Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 22:28

Thứ ba, 07/05/2024 | 22:28

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:56 ngày 09/10/2021

Chú trọng phát triển công nghệ có tính cạnh tranh cao trong công nghiệp thực phẩm

​Chiều ngày 7/10, đoàn công tác Bộ Công Thương do ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ dẫn đầu đã có buổi làm việc với Viện Công nghiệp thực phẩm để trao đổi về định hướng phát triển của Viện cũng như tăng cường phối hợp hoạt động giữa Viện với cơ quan quản lý nhà nước trong thời gian tới. 
Đơn vị đầu ngành trong nghiên cứu chế biến thực phẩm
Viện Công nghiệp thực phẩm hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ chế biến nông sản thực phẩm, công nghệ sinh học và giám định an toàn thực phẩm. Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, với đội ngũ nhân lực gồm 105 cán bộ viên chức (trong đó có 5 phó giáo sư, 16 tiến sĩ và 50 thạc sĩ), Viện đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào. Trong quá trình đó, Viện luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương).
Phát biểu tại buổi làm việc, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Hòa nhấn mạnh: “Với hệ thống cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư cùng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, Viện Công nghiệp thực phẩm là đơn vị nghiên cứu đi đầu trong lĩnh vực chế biến thực phẩm không chỉ của Bộ Công Thương mà còn là đơn vị đầu ngành trong lĩnh vực chế biến thực phẩm của cả nước”.

Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại buổi làm việc với Viện Công nghiệp thực phẩm.
Chia sẻ cụ thể về hoạt động của đơn vị, PGS.TS. Vũ Nguyên Thành cho hay, trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, Viện đã phát triển và chuyển giao được một số công nghệ trong lĩnh vực chế biến. Tiêu biểu như công nghệ chiết tách tinh dầu, sản xuất phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng từ các loại thảo dược, nâng cấp một số sản phẩm truyền thống lên sản xuất công nghiệp,… Viện cũng đã thực hiện sản xuất thử nghiệm và đăng ký thương mại trên 20 sản phẩm nhằm quảng bá công nghệ, thăm dò thị trường, hoàn thiện sản phẩm.
Đối với lĩnh vực an toàn thực phẩm, công tác đánh giá an toàn thực phẩm chủ yếu được thực hiện tại Trung tâm Phân tích và giám định thực phẩm quốc gia. Trung tâm được công nhận hợp chuẩn ISO/IEC 17025 trong lĩnh vực Hóa-Sinh với năng lực thử nghiệm trên 300 chỉ tiêu, trong đó 100 chỉ tiêu được công nhận hợp chuẩn.
Nước uống từ quả gấc bằng công nghệ enzyme - một sản phẩm của Viện Công nghiệp thực phẩm.
Báo cáo trước đoàn công tác Bộ Công Thương, PGS.TS. Vũ Nguyên Thành cho biết, một trong những thế mạnh của Viện Công nghiệp thực phẩm là nghiên cứu ứng dụng công nghệ vi sinh. Theo đó, Viện đang duy trì trên 1500 chủng giống bao gồm nấm mốc, nấm men, vi khuẩn và plasmid bằng các kỹ thuật hiện đại như đông khô, lạnh sâu, bảo quản trong ni tơ lỏng. Cùng với đó, Viện phát triển công nghệ sản xuất giống khởi động phục vụ sản xuất sữa chua, phomai, tương, rượu, cồn, và chế phẩm probiotics bảo vệ sức khỏe, sản phẩm lên men giàu GABA... Ngoài ra, Viện cũng nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ enzyme trong sản xuất siro glucose, maltodextrin, tinh bột biến tính, lên men cà phê theo công nghệ ướt.
Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ cao, Viện là một trong những cơ sở mạnh của Việt Nam trong nghiên cứu sản xuất enzyme tái tổ hợp, sản xuất nano-selen. Gần đây, Viện bước đầu nhận được một số đơn đặt hàng nghiên cứu từ 02 công ty của Pháp và Nhật Bản.
Xây dựng chiến lược phát triển với 03 định hướng dài hạn
Chia sẻ về thực trạng hoạt động của Viện, PGS.TS. Vũ Nguyên Thành cho biết, mặc dù đã có nhiều đóng góp cho phát triển ngành và công tác quản lý nhà nước, tuy nhiên vai trò của Viện Công nghiệp thực phẩm chưa thật sự nổi bật. “Nguyên nhân chủ quan là do Viện chưa xây dựng được chiến lược phát triển phù hợp trong tình hình mới”, PGS.TS. Vũ Nguyên Thành nói.
Chính vì vậy, trong thời gian tới, Viện xác định sẽ phát triển những công nghệ có tính cạnh tranh cao, hướng tới công nghiệp chế biến những nông sản chủ lực của Việt Nam. Để thực hiện điều này, Viện đang tập trung nâng cao năng lực nghiên cứu, xây dựng những định hướng nghiên cứu dài hạn, có sự tham gia của doanh nghiệp. Viện cũng chủ động hợp tác với các đơn vị nghiên cứu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bù đắp cho các thiếu hụt, hạn chế của Viện.
Theo đó, có 03 định hướng nghiên cứu khoa học công nghệ dài hạn đã được Viện xây dựng với mục tiêu góp phần phát triển ngành công nghiệp thực phẩm. Một trong số các định hướng này là xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm tiến tới xây dựng cách quy chuẩn về mức độ chất lượng (thay vì an toàn/không an toàn như hiện nay), đánh giá tác động kinh tế, môi trường, xu thế công nghệ nhằm hỗ trợ các cơ quan quản lý trong xây dựng chính sách thúc đẩy áp dụng công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, Viện định hướng làm chủ và phát triển công nghệ in 3D trong sản xuất thực phẩm. PGS.TS. Vũ Nguyên Thành chia sẻ, trước mắt, công nghệ in 3D sẽ ứng dụng trong chế biến phụ phẩm nông nghiệp, sản xuất thức ăn chay và tiến tới phát triển các thực phẩm thay thế dựa trên nền tảng công nghệ sinh học.
Định hướng thứ ba của Viện là ứng dụng công nghệ liposome, phytosome nhằm nâng cao chất lượng và tính hướng đích của các hợp chất thiên nhiên phục vụ công nghiệp thực phẩm và dược phẩm.
PGS.TS. Vũ Nguyên Thành - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm (trái) và ông Trần Việt Hòa -Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (phải) tại buổi làm việc.
Thực tiễn triển khai hoạt động khoa học công nghệ trong giai đoạn vừa qua đã cho thấy việc thiếu định hướng phát triển khoa học về trung hạn và dài hạn đã dẫn đến các nhiệm vụ khoa học công nghệ được triển khai rất tản mạn, chưa đạt được các mục tiêu đề ra. “Nguyên nhân là do chúng ta chưa có một định hướng cụ thể và đúng đắn”, Vụ trưởng Trần Việt Hòa khẳng định. Đồng thời, Vụ trưởng Trần Việt Hòa đánh giá, với thực trạng nguồn nhân lực và cơ sở vật chất của Viện Công nghiệp thực phẩm như hiện nay và xu thế phát triển trong lĩnh vực thực phẩm thì 03 định hướng nghiên cứu khoa học mà Viện Công nghiệp thực phẩm đã xây dựng là rất đúng và rất phù hợp. Tuy nhiên, Vụ trưởng Hòa cũng nhấn mạnh, ngay cả khi hoạt động khoa học công nghệ đã có định hướng rất rõ ràng và cụ thể thì trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ vẫn luôn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, ảnh hưởng tới các định hướng đã đề ra. 
Đồng tình với quan điểm của Vụ trưởng Trần Việt Hòa, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Việt Tấn cũng cho rằng, Viện Công nghiệp thực phẩm có đội ngũ chuyên gia mạnh về chuyên môn, giàu kinh nghiệm, cơ sở vật chất trang thiết bị, mặt bằng của Viện về cơ bản đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ công tác quản lý nhà nước. Các định hướng Viện xây dựng là hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn của Viện. Phó Vụ trưởng Nguyễn Việt Tấn cũng chia sẻ những khó khăn, sức ép của Viện gặp phải về duy trì kinh phí hoạt động trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang tự chủ về tài chính.
Thành lập Trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ
Tại buổi làm việc, đề xuất thành lập Trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ được nhiều đại biểu quan tâm và hưởng ứng. Theo PGS.TS. Vũ Nguyên Thành, trung tâm là nơi các nhà cung cấp công nghệ, các chuyên gia trong và ngoài nước có thể tiếp cận nhu cầu của doanh nghiệp. Trung tâm sẽ bao gồm phần mềm là cơ sở dữ liệu công nghệ, dữ liệu chuyên gia, các hoạt động kết nối, quảng bá. Phần cứng của trung tâm là nhà xưởng, thiết bị.
"Chúng tôi đề xuất xây dựng Trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ nhằm đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ mới trong chế biến nông sản và thực phẩm. Ý tưởng về một trung tâm như vậy nhận được đồng thuận và sự sẵn sàng tham gia đóng góp từ phía doanh nghiệp. Trung tâm sẽ được thành lập theo phương thức công - tư", PGS.TS. Vũ Nguyên Thành cho biết.
Ủng hộ đề xuất trên, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Việt Tấn cho rằng, hiện nay Viện chưa có kênh liên lạc thường xuyên, liên tục với các doanh nghiệp, do đó thành lập Trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ là rất cần thiết.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm Nguyễn Mạnh Đạt rất mong Bộ Công Thương sớm phê duyệt đề xuất của Viện về việc thành lập Trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ, đồng thời hỗ trợ, hướng dẫn Viện trong quá trình thành lập trung tâm theo đúng quy định pháp luật và cơ chế tài chính.
Ý tưởng thành lập Trung tâm kết nối và chuyển giao công nghệ cũng nhận được sự đồng thuận từ các chủ nhiệm bộ môn thuộc Viện. Bên cạnh đó, các chủ nhiệm bộ môn cũng bày tỏ nguyện vọng được Bộ Công Thương tạo điều kiện để Viện có các nhiệm vụ thường xuyên, đảm bảo được tính liên tục của các nghiên cứu và đúng lĩnh vực chuyên môn đang là thế mạnh của Viện.
Tăng cường phối hợp hoạt động
Phát biểu tại buổi làm việc, Vụ trưởng Trần Việt Hòa đánh giá, cơ chế phối hợp giữa Vụ và Viện trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả và do đó, cần phải có cơ chế phối hơp rõ ràng hơn. Từ năm 2022, Vụ đã có sự thay đổi về cách thức quản lý các đề tài nghiên cứu, đặt hàng theo chùm nhiệm vụ, phân công cán bộ theo dõi nhiệm vụ theo chuyên môn thay vì theo dõi theo đầu mối đơn vị như trước đây nhằm giúp cho mối liên hệ giữa các đơn vị với Vụ ngày càng hiệu quả hơn.
Đối với Viện Công nghiệp thực phẩm, trong thời gian tới, Vụ Khoa học và Công nghệ sẽ tăng cường phối hợp với Viện trong công tác nghiên cứu khoa học và các hoạt động hỗ trợ phục vụ quản lý nhà nước. Vụ trưởng Trần Việt Hòa mong muốn việc phối hợp giữa Vụ với Viện trong thời gian tới cần tập trung nhiều hơn vào lĩnh vực an toàn thực phẩm. Cụ thể, Viện sẽ tham gia phối hợp với Vụ trong công tác quản lý Nhà nước về An toàn thực phẩm, thông qua việc thường xuyên rà soát, cập nhật cho Vụ về các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trên thế giới và trong khu vực làm cơ sở phục vụ việc nghiên cứu, xây dựng mức ngưỡng an toàn áp dụng trong quản lý nhà nước; nghiên cứu vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất và lưu hành thực phẩm… để có hướng đề xuất các nhiệm vụ phù hợp. 
Hà Nguyễn
lên đầu trang