Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 12/10/2024 | 09:41

Thứ bảy, 12/10/2024 | 09:41

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 12:25 ngày 22/12/2020

Sáng kiến tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Sáng kiến loại bỏ tạp chất kim loại sắt và canxi trong dầu thô bằng hóa chất chính thức được đưa vào áp dụng dài hạn từ đầu năm 2015 cho đến nay, góp phần đảm bảo vận hành an toàn, ổn định Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Giá trị kinh tế của giải pháp ước tính tối thiểu khoảng 6,2 triệu USD/năm (khoảng 130 tỷ đồng).
Kết quả kinh doanh của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất - đạt được thể hiện những nỗ lực của công ty trong việc triển khai và áp dụng linh hoạt nhiều giải pháp đồng bộ trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm gia tăng lợi nhuận.
Có được kết quả này là nhờ Công ty liên tục đẩy mạnh các sáng kiến cải tiến nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Trong 5 năm gần đây, Công ty đã có 4-6 nhóm cải tiến và áp dụng đồng thời các công cụ cải tiến và tiêu chuẩn quốc tế như 5S, Kaizen, TPM, ISO 9001, ISO 140001, ISO 50001, 6 Sigma…
Không chỉ vậy, trong 3 năm trở lại đây, BSR đã chú trọng công tác tổ chức, huấn luyện, đào tạo về áp dụng các công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Cụ thể, BSR đã tổ chức đào tạo, mở lớp học cho tất cả nhân sự Công ty về công cụ 5S, Kaizen (1.400 người); đào tạo cho nhân sự Ban vận hành sản xuất, Ban Bảo dưỡng sửa chữa, Ban Nghiên cứu và phát triển (khoảng 300 người) về quản lý tinh gọn, TPM, 6 Sigma…
Đặc biệt từ năm 2014 đến nay, BSR đã thực hiện triển khai Dự án cải tiến “Giải pháp loại bỏ tạp chất kim loại sắt và can xi trong nguyên liệu của của phân xưởng RFCC” tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Dự án này cơ bản đã được hoàn thành và áp dụng thực tế từ 2015 đến hiện tại. Đồng thời, Nhóm cải tiến vẫn đang tiếp tục nghiên cứu tối ưu hóa chất cũng như hệ thống châm hóa chất để nâng cao và duy trì ổn định hiệu quả tách loại sắt và canxi ở mức cao.
Chia sẻ với người viết, đại diện Nhóm cải tiến của BSR cho biết, trong năm 2012, Phân xưởng RFCC (Cracking xúc tác tầng sôi liên tục) của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã trải qua xảy ra sự cố tắc nghẽn nghiêm trọng, phải dừng hoạt động hoàn toàn trong thời gian dài để xử lý.
Nguyên nhân sự cố do nhiều yếu tố kết hợp, quan trọng nhất là sự tăng cao bất thường của hàm lượng kim loại sắt và canxi trong nguyên liệu từ phân xưởng CDU (Phân xưởng chưng cất dầu thô) – nơi sản xuất các sản phẩm từ dầu thô.
Thiết kế ban đầu của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các kim loại Sắt và Canxi không được định lượng vì nguyên liệu sử dụng chủ yếu là từ mỏ dầu Bạch Hổ, vốn là dầu “ngọt”, chứa rất ít các tạp chất trên. Tuy nhiên, từ cuối năm 2011, hàm lượng Canxi  và Sắt trong nguyên liệu của Phân xưởng RFCC tăng lên nhiều lần, tạo kết tụ, gây đóng cặn và tắc nghẽn.

Sáng kiến loại bỏ tạp chất kim loại sắt và canxi trong dầu thô bằng hóa chất chính thức được đưa vào áp dụng dài hạn từ đầu năm 2015 cho đến nay, góp phần đảm bảo vận hành an toàn, ổn định Nhà máy Lọc dầu Dung Quất
Trước tình hình đó, Công ty Lọc hoá dầu Bình Sơn đã thành lập nhóm điều tra xử lý vấn đề trên.
Sau khi phân tích kỹ các nguyên nhân, Nhóm nghiên cứu đã đề xuất sử dụng hoá chất để loại bỏ các tạp chất ra khỏi nguyên liệu của Phân xưởng RFCC. Phương án này có chi phí đầu tư thật, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật đề ra mà không phải bổ sung cấu hình nhà máy. Sau khi áp dụng 1 tháng, hiệu suất tách hàm lượng sắt và canxi trong dầu thô tại nhà máy tăng thêm khoảng 33%, vượt trội so với yêu cầu kỹ thuật đề ra.
Thực tế cho thấy, hiệu suất tách loại sắt và canxi luôn được duy trì ổn định ở mức trung bình trên 60% mặc dù hàm lượng tạp chất trong dầu thô đã tăng cao hơn rất nhiều so với năm 2014.
Theo các số liệu tính toán, phương án này đã làm lợi cho nhà máy tối thiểu khoảng 6,2 triệu USD/năm.
Đồng thời, giải pháp mở ra 1 hướng mới cho ngành lọc hóa dầu trong việc xử lý các tạp chất kim loại trong dầu thô với chi phí rất thấp và hiệu quả kinh tế cao. 
Chia sẻ kinh nghiệm thành công khi thực hiện dự án cải tiến, đại diện BSR cho rằng, để dự án cải tiến thực hiện thành công, cần lập kế hoạch chi tiết cho quá trình nghiên cứu, triển khai dự án cải tiến, phân công chi tiết nhiệm vụ thực hiện cho từng giai đoạn, từng thành viên trong Nhóm. ĐỒng thời, xác định rõ nguyên nhân của vấn đề, từ đó đưa ra giải pháp hiệu quả, phù hợp.
Để thực hiện thành công dự án cải tiến “Giải pháp loại bỏ tạp chất kim loại sắt và can xi trong nguyên liệu của của phân xưởng RFCC”, BSR đã xây dựng các quy chế, quy trình để hỗ trợ và thúc đẩy các hoạt động cải tiến như: quy chế quản lý hoạt động sáng kiến, sáng chế; quy chế chi tiêu và sử dụng Quỹ khoa học công nghệ…
Ngoài ra, Công ty đã điện tử hóa quá trình đề xuất, đánh gia các cải tiến tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, nhóm cải tiến thực hiện. “Đây là những bài học, những kinh nghiệm tạo thành công của BSR”, đại diện Nhóm cải tiến chia sẻ.
Dự án cải tiến “Giải pháp loại bỏ tạp chất kim loại sắt và can xi trong nguyên liệu của của phân xưởng RFCC” tại Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn là một trong 12 nhóm vào Vòng Chung kết Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020.
Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực, đóng góp của các Nhóm cải tiến với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp, đồng thời tuyên truyền, thúc đẩy mở rộng việc áp dụng cải tiến năng suất cho các doanh nghiệp trong toàn ngành Công Thương.
Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương nằm trong khuôn khổ các hoạt động tổng kết Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 22 tháng 05 năm 2012 do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2012 - 2020 với 5 nhiệm vụ chính: (1) Phổ biến, tuyên truyền về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; (2) Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; (3) Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; (4) Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; (5) Nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực.
Vòng Chung kết Cuộc thi Nhóm cải tiến Năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 sẽ diễn ra vào sáng 21/12/2020 tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, 11 Lê Hồng Phong, Hà Nội.
Mọi thông tin chi tiết về Cuộc thi Nhóm cải tiến Năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 xin truy cập website tapchicongthuong.vn hoặc Fanpage Năng suất chất lượng.
Theo Tạp chí Công Thương
lên đầu trang