Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 13/05/2024 | 01:12

Thứ hai, 13/05/2024 | 01:12

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:36 ngày 08/12/2021

Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị đo độ rung cho các máy công nghiệp

Việc thực hiện đo độ rung đối với các máy công nghiệp đang là vấn đề cấp thiết đối với các nhà máy công xưởng ở Việt Nam hiện nay. Mặc dù các công xưởng ở Việt nam đều được trang bị hệ thống giám sát độ rung cho hệ thống máy móc nhưng đại đa số các hệ thống này đều chỉ được trang bị ở mức tối thiểu bởi các thiết bị đo rung phải nhập từ nước ngoài, giá thành cao, việc đo đạc cũng phải thực hiện kết nối máy tính tương đối phức tạp. 
Từ thực tế đó, trong quá trình thực hiện đo đạc và sử dụng thiết bị, một số doanh nghiệp lựa chọn việc thuê các đơn vị chuyên phân tích đo đạc giúp theo dõi định kỳ máy móc. Điều này dẫn đến kinh phí chi trả cao, phụ thuộc vào kỹ thuật viên của bên thứ 3, không chủ động xử lý khi có sự cố xảy ra.
Chính vì vậy, việc thực hiện nghiên cứu, chế tạo một sản phẩm đo độ rung đơn giản, chính xác, giá thành hạ, thân thiện với người dùng là một vấn đề cấp thiết hiện nay. Nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Thị Diệu Linh - Phó trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị đo độ rung cầm tay cho các máy công nghiệp”
Nhóm nghiên cứu đã xây dựng cơ sở lý thuyết, làm chủ được công nghệ cũng như giải quyết được vấn đề cơ bản trong việc giám sát và lập kế hoạch bảo dưỡng, bảo trì cho các máy công nghiệp, và đạt được một số kết quả như sau: Đã nghiên cứu được các vấn đề liên quan đến rung động, nguyên nhân gây rung động máy và lợi ích của việc theo dõi rung động máy thường xuyên, định kỳ; Chỉ ra các đại lượng đo lường đặc trưng cần phải tính đến khi thiết kế, chế tạo thiết bị đo. Cung cấp cách xác định những đặc tính kỹ thuật quan trọng của mọi thiết bị đo: sai số thiết bị, độ phân giải…; Phân tích chi tiết một số vấn đề liên quan đến độ chính xác của thiết bị đo như: cảm biến, bộ lọc, bộ phân tích dữ liệu. Mô tả lý thuyết về một cấu trúc chung của một hệ thống đo rung ;  nghiên cứu một số thiết bị đo rung trên thị trường. 
Thiết bị đo độ rung cầm tay cho các máy công nghiệp
Nhóm ngghiên cứu xây dựng thành công các bước thiết kế và chế tạo máy đo độ rung cầm tay cho các máy công nghiệp gồm 7 bước; Xây dựng được chương trình thu thập và xử lý tín hiệu rung ứng dụng kiến thức về xử lý tín hiệu số; Thực hiện chế tạo thành công thiết bị đo độ rung cầm tay cho các máy công nghiệp. So sánh với nhiều thiết bị đo rung cầm tay trên thị trường, đặc điểm nổi bật của thiết bị chế tạo sử dụng màn hình màu hiển thị phổ tần và hiển thị số, dễ quan sát, giúp người dùng dễ dàng và chủ động thực hiện phân tích dữ liệu.
Sản phẩm của đề tài có chất lượng tốt, thiết bị đo độ rung cấu tạo đơn giản, có thể triển khai rộng rãi trong các cơ sở sản xuất, mang lại lợi ích về kinh tế, giảm thời gian và chi phí sản xuất. Dù kết quả thử nghiệm của thiết bị vẫn còn sai số, phổ tín hiệu vẫn còn một số xung răm nhỏ nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu của một thiết bị đo cầm tay cho các máy công nghiệp. Từ các kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp để tăng độ chính xác của thiết bị, nâng cấp phần mềm tính dữ liệu để loại bỏ nhiễu không mong muốn, bổ sung thêm các tính năng khác của thiết bị đo và nâng cấp giao diện phần mềm mô phỏng.
Nhóm nghiên cứu kiểm tra chất lượng sản phẩm
Việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị đo rung động có ý nghĩa quan trọng, giúp xác xác định tình trạng hoạt động của máy, dự đoán trước sự xuất hiện của các dạng hỏng để thực hiện việc sửa chữa, bảo trì nhằm đảm bảo các chi tiết, thiết bị có thể làm việc ổn định. Kết quả nghiên cứu của đề tài có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở khoa học để chế tạo thiết bị đo độ rung cầm tay cho máy nén, máy nghiền, máy bơm, máy khuấy, máy ly tâm,... góp phần chủ động về mặt công nghệ chế tạo, trang thiết bị phục vụ hoạt động học tập, nghiên cứu và sản xuất.
Doãn Tâm
lên đầu trang