây là quyết tâm của Ban giám hiệu nhà trường, sau khi đơn vị này hoàn thành đề tài nghiên cứu cấp nhà nước “Nghiên cứu, đề xuất mô hình ứng dụng Lean cho doanh nghiệp ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số” vào tháng 11/2020.
Mô hình ứng dụng Lean công nghệ số
TS. Hoàng Xuân Hiệp - Hiệu trưởng HTU - cho biết - Trước thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, để nâng cao sức cạnh tranh thì các doanh nghiệp (DN) dệt may phải thực hiện chuyển đổi số. Như vậy, chúng ta phải có những nghiên cứu mô hình thí điểm, để từ đó DN xác định phải chuyển đổi số như thế nào? cơ sở đào tạo biết cần đào tạo nội dung gì cho nguồn nhân lực dệt may? Với nhận thức đó, nhà trường đã tham gia đấu thầu đề tài nghiên cứu cấp nhà nước “Nghiên cứu, đề xuất mô hình ứng dụng Lean cho DN ngành may trong bối cảnh chuyển đổi theo công nghệ số”. Đề tài được triển khai thí điểm ở 3 DN: Tổng công ty CP may Bắc Giang LGG, Công ty CP Quốc tế Phong Phú và Tổng công ty CP Phong Phú trong thời gian từ 1/7 - 30/9/2020.

Ứng dụng Lean công nghệ số tại Tổng công ty CP may Bắc Giang LGG
“Nhờ có nghiên cứu này, sau khi kết thúc đề tài nhà trường sẽ tự đầu tư một phòng học với dây chuyền may thông minh tại trường, để sinh viên được học hệ thống này. Dự kiến, phòng học có chi phí đầu tư trên 1 tỷ đồng, gồm hệ thống mạng, IoT, hệ thống các thiết bị kết nối đầu cuối.…” – TS. Hoàng Xuân Hiệp cho biết.
Hướng tới mô hình trường đại học ứng dụng
Theo TS. Hoàng Xuân Hiệp, đào tạo theo định hướng ứng dụng nghĩa là toàn bộ năng lực tư duy, thực hành, nghiên cứu của người trong tâm thế gắn với nhu cầu của thị trường lao động. Điều này HTU đã và đang làm rất tích cực, có hiệu quả.
HTU đang cung cấp nhiều dịch vụ cho DN và xã hội. Cụ thể, dịch vụ đào tạo theo đơn đặt hàng của DN, mỗi năm HTU có khoảng 40 - 50 lớp với 2.000-2.500 người học tham gia, từ ngắn hạn (2 - 3 ngày) cho đến dài hạn (9 tháng). Các nội dung đào tạo như: Giám đốc nhà máy dệt may, chuyền trưởng sản xuất trong lĩnh vực dệt may, kỹ năng mềm trong lĩnh vực dệt may, tiếng anh chuyên ngành, quản lý đơn hàng... Dịch vụ này mang về doanh thu cho nhà trường từ 3,5 - 4 tỷ đồng/năm.
Tiếp theo là dịch vụ thực tập kết hợp với sản xuất sản phẩm để thương mại hóa ra thị trường, được thực hiện tại Trung tâm sản xuất dịch vụ của HTU. Trung tâm này chuyên sản xuất hàng thiết kế bán ra thị trường châu Âu, Hàn Quốc, Mỹ… với doanh thu 60 - 70 tỷ đồng/năm. Hoạt động tự thiết kế và sản xuất bán ra thị trường nội địa cũng mang về doanh thu cho nhà trường 1,5 - 2 tỷ đồng/năm.
Đặc biệt, dịch vụ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo nhu cầu của DN, trung bình mỗi năm nhà trường triển khai 4 - 6 đề tài nghiên cứu, thông qua ký hợp đồng trực tiếp DN hoặc đấu thầu với nhà nước. Hoạt động này mang lại nguồn thu cho nhà trường 2 -2,5 tỷ/năm.
Điều đó cho thấy, mọi hoạt động đào tạo, nghiên cứu của HTU đều được triển khai ứng dụng tại DN và mang về nguồn thu tương đối, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, thu nhập cho cả giảng viên và sinh viên. Kết quả này phản ánh chất lượng đào tạo của nhà trường đã đáp ứng nhu cầu của xã hội, thị trường lao động.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang