Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 16:06

Thứ năm, 02/05/2024 | 16:06

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 19:27 ngày 07/08/2021

Nghiên cứu khoa học công nghệ hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp khai khoáng

Là một trong những đơn vị nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ (KHCN) và họat động chế biến khoáng sản hàng đầu Việt Nam, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (Vimluki) luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học.
Hoạt động nghiên cứu phát triển trải rộng 
Để đảm bảo hiệu quả trong khai thác, chế biến, sử dụng tài nguyên khoáng sản, đồng thời hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tới môi trường, ngày 04/12/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 159/2008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Tiếp đó, ngày 22/02/2017, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng đến năm 2025” (Đề án).
Viện KHCN Mỏ - Luyện kim trực thuộc Bộ Công Thương được thành lập từ năm 1967 trên cơ sở tách ra từ Viện Thiết kế tổng hợp. Viện có chức năng, nhiệm vụ chính là nghiên cứu KHCN, phát triển các dự án trong lĩnh vực khai thác mỏ, tuyển khoáng, luyện kim, chế tạo thiết bị và môi trường công nghiệp.
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cùng đoàn công tác tham quan Viện KH&CN Mỏ - Luyện kim.
Dưới sự chỉ đạo sát sao của Vụ KHCN, Bộ Công Thương, Viện đã tích cực xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ KHCN để tham gia Đề án. Các nhiệm vụ do Viện xây dựng, đề xuất luôn bám sát các tiêu chí của Đề án, xuất phát từ nhu cầu thực tế, cần thiết của các doanh nghiệp làm khai thác, chế biến khoáng sản và có sự đồng hành, tham gia bằng nhân lực, vật lực của doanh nghiệp. 
TS. Đào Duy Anh, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim cho biết: Trong quá trình tham gia Đề án, xuyên suốt từ giai đoạn 2008-2015, 2017-2020 và hiện nay là 2021-2025, các nhiệm vụ KHCN Viện thực hiện tập trung giải quyết các vấn đề chính như: nghiên cứu đưa ra công nghệ khai thác, chế biến tận thu khoáng sản chính và khoáng sản có ích đi kèm trong quặng nhằm tận thu tối đa tài nguyên, nâng cao hiệu quả kinh tế của quá trình khai thác, chế biến khoáng sản và giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm môi trường; nghiên cứu khai thác, tuyển thu hồi các loại khoáng sản quý hiếm, khó tuyển; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp công nghệ, đưa ra các thiết bị tuyển nâng cao hiệu quả quá trình khai thác, chế biến cho các doanh nghiệp mỏ; nghiên cứu thu hồi các khoáng sản có ích trong đất đá, sản phẩm thải của quá trình khai thác, chế biến trước đây.
Song song với việc thực hiện các nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách Nhà nước, trong nhiều năm qua, Viện đã đồng hành cùng các doanh nghiệp, sử dụng nguồn vốn từ các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trong cả nước để nghiên cứu, giải quyết các vấn đề gặp phải trong hoạt động sản xuất, đưa ra các giải pháp, công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho doanh nghiệp. Kết quả nghiên cứu thu được từ các nhiệm vụ KHCN đã chuyển hóa phần lớn vào việc thúc đẩy quá trình đổi mới và hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.
Xưởng điện phân thiếc
Những năm gần đây Viện đã thực hiện hàng trăm nhiệm vụ nghiên cứu đổi mới công nghệ, thiết bị; tư vấn đổi mới công nghệ, thiết bị; tư vấn lập và phát triển các dự án khai thác, chế biến khoáng sản, đóng góp tích cực cùng toàn ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam từng bước chuyển đổi công nghệ, thiết bị theo hướng tiên tiến, hiện đại, hoạt động hiệu quả và thân thiện với môi trường. 
Cụ thể, một số công trình khai thác, chế biến khoáng sản lớn của Việt Nam phát triển những năm gần đây với sự tham gia của Viện đã đóng góp cho sự đổi mới và hiện đại hóa công nghệ, thiết bị như: Nhà máy tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, tỉnh Lào Cai của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung công suất 1 triệu tấn/năm sản xuất ổn định đạt 100% công suất thiết kế từ năm 2014; Nhà máy tuyển nổi quặng đồng Sin Quyền số 2 công suất lớn nhất Việt Nam là 1,4 triệu tấn/năm của Tổng Công ty Khoáng sản-TKV tại tỉnh Lào Cai; Nhà máy nghiền zircon siêu mịn công suất 36 ngàn tấn/năm của Tập đoàn Rạng Đông tại tỉnh Bình Thuận.
Bên cạnh đó, Viện còn trực tiếp ứng dụng thử nghiệm các kết quả nghiên cứu để sản xuất một số sản phẩm kim loại, hợp kim phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu như các sản phẩm hợp kim sắt, đồng, nhôm phục vụ công nghiệp chế tạo máy và chi tiết máy; sản phẩm thiếc (Sn) 99,99%. Sản phẩm được các đơn vị sản xuất bao gói thực phẩm, sản phẩm điện tử trong và ngoài nước đánh giá rất cao. 
 Vimluki tư vấn cải tạo đổi mới công nghệ Nhà máy luyện xỉ titan Bình Định
Ngoài các nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai sử dụng ngân sách Nhà nước, Viện cũng đã thực hiện hàng trăm công trình tư vấn KHCN về lập, phát triển dự án mới, cải tạo thiết bị, chuyển giao, đào tạo công nghệ cho các nhà máy đang hoạt động nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế cho hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của các doanh nghiệp, giảm tổn thất tài nguyên và hạn chế nguồn chất thải gây nguy cơ tác động tiêu cực tới môi trường. 
Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững 
Theo TS. Đào Duy Anh, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản của Việt Nam, phục vụ quá trình phát triển đất nước trong xu thế công nghiệp 4.0, tiến tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn thì ngành công nghiệp khai khoáng phải khắc phục được các tồn tại sau:
Thứ nhất: Cải tiến phương thức đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân lực của ngành. Cụ thể, cần được trang bị kỹ hơn kiến thức về địa chất, khoáng vật học như thành tạo mỏ, cấu trúc quặng, đặc điểm khoáng vật.., kiến thức liên quan đến công nghệ khai thác, công nghệ hóa, môi trường, luyện kim, chế biến sâu khác và ứng dụng của các loại khoáng sản, có trình độ ngoại ngữ đủ để tiếp cận các thông tin, thành tựu khoa học công nghệ mới, trình độ công nghệ thông tin đáp ứng việc xây dựng các mô hình thực nghiệm, kế hoạch thí nghiệm và thiết kế dạng 3D. Đặc biệt, cần được trang bị thật tốt kiến thức về khoa học vật liệu, công nghệ tái sinh, tái chế… để đáp ứng yêu cầu nhân lực cho quá trình xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn.
Thứ hai: Kiến nghị Đảng, Nhà Nước và Chính phủ có các chính sách khuyến khích và dành nguồn lực thích hợp cho các nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu đón đầu xu hướng như: Nghiên cứu về các loại vật liệu, hóa chất mới; Nghiên cứu công nghệ tái sinh, tái chế các sản phẩm, vật liệu có nguồn gốc khoáng sản. Nâng cao tiềm lực cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy thực tế cho các cơ sở đào tạo, thiết bị nghiên cứu đồng bộ, hiện đại cho các đơn vị nghiên cứu chuyên ngành.
Thứ ba: Tập trung nguồn lực toàn ngành cho mục tiêu xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn, trong đó, phải tiên phong trong việc giảm thiểu khai thác khoáng sản thô bằng các giải pháp như khai thác tận thu tối đa khoáng sản trong mỏ, sử dụng công nghệ, thiết bị tiêu tốn ít năng lượng, nhiên liệu, có hiệu suất làm việc cao, đảm bảo quá trình khai thác gây tác động tiêu cực tối thiểu tới môi trường.
Đặc biệt, cần thu hồi tối đa khoáng sản chính và các khoáng sản có ích đi kèm, nghiên cứu sử dụng các chất thải của quá trình khai thác và tuyển để sản xuất ra các loại nguyên liệu cho các ngành công nghiệp khác hay chế tạo ra các sản phẩm sử dụng ngay. Đồng thời, nghiên cứu khả năng tái sử dụng các sản phẩm, tái chế những sản phẩm không thể tái sử dụng làm nguyên liệu cho chu kỳ sản xuất tiếp theo. 
Vimluki đề xuất xây dựng "Phòng thí nghiệm quốc gia về titan" đặt tại VimlukiI. (Ảnh minh họa)
Với sự tiến bộ về trình độ nhân lực, công nghệ, thiết bị trong những năm qua Vimluki đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành công nghiệp khai khoáng và giải quyết được những đỏi hỏi của tình hình thực tế.
Chia sẻ về định hướng phát triển trong thời gian tới, TS. Đào Duy Anh cho biết: “Trong những năm tới, Viện sẽ tiếp tục các hoạt động nghiên cứu, triển khai KHCN hướng tới sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình đổi mới, hiện đại hóa công nghệ trong ngành công nghiệp khai khoáng của Việt Nam theo hướng khai thác, chế biến khoáng sản hiệu quả, tận thu tối đa các khoáng sản có ích trong mỏ, khai thác tiết kiệm tài nguyên, nghiên cứu sử dụng tổng hợp từ khoáng sản có ích đến các chất thải phát sinh trong quá trình khai thác, chế biến để hướng hoạt động khai khoáng theo mô hình nền kinh tế tuần hoàn, phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ."
Mai Anh
lên đầu trang