Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 11/05/2024 | 09:40

Thứ bảy, 11/05/2024 | 09:40

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 07:16 ngày 08/03/2022

Petrovietnam tối ưu hoá nguồn lực, hướng tới phát triển bền vững

Với phương châm hành động “Quản trị biến động, đón đầu xu hướng, kết nối nguồn lực, phát huy công nghệ, thúc đẩy đầu tư, phát triển bền vững”, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đặt mục tiêu năm 2022 gia tăng trữ lượng dầu khí 10 - 18 triệu tấn dầu quy đổi, sản lượng khai thác 17,84 triệu tấn; sản xuất 19,22 tỷ kWh điện, 1,6 triệu tấn đạm và 6,17 triệu tấn xăng dầu.
Trong năm 2022, Petrovietnam triển khai thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; xu hướng chuyển dịch năng lượng tăng cao dẫn đến huy động khí thấp, giảm tiêu thụ xăng dầu và các sản phẩm năng lượng truyền thống; chênh lệch giữa giá sản phẩm và giá dầu thô (crack margin) được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo.
Đặc biệt, tiềm năng dầu khí chưa phát hiện còn lại tập trung chủ yếu ở khu vực nước sâu, xa bờ, điều kiện thi công phức tạp, cần vốn đầu tư lớn, tiềm ẩn rủi ro cao, trong khi Luật Dầu khí chưa được sửa đổi cho phù hợp với tình hình mới, các vấn đề về thủ tục đầu tư/kết thúc đầu tư dự án chưa được tháo gỡ… Sản lượng khai thác của các mỏ hiện tại suy giảm tự nhiên từ 15 - 20% so với năm 2021. 
Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) trong bối cảnh đất nước gặp những khó khăn, thách thức mới, đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bám sát các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, tiếp tục phát huy tinh thần, bản lĩnh và truyền thống của những người đi tìm lửa để phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển trong năm 2022 đã được Quốc hội, Chính phủ giao theo phương án giá dầu 60 USD/thùng.
Trong đó, Tập đoàn phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp xây dựng trình Chính phủ báo cáo Quốc hội về sửa đổi Luật Dầu khí; xây dựng, phối hợp cùng Ủy ban và các bộ/ngành xem xét trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021 - 2025; Chiến lược phát triển Tập đoàn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025; Đề án tăng vốn điều lệ của Công ty mẹ giai đoạn 2021 - 2025. Tập trung nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm, cấp bách được Chính phủ giao như: Lô B, Cá Voi Xanh, Sông Hậu 1, LNG Thị Vải, LNG Sơn Mỹ...
ÔNG NGUYỄN HOÀNG ANH - CHỦ TỊCH ỦY BAN QUẢN LÝ VỐN NHÀ NƯỚC TẠI DOANH NGHIỆP
Nhiều dự án khai thác đang ở giai đoạn cuối đời mỏ, các giếng có độ ngập nước cao... sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch khai thác dầu trong nước.
Trong năm 2022, Tập đoàn đặt mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí 10 - 18 triệu tấn dầu quy đổi, sản lượng khai thác 17,84 triệu tấn; sản xuất 19,22 tỷ kWh điện, 1,6 triệu tấn đạm và 6,17 triệu tấn xăng dầu (không bao gồm sản phẩm của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn). Trên cơ sở đó, Tập đoàn tập trung triển khai đồng bộ, linh hoạt 5 nhóm giải pháp trọng tâm về quản trị, tài chính, đầu tư, thị trường và cơ chế chính sách.
Về quản trị, Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chuỗi liên kết giữa các đơn vị thành viên, các khối, tăng cường sử dụng nguồn lực nội bộ, từ đó đảm bảo gia tăng dòng tiền, giá trị gia tăng và lợi nhuận giữa các đơn vị (chuỗi thăm dò khai thác - vận tải - lọc hóa dầu, dịch vụ kỹ thuật; chuỗi khai thác - khí, điện; chuỗi lọc dầu - phân phối sản phẩm dầu khí; chuỗi khí - điện - cảng biển...). Về cơ chế chính sách, Tập đoàn kiến nghị cấp có thẩm quyền sớm phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; ban hành khung pháp lý/cơ chế hoạt động cho các hợp đồng dầu khí mà Tập đoàn được giao tiếp nhận, để có cơ sở pháp lý và có thể thực hiện gia tăng sản lượng khai thác dầu trong nước năm 2022...
Kho cảng PV GAS Vũng Tàu (Ảnh: PV GAS)
Về tài chính, Tập đoàn thực hiện cân đối dòng tiền, đảm bảo đáp ứng cho nhu cầu sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, theo dõi và cập nhật kịp thời tình hình biến động giá dầu thô và tỷ giá ngoại tệ, xây dựng các kịch bản, phương án tài chính ứng phó kịp thời với những biến động của nền kinh tế vĩ mô: tỷ giá, lạm phát, tín dụng và các chính sách chung của thế giới, trong nước về tiền tệ, hạn chế tác động tiêu cực và tận dụng được cơ hội nhằm tối ưu, tái cơ cấu lại nguồn vốn, giảm tối đa chi phí vốn...
Về đầu tư, Tập đoàn tập trung nguồn lực đầu tư vào các dự án có hiệu quả cao; rà soát kế hoạch đầu tư, ưu tiên nguồn vốn cho các dự án cấp bách; không đầu tư dàn trải. Việc rà soát các dự án đầu tư được thực hiện trên các nguyên tắc ưu tiên như: tập trung hoàn thành các dự án đầu tư dở dang và đã có kế hoạch vốn để nhanh chóng đưa vào khai thác sử dụng; ưu tiên các dự án đầu tư mới có vốn đầu tư thấp, thời gian đầu tư ngắn, thu hồi vốn nhanh. Tập trung nguồn lực để triển khai các dự án trọng điểm như: Chuỗi dự án Lô B, Cá Voi Xanh, LNG Thị Vải, LNG Sơn Mỹ, các dự án nhiệt điện (Sông Hậu 1, Thái Bình 2, Nhơn Trạch 3 & 4)...
Về thị trường, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt công tác dự báo, bám sát diễn biến thị trường, cập nhật tình hình cung - cầu, tồn kho của dầu thô, sản phẩm xăng dầu, hóa dầu... của thế giới và trong nước để nhận định, có các quyết sách kịp thời liên quan đến lượng tồn kho các sản phẩm; xây dựng phương án xuất bán dầu thô, đảm bảo an toàn kho chứa song song với tối đa lợi ích; phát triển thị trường kinh doanh các sản phẩm phân bón, xây dựng hệ thống phân phối bền vững trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường nước ngoài; đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa các sản phẩm phân bón và hóa chất.
Đối với lĩnh vực “xương sống” là thăm dò khai thác, Tập đoàn yêu cầu các đơn vị nâng cao chất lượng nghiên cứu, tìm kiếm và đánh giá, lựa chọn đối tượng tiềm năng để có thể tối ưu vị trí các giếng khoan, giảm thiểu rủi ro địa chất, thi công…đảm bảo mục tiêu gia tăng trữ lượng dầu khí 10 - 18 triệu tấn dầu quy đổi. Tập trung tìm kiếm các dự án ở trong nước, trong đó triển khai công tác tìm kiếm ở chính các dự án hiện có, các lô mở ở Việt Nam, các cơ hội nhận chuyển nhượng các dự án có tiềm năng/phát hiện dầu khí; đẩy mạnh nghiên cứu tận thăm dò tại các dự án đang khai thác Lô 05-1(a), Lô 15-1, Lô 15/2-01. Kiểm soát chặt chẽ chi phí, giảm đơn giá khai thác; áp dụng các giải pháp nâng cao hệ số thu hồi dầu; đảm bảo tiến độ đưa vào khai thác 4 mỏ/công trình dầu khí mới ở trong nước vào khai thác trong năm 2022 gồm: mỏ Đại Nguyệt, giàn CTC - mỏ Cá Tầm, RC-10 và RB-1.
Về các định hướng lớn trong năm 2022, TS. Lê Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết sẽ tăng cường quản trị biến động, đón đầu và nắm bắt xu hướng để định hướng trong quá trình quản trị và điều hành; tiếp tục triển khai các chuỗi giá trị để liên kết các nguồn lực. Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đề nghị các Phó Tổng giám đốc phụ trách từng lĩnh vực chỉ đạo các đơn vị trong khối của mình xây dựng, rà soát, đánh giá để có giải pháp thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2022.
Đồng thời, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam yêu cầu các đơn vị định kỳ cập nhật, dự báo tình hình kinh tế vĩ mô và biến động của thị trường để có giải pháp ứng phó linh hoạt; củng cố công tác quản trị doanh nghiệp, hệ thống quản trị; tập trung giải phóng các nguồn lực để thúc đẩy đầu tư, hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án lớn; triển khai an toàn, đúng kế hoạch các hoạt động dầu khí trên biển Đông năm 2022.
Nhấn mạnh công nghệ là giải pháp để tạo ra sự phát triển đột phá, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng cần phát huy các công nghệ lõi để thúc đẩy sự phát triển và đầu tư nhằm đưa Tập đoàn từng bước phát triển ổn định và bền vững. “Chúng ta không có cơ hội để nghiên cứu nữa mà phải triển khai ứng dụng các nền tảng số để làm thay đổi, dịch chuyển mô hình kinh doanh và thay đổi phương thức quản trị để nâng cao hiệu quả, tiếp tục giảm chi phí...” - Tổng giám đốc nhấn mạnh.
Đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò để gia tăng sản lượng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với Tập đoàn. Vì vậy, các đơn vị liên quan như Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro”, Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP), Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông (BIENDONG POC) cần có kế hoạch cụ thể để triển khai hiệu quả các chương trình tìm kiếm, thăm dò của năm 2022; tăng cường công tác tìm kiếm, thăm dò ở các lô dầu khí có tiềm năng. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, thúc đẩy tiến độ tìm kiếm, thăm dò tại các lô dầu khí do các nhà đầu tư nước ngoài đang quản lý điều hành để tận thăm dò, tận khai thác.
ÔNG HOÀNG QUỐC VƯỢNG - BÍ THƯ ĐẢNG ỦY CHỦ TỊCH HĐTV TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ VIỆT NAM
Theo Tạp chí Dầu khí số 1 năm 2022 
lên đầu trang