Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 17:03

Thứ sáu, 03/05/2024 | 17:03

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 16:54 ngày 16/12/2020

Nhân rộng sáng kiến ngành than

Trải nghiệm thực tế từ quá trình lao động vất vả của cán bộ, công nhân, người lao động ngành than đã khiến nhiều sáng kiến, đề tài được đưa vào thực tiễn, mang lại hiệu quả cao cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Qua tổng kết hàng năm, mỗi đơn vị ngành than có hàng trăm đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, an toàn bảo hộ lao động được áp dụng mang lại giá trị làm lợi nhiều tỷ đồng. Các sáng kiến cải tiến kỹ thuật nếu được nhân rộng áp dụng tại tất cả các đơn vị có cùng điều kiện còn mang lại hiệu quả lớn hơn gấp nhiều lần.
Đơn cử, là một trong những khai trường sản xuất chính của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), từ tháng 2/2019 lò chợ cơ giới hóa (CGH) 1,2 triệu tấn/năm của Công ty Than Hà Lầm phải khoan nổ mìn cắt đá nên tiến độ chậm, năng suất lao động thấp, tốn nhiều chi phí. Để cải thiện tình trạng này, ông Trần Mạnh Cường - Nguyên Giám đốc Công ty CP Than Hà Lầm đã triển khai sáng kiến “Nghiên cứu, chỉ đạo lập biện pháp và chỉ đạo thi công khấu vượt phay lò chợ CGH 7-3.1 vỉa 7, công suất 1,2 triệu tấn/năm đảm bảo an toàn, hoàn thành kế hoạch sản lượng TKV giao”. Tại đây, công ty đã chỉ đạo thi công khấu vượt phay theo hướng khống chế dốc độ lò chợ theo phương khấu, giảm dần dốc từ 16 độ xuống 2 độ, kết hợp với công tác trắc địa khống chế dốc độ tại hiện trường. Sau khi áp dụng, giải pháp này đã tăng được 120.000 tấn than, làm lợi 33,6 tỷ đồng.
Năm 2019, ngành than đã có 60 đề tài nghiên cứu khoa học được công nhận và áp dụng
Hoặc, đề tài “Cải tạo máy xúc đá XD-0.32 lắp đặt hệ thống thủy lực” của nhóm tác giả Nguyễn Viết Cường, Trần Quang Duẩn và Bùi Văn Hinh (Công ty Than Uông Bí) đã đề xuất cải tạo máy xúc đá XD-0.32 bằng cách tháo bỏ các bộ phận điều khiển, dẫn động bằng cơ khí và lắp đặt hệ thống bằng thủy lực cho máy dễ di chuyển và bốc xúc đạt hiệu quả cao hơn. Đề tài đã đạt giải khuyến khích Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Việt Nam năm 2019 của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Trong lĩnh vực sàng tuyển, cơ khí, chế tạo cũng có không ít sáng kiến mang lại lợi ích cao. Điển hình như sáng kiến “Cải tạo công nghệ khâu đập trung gian sau tuyển huyền phù để xử lý được phần trên sàng cấp +15mm than nhập khẩu tại Nhà máy Tuyển than 1” của Giám đốc Công ty Tuyển than Cửa Ông Đặng Văn Khôi - đã cải tạo tháo dỡ băng 124 cũ của hệ máng rửa không còn sử dụng, sửa chữa, bảo dưỡng rồi lắp đặt lại để đón sản phẩm đập đổ vào sàng. Theo đó, than trung gian sau tuyển huyền phù từ trên sàng xuống băng cấp vào máy đập, sau đó sang băng rồi nhập với than trung gian tại băng và cấp vào máy đập. Than cám sau đập được sàng pha trộn thành các loại than cám theo yêu cầu sản xuất và đúng tiêu chuẩn, giá trị làm lợi 1,7 tỷ đồng/năm.
Song song với việc áp dụng tại đơn vị phát minh ra sáng kiến, TKV còn vận động các đơn vị phổ biến rộng rãi các đề tàì, sáng kiến thông qua các kênh truyền thông, hệ thống thông tin nội bộ, văn bản, hoặc tổ chức học tập trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau... để áp dụng rộng rãi tại các đơn vị, mang lại hiệu quả tối đa trong sản xuất, kinh doanh. Bởi thực tế cho thấy, đa phần các đơn vị trong Tập đoàn đều cơ bản có những điều kiện về khai thác than, khoáng sản, sàng tuyển, chế biến hay vận tải tiêu thụ gần như tương đồng, có thể áp dụng nhân rộng.
Năm 2019, ngành than đã có 60 đề tài nghiên cứu khoa học được công nhận và áp dụng; có 3.427 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất; 23 công trình sản phẩm có giá trị làm lợi. Lợi ích kinh tế từ việc áp dụng các giải pháp đổi mới công nghệ, tự động hóa, tin học hóa của toàn TKV ước đạt 450 tỷ đồng/năm.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang