Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 17:42

Thứ sáu, 03/05/2024 | 17:42

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 09:12 ngày 09/02/2021

Hiệu quả thực hiện "3 hóa" ở TKV

Triển khai Nghị quyết số 10 của Đảng ủy Than Quảng Ninh và Nghị quyết số 19 của Đảng ủy TKV, giai đoạn 2017-2020, các đơn vị ngành Than đã đẩy mạnh áp dụng “3 hóa” (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) vào quản lý, nâng cao năng lực sản xuất. Việc triển khai các nghị quyết mang tính “xương sống” này đang mang lại hiệu quả tiết giảm lao động thủ công, cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao năng suất lao động cho công nhân trong ngành.
Lò chợ cơ giới hóa công suất 1,2 triệu tấn than của Công ty CP Than Hà Lầm. (Ảnh: Công ty CP Than Hà Lầm cung cấp)
Năm 2017, Đảng ủy Than Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/ĐU (ngày 11/1) về đẩy mạnh công tác khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh; Đảng ủy Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) ban hành Nghị quyết số 19-NQ/ĐU (ngày 2/3) về tập trung lãnh đạo đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể hóa 2 nghị quyết trên, các chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc đã ban hành các nghị quyết, kế hoạch lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị tập trung đầu tư ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa phù hợp với tình hình sản xuất.
Tại Công ty CP Than Hà Lầm, trong điều kiện diện sản xuất ngày càng xuống sâu (chủ yếu ở mức -300m) Đảng bộ công ty xác định ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa là bước đi chiến lược, nhằm nâng cao năng suất, giảm cường độ lao động, chi phí, giá thành sản phẩm, đồng thời tăng sản lượng khai thác than hằng năm. Đây là hướng đi rút ngắn thời gian, giúp đơn vị xây dựng thành công mô hình “Mỏ xanh, sạch, hiện đại, ít người” đầu tiên trong Tập đoàn.
Trước đó, trong 2 năm (2015 và 2016), Công ty CP Than Hà Lầm đã đầu tư, đưa vào sử dụng 2 lò chợ cơ giới hóa đồng bộ có cơ cấu hạ trần thu hồi than nóc gồm: 1 lò chợ công suất 600.000 tấn/năm, khai thác tại vỉa 11 và 1 lò chợ công suất 1,2 triệu tấn/năm, khai thác tại vỉa 7. Hiện 2 lò chợ cơ giới hóa đang hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, giai đoạn 2017-2020, công ty tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ đào chống lò, như: Máy đào lò combai, máy xúc, chống lò bằng vì neo; các thiết bị vận chuyển than, vật liệu, chở người; hiện đại hóa dây chuyền sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, đồng bộ.
Nhờ áp dụng “3 hóa” giúp đơn vị nâng cao năng suất, giảm cường độ lao động, chi phí, giá thành sản phẩm, đồng thời tăng sản lượng khai thác than hằng năm. Năm 2015, tổng sản lượng than khai thác bằng công nghệ cơ giới hóa đạt hơn 300.000 tấn, chiếm 18% tổng sản lượng than hầm lò. Đến năm 2020, sản lượng than cơ giới hóa của công ty đạt hơn 1,6 triệu tấn, chiếm gần 70%, tổng sản lượng than hầm lò.
Cùng với Công ty CP Than Hà Lầm, thời gian gần đây, các đơn vị ngành Than đã mạnh dạn đưa cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào những lĩnh vực phù hợp. Trong khai thác hầm lò, đến nay TKV có 10 lò chợ áp dụng dây chuyền cơ giới hóa đồng bộ. Trong đó, có 6 lò chợ cơ giới hóa đồng bộ, khấu lớp trụ, hạ trần thu hồi than nóc tại: Công ty CP Than Hà Lầm (2 dây chuyền), Công ty CP Than Vàng Danh, Công ty Than Khe Chàm, Công ty CP Than Núi Béo, Công ty CP Than Mông Dương; 3 lò chợ cơ giới hóa đồng bộ khấu hết chiều dày vỉa tại: Công ty Than Khe Chàm, Công ty Than Dương Huy, Công ty Than Quang Hanh và 1 tổ hợp lò chợ cơ giới hóa đồng bộ tại Công ty Than Uông Bí.
Công nhân Công ty CP Than Mông Dương điều khiển hệ thống giàn chống thủy lực di động lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ mức -250m đến -100m. Nguồn: Báo Quảng Ninh
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị như: Than Mạo Khê, Than Vàng Danh, Than Hà Lầm, Than Hòn Gai, Than Thống Nhất… còn lắp đặt tự động hóa các tuyến băng tải, qua đó giảm nhân công vận hành đáng kể. Trong sản xuất than lộ thiên, tiêu biểu năm 2020 Công ty CP Than Đèo Nai đã triển khai thí điểm thành công ứng dụng nhận lệnh online thông qua website: deonai.com.vn áp dụng cho các phân xưởng khoan, xúc, gạt. Qua đó giảm được thời gian làm việc, nâng cao độ chính xác 100% cho công tác điều hành sản xuất báo chuyến, tổng hợp số liệu thống kê sản lượng, năng suất xe.
Thực tế hầu hết các lò chợ cơ giới hóa cắt giảm được 10-20% lao động trực tiếp so với lò chợ thủ công trong cùng điều kiện; các khâu chính trong quy trình công nghệ cơ giới hóa, như tách phá than, chống giữ, được thực hiện bằng thiết bị cơ giới hóa sẽ giảm được các công việc thủ công nặng nhọc, qua đó cải thiện điều kiện làm việc và nâng cao mức độ an toàn trong sản xuất.
Bên cạnh đó, với việc đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong khai thác hầm lò; đầu tư đồng bộ thiết bị công suất lớn trong khai thác lộ thiên đã góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò từ 19,86% (năm 2019) xuống còn 19,68% (năm 2020) và trong khai thác lộ thiên từ 4,36% (năm 2019) xuống còn 4,29% (năm 2020).
Năm 2021, TKV tiếp tục nghiên cứu nhân rộng các lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ ra một số đơn vị có điều kiện phù hợp. Đồng thời, khối sản xuất than lộ thiên sẽ đầu tư nâng cấp hệ thống cấp phát nhiên liệu tự động. Đặc biệt, TKV sẽ ưu tiên đầu tư 7.400 tỷ đồng vào các dự án trọng điểm, như: Dự án khai thác hầm lò phần mở rộng mỏ Hà Ráng (Công ty Than Hòn Gai), dự án khai thác hầm lò dưới mức -150 mỏ Tràng Bạch (Công ty Than Uông Bí); dự án hệ thống băng tải vận chuyển than Núi Béo - Hà Tu - Trung tâm chế biến than Cảng làng Khánh (TP Hạ Long)... Những dự án này sẽ được đầu tư đồng bộ thiết bị, máy móc theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa qua đó giúp ngành Than phát triển ngày càng bền vững.
Theo Báo Quảng Ninh
lên đầu trang