Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 23:25

Thứ ba, 14/05/2024 | 23:25

Chính sách

Cập nhật lúc 08:15 ngày 08/03/2021

Xây dựng Nghị định quản lý hải quan hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử

Theo đề xuất của Bộ Tài chính mới được Chính phủ thông qua, tới đây, hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua hình thức giao dịch thương mại điện tử sẽ chịu sự quản lý nhà nước về hải quan theo các qui định ở cấp Nghị định.
Trong xu thế phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), thương mại điện tử đã phát triển mạnh mẽ trở thành một xu thế tất yếu trong kinh doanh thương mại quốc tế cũng như tại thị trường Việt Nam.
Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam trung bình đạt khoảng 25-30%. Trong năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực rất lớn đến các hoạt động kinh doanh, thương mại, song theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 18%, với quy mô giá trị thị trường đạt khoảng 11,8 tỷ USD, chiếm khoảng 5,5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Việt Nam là nước duy nhất ở khu vực Đông Nam Á nhiều năm qua và hiện nay tăng trưởng phát triển thương mại điện tử đạt ở mức 2 con số. Theo GlobalData’s E-Commerce Analytics, dự báo, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay tiếp tục được duy trì, thì đến năm 2025, ước tính qui mô thị trường thương mại điện tử tại Việt Nam có thể đạt giá trị khoảng 26 tỷ USD.
Để tạo môi trường cho thương mại điên tử phát triển lành mạnh, hiệu quả, hỗ trợ cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Công Thương đã chủ động bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật theo thẩm quyền cũng như đã đề xuất Chính phủ xây dựng, ban hành các chính sách, pháp luật phù hợp với bối cảnh hội nhập quốc tế và thực tiễn trong nước cho thương mại điện tử phát triển.

Thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng. (Ảnh minh họa)
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, độ mở của nền kinh tế cao, tốc độ tăng trưởng cao và dự báo thương mại điên tử sẽ tiếp tục phát triển nhanh, mạnh trong giai đoạn tới, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, cần phải có những giải pháp quản lý mới phù hợp đối với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, đặc biệt là các giao dịch thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hiện nay, thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử vẫn thực hiện như đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông thường, một số trường hợp hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử không có đủ hồ sơ chứng từ chứng minh trị giá giao dịch, nên không được hải quan tính thuế theo trị giá giao dịch thực khiến trị giá tính thuế thường cao hơn so giá trị thực của hàng hóa. Ngoài ra, một số mặt hàng phải chịu sự kiểm soát của các cơ quan chuyên ngành, trong khi đó, nếu cá nhân mua hàng với số lượng nhỏ thông qua thương mại điện tử không thể có đủ hồ sơ chứng từ xuất trình cho các cơ quan quản lý chuyên ngành để thực hiện thủ tục hải quan. Điều này đã dẫn tới, hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử nhập khẩu vào Việt Nam tiềm ẩn rủi ro về gian lận thương mại, gian lận thuế, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ…
Do các quy định hiện hành về thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử vẫn thực hiện như xuất nhập khẩu thông thường, nhưng đặc thù hàng hóa xuất nhập khẩu qua giao dịch thương mại điện tử thường có qui mô nhỏ, lẻ, trị giá thấp, hàng hóa của cá nhân, thời gian giao dịch nhanh, phương thức mua bán hàng hóa đơn giản, số lượng các lô hàng trị giá nhỏ nhiều và gia tăng nhanh..., đã khiến cho việc thực hiện các thủ tục hải quan gặp nhiều vướng mắc, khó khăn.
Đó là những lý do Bộ Tài chính đề xuất và Chính phủ đã thông qua việc triển khai xây dựng Nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử, dự kiến ban hành trong thời gian tới, nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho cá nhân, tổ chức khi mua, bán, xuất nhập khẩu hàng hóa thông qua thương mại điện tử thực hiện các thủ tục hải quan chủ động, thuận lợi. Ở góc độ khác, việc ban hành Nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua thương mại điện tử phù hợp với các thông lệ quốc tế, cũng sẽ giúp hải quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ “gác cổng” nền kinh tế, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đồng thời vẫn tạo thuận lợi cho thương mại.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang