Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 11/05/2024 | 04:14

Thứ bảy, 11/05/2024 | 04:14

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:41 ngày 19/01/2022

ĐH Công nghiệp thực phẩm TPHCM sản xuất mì ăn liền từ trái thanh long

Sau gần 2 năm thực hiện, các nhà khoa học của Trung tâm thí nghiệm thực hành, Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM đã nghiên cứu và sản xuất thành công sản phẩm mì ăn liền có bổ sung thành phần trái thanh long. Đây cũng là sản phẩm mì ăn liền thanh long đầu tiên tại Việt Nam được sản xuất từ công nghệ nano. Công nghệ này giúp hỗ trợ khả năng phân tán thịt quả thanh long trong khối bột, giúp giữ màu sắc của sản phẩm và hạn chế suy giảm những hoạt chất sinh học trong trái thanh long, từ đó duy trì tối đa các thành phần có lợi của trái thanh long trong sản phẩm mì ăn liền.
Được biết, sản phẩm mì ăn liền có thành phần trái thanh long là kết quả của sự hợp tác nghiên cứu và sản xuất giữa Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TPHCM với Viện Khoa học Kinh tế - Công nghệ Sài Gòn, Công ty TNHH Thanh Long Bình Thuận và Công ty TNHH Caty Food.
Các nhà khoa học thuộc Trung tâm thí nghiệm thực hành Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM phải mất 2 năm để nghiên cứu và sản xuất thành công mì ăn liền có thành phần từ trái thanh long. (Ảnh: Báo Thanh niên)
Sản phẩm mì ăn liền mang thương hiệu Caty, được các cơ quan chức năng thẩm định và chứng nhận sản phẩm hàng hóa hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ. Đặc biệt, sản phẩm mì ăn liền thanh long được đánh giá không chỉ mang tính đột phá, giúp gia tăng giá trị, đa dạng chủng loại cho dòng mì ăn liền Việt Nam mà còn mở ra thêm một kênh tiêu thụ mới cho nông sản nói chung và trái thanh long nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Cường - Cục trưởng cục Hành chính, quản trị II, Văn phòng Chính phủ, cho rằng: “Đây là sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng phát triển ngày càng cao của công nghệ chế biến thực phẩm. Chúng tôi rất khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường đi theo hướng chế biến sâu, tăng giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp của nước nhà. Đồng thời, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến và kĩ thuật sản xuất mới, hiện đại để ngày càng nâng cao giá trị sản phẩm công nghiệp”.
Từ lâu, Bình Thuận được biết đến là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2020 và năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu đã khiến cho việc tiêu thụ và xuất khẩu thanh long gặp nhiều khó khăn. Thấu hiểu được những khó khăn đó, nhóm các nhà khoa học thuộc Trung tâm thí nghiệm thực hành đã nghiên cứu công nghệ, tìm tòi các giải pháp kỹ thuật nhằm chế biến sâu các sản phẩm từ thanh long. Việc sản xuất mì ăn liền có thành phần trái thanh long sẽ hỗ trợ nông dân nâng cao giá trị và tìm đầu ra ổn định cho loại trái cây này.
Theo TS. Tiền Tiến Nam, Giám đốc Trung tâm Thí nghiệm thực hành - Trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP HCM, ngoài sản phẩm mì ăn liền thanh long, trung tâm cũng đang hợp tác với doanh nghiệp để nghiên cứu thêm hai sản phẩm mới từ trái thanh long là rượu thanh long và bột thanh long. TS. Nam cũng cho biết thêm, tiềm năng chế biến các sản phẩm từ thanh long rất lớn nhưng vấn đề cốt lõi là nông dân phải kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. “Nếu sản phẩm có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá quy định thì phải thực hiện thêm khâu xử lý, đẩy giá thành lên cao. Do vậy, nguyên liệu đưa vào chế biến không cần thiết mẫu mã đẹp nhưng nhất định phải an toàn" - TS Nam nhấn mạnh.
Sáng 8/1, sản phẩm Mì ăn liền thương hiệu Caty có thành phần trái cây thanh long, công nghệ Nano đã chính thức được công bố. Theo đó, sản phẩm mới này được phân phối ra thị trường với 5 dòng sản phẩm: hải sản chua cay; tôm và thịt gà; thịt heo và nấm; mì chay rau nấm và mì trộn spaghetti.
Bích Phương

lên đầu trang