Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 13/05/2024 | 15:08

Thứ hai, 13/05/2024 | 15:08

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:35 ngày 09/02/2022

Đại học Công nghiệp Hà Nội chế tạo thành công mô hình máy trợ thở

Nhóm sinh viên khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội gồm Trần Hồng Quân, Nguyễn Xuân Vĩ, Vũ Đức Đông, Nguyễn Doanh Nghiệp, Phan Bá Minh Quân đã chế tạo thành công mô hình máy trợ thở đơn giản để hỗ trợ bệnh nhân mắc các bệnh về đường hồ hấp.
Chia sẻ về mô hình máy trợ thở, đại diện nhóm nghiên cứu cho hay, máy hoạt động theo nguyên lý ép/thả túi ambu một cách tự động để đưa dòng không khí vào phổi bệnh nhân tương ứng với hai pha hít vào và thở ra. Trong đó, hệ thống điều khiển và giám sát gồm 6 khối: khối nguồn, khối điều khiển, khối xử lý trung tâm, khối chấp hành, khối cảm biến và khối cảnh báo. Mỗi khối gồm các bộ phận có chức năng riêng nhằm tối ưu hóa quy trình điều khiển và giám sát của máy trợ thở.
Đáng chú ý, máy trợ thở sử dụng động cơ bước 57 3Nm 57HS11230A4, Drive động cơ bước 2DM542 JMC và cơ cấu truyền động bánh răng tạo dao động cho quả bóp Ambu tạo khí thở. Máy còn có cảm biến áp áp suất, đèn và còi để cảnh báo khi ống thở không có áp suất hoặc bệnh nhân trợ thở không đạt áp suất như đã đặt.
Bên cạnh đó, với màn hình LCD hiển thị cho người vận hành biết được thông số nhịp thở, tỉ lệ khí bóp (I/E), thể tích khí bóp (V), máy gồm 4 nút nhấn: 1 nút nhấn cài nhịp thở, 1 nút cài tỉ lệ bóp nhả I/E, 1 nút cài thể tích khí bóp, cài xong nhấn nút còn lại là lệnh chạy dừng. Đặc biệt, máy còn được cài thông số bằng nút nhất hoặc qua giao diện Winform của Arduino.
Mô hình máy trợ thở do nhóm sinh viên Đại học Công nghiệp Hà Nội nghiên cứu và chế tạo. (Ảnh: https://www.haui.edu.vn/)
Theo TS. Phạm Văn Cường – Giảng viên khoa Điện, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, mô hình máy trợ thở đơn giản do nhóm sinh viên của trường nghiên cứu chế tạo hoạt động ổn định, vận hành đúng nguyên lý ban đầu đề ra và có thể quản lý lưu lượng khí khi giám sát được bằng hệ thống Winform, LCD. “Mô hình này mang tính định hướng cao cho các sản phẩm nghiên cứu sau này” – TS. Phạm Văn Cường nhấn mạnh.
Được biết, nhóm nghiên cứu đã tiến hành chạy thử nghiệm hệ thống máy trợ thở theo quy trình hoạt động. Các thông số được nhập trên máy tính được xử lý và hiển thị lên màn hình LCD, đồng thời theo dõi cảm biến áp suất để nhận biết ống thở được cắm vào người bệnh nhân hay không (nếu không thì sẽ có cảnh báo bằng còi và đèn Led).
Đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ, trong thời gian tới, nhóm đề xuất một số giải pháp nhằm cải thiện, phát triển mô hình tốt hơn như: Tích hợp thêm bộ giám sát năng lượng trên máy để kiểm soát tốt hơn; tối ưu hóa trọng lượng máy, tinh giảm các chi tiết thừa, để thuận lợi hơn trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, tích hợp IoT, điều khiển và giám sát thêm nhiều chức năng, công nghệ cao hơn; xây dựng mô hình với diện tích lớn hơn, sử dụng những quả bóp, động cơ, hệ truyền động có công suất lớn, hiệu suất cao và xa hơn nữa là đưa vào sản xuất công nghiệp số lượng lớn để giảm giá thành và bao phủ rộng rãi hơn đến với mọi người.
Bích Phương

lên đầu trang