Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:35

Thứ sáu, 26/04/2024 | 20:35

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 18:38 ngày 16/05/2022

Dấu ấn VIMLUKI trên những công trình khai thác, chế biến khoáng sản

Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) là viện nghiên cứu chuyên ngành về công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản trực thuộc Bộ Công Thương. Trải qua gần 55 năm xây dựng và phát triển, Viện đã đạt được rất nhiều thành tựu trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ. 
Chia sẻ về hoạt động nghiên cứu, triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ của VIMLUKI, TS. Đào Duy Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim cho biết, VIMLUKI luôn bám sát các chủ trương, chính sách phát triển khoa học và công nghệ của Đảng, Chính phủ và ngành Công Thương. Theo đó, Viện luôn chú trọng nghiên cứu, giải quyết các vấn đề thực tiễn trong sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành như: nghiên cứu giải pháp công nghệ mới, nghiên cứu cải tiến công nghệ có sẵn trong khai thác, tuyển khoáng, luyện kim, sản xuất vật liệu kim loại có tính năng đặc biệt, nghiên cứu tái chế, tái thu hồi vật liệu có nguồn gốc khoáng sản, xử lý ô nhiễm môi trường…
Cũng theo TS. Đào Duy Anh, nhiều kết quả nghiên cứu của Viện đã được chuyển giao, ứng dụng tại các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. 
Cụm vít tuyển dự án sản xuất thử nghiệm cấp nhà nước tại Bình Thuận 
Tiêu biểu là dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thiếc 99,99% bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn” thuộc Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới. Dự án đã làm chủ được công nghệ sản xuất thiếc 99,99% từ thiếc 99,75% bằng phương pháp điện phân tinh luyện quy mô công nghiệp, đồng thời xây dựng được hệ thống dây chuyền thiết bị điện phân tinh luyện thiếc 99,99% Sn quy mô 240 tấn/năm. Được biết, kết quả của dự án hiện đang áp dụng tại Công ty TNHH MTV Mỏ Luyện kim Thái Nguyên, giúp đơn vị giảm chi phí sản xuất cố định trong giá thành đơn vị sản phẩm như: chi phí khấu hao, chi phí quản lý...
Hay dự án “Sản xuất thử nghiệm bạc vạn năng và phôi bạc máy cán các loại từ hệ hợp kim đồng nhôm niken có chứa Fe, Mn” của VIMLUKI đã giúp hoàn thiện công nghệ đúc (bao gồm công nghệ nấu luyện hợp kim, thiết kế khuôn và đúc rót sản phẩm), đồng thời, hoàn thiện công nghệ nấu luyện hợp kim đồng BCuAl10Fe4Ni4Mn3 ở quy mô lớn. Ngoài ra, dự án còn xây dựng được quy trình công nghệ đúc và nhiệt luyện sản phẩm bạc vạn năng, phôi bạc trục cán các loại, góp phần khẳng định vị thế của VIMLUKI trên thị trường đúc trong nước nói chung.
Dấu ấn VIMLUKI còn thể hiện sâu đậm trong cụm đề tài - dự án sản xuất thử nghiệm “Công nghệ khai thác và tuyển hợp lý nhằm phát triển bền vững tài nguyên sa khoáng titan-zircon trong tầng cát đỏ khu vực Bình Thuận, Việt Nam”. Theo đó, Viện đã xây dựng thành công quy trình công nghệ phù hợp cho khai thác - tuyển thô quặng chứa titan với đặc điểm thành tạo, địa chất, thủy văn đặc thù trong tầng cát đỏ tỉnh Bình Thuận, giúp hạn chế đáng kể ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước ngầm. Đại diện Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim cho biết, kết quả nghiên cứu của cụm đề tài - dự án hiện đang được áp dụng tại một số công ty khai thác và chế biến quặng sa khoáng titan vùng Bình Thuận.
Bên cạnh đó, đề tài “Nghiên cứu công nghệ tuyển và chế biến sâu quặng graphite mỏ Bảo Hà, Lào Cai” thuộc Đề tài độc lập cấp Quốc gia do VIMLUKI chủ trì thực hiện đã tạo ra nguồn nguyên liệu mới có khả năng thay thế hàng nhập ngoại, góp phần chủ động nguồn nguyên liệu và giảm giá thành sản phẩm cho sản xuất của một số ngành công nghiệp trong nước.
Đáng chú ý, VIMLUKI còn thực hiện một loạt các dự án có giá trị khoa học và thực tiễn cao như: Thiết kế bản vẽ thi công, chuyển giao công nghệ vận hành nhà máy tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa, tỉnh Lào Cai công suất 1 triệu tấn/năm; Thiết kế bản vẽ thi công tổ hợp đập - nghiền quặng sắt mỏ Thạch Khê, tỉnh Hà Tĩnh; Thiết kế bản vẽ thi công, cung cấp thiết bị, lắp đặt, chuyển giao công nghệ vận hành nhà máy tuyển nổi quặng đồng mỏ Sin Quyền, tỉnh Lào Cai công suất 1,4 triệu tấn/năm; Thiết kế thi công nhà máy nghiền quặng zircon siêu mịn công suất 36 ngàn tấn/năm tại tỉnh Bình Thuận; Lập dự án đầu tư, thiết kế thi công nhà máy sản xuất pigmen công suất 80 ngàn tấn/năm tại tỉnh Bình Thuận; Thiết kế, chế tạo, lắp đặt, chuyển giao hệ thống đồng bộ tuyển nổi quặng thí nghiệm công suất 150 kg/h cho Công ty apatit Việt Nam…
Năm 2021, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn do sự bùng phát của dịch Covid-19. Tuy nhiên, bằng năng lực, uy tín trong chuyên môn và các giải pháp điều hành linh hoạt, VIMLUKI vẫn hoàn thành vượt mức 130% kế hoạch đề ra, tương ứng với tổng giá trị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đạt được 551,817 tỷ/424,739 tỷ đồng. Kết quả này không chỉ thể hiện nỗ lực của toàn bộ tập thể lãnh đạo, cán bộ công chức, người lao động mà còn khẳng định vị thế "lá cờ đầu" của VIMLUKI trong các lĩnh vực nghiên cứu, triển khai, dịch vụ khoa học - công nghệ trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản.
"Trong thời gian tới, công tác nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ của Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - luyện kim sẽ tập trung vào các nhiệm vụ có mục tiêu thúc đẩy quá trình đổi mới và hiện đại hóa công nghệ, thiết bị trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản theo xu hướng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh".
TS. Đào Duy Anh - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - luyện kim
Hà Nguyễn
lên đầu trang