Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 12:56

Thứ ba, 07/05/2024 | 12:56

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 15:58 ngày 23/06/2022

EVN chỉ đạo triển khai các dự án chuyển đổi số đúng tiến độ

Ngày 22/6, tại Hà Nội, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có buổi làm việc với Công ty Viễn thông Điện lực và Công nghệ thông tin (EVNICT) về tình hình thực hiện các dự án chuyển đổi số quan trọng.
Trong buổi làm việc, ông Nguyễn Minh Khiêm - Giám đốc EVNICT đã báo cáo về mục tiêu, phạm vi thực hiện các dự án trọng tâm chuyển đổi số của EVNICT như xây dựng hệ thống EVN’s Cloud, triển khai dự án trục tích hợp và quản trị dữ liệu dùng chung ESB/MDM, xây dựng kiến trúc dữ liệu và cơ sở dữ liệu dùng chung…
Ông Nguyễn Minh Khiêm – Giám đốc EVNICT báo cáo tại cuộc họp (Ảnh: evn.com.vn/)
Cụ thể, với việc xây dựng hệ thống EVN’s Cloud, đại diện EVNICT cho biết, hệ thống này sẽ được thiết kế phù hợp với mô hình doanh nghiệp số và lộ trình chuyển đổi số cho EVN. Mục tiêu là xây dựng EVN’s Cloud đáp ứng yêu cầu quản lý và sẵn sàng môi trường để chuyển đổi dịch vụ hạ tầng công nghệ thông tin của EVN lên điện toán đám mây. Cùng với đó, sẽ xây dựng lộ trình chuyển đổi các phần mềm, dịch chuyển lên môi trường điện toán đám mây của EVN…
Đối với trục tích hợp và quản trị dữ liệu dùng chung ESB/MDM, ông Nguyễn Minh Khiêm cho biết, khi xây dựng thành công sẽ giúp giải quyết tận gốc "bài toán" phần mềm dùng chung hiện không chia sẻ được dữ liệu với nhau.
Phía EVNICT cũng đề ra mục tiêu sẽ triển khai xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cho bẩy phần mềm dùng chung tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đồng thời, tạo lập tiêu chuẩn kết nối chung để các đơn vị tham gia và đáp ứng được nhu cầu tích hợp, chia sẻ trên nền tảng ESB (Enterprise Service Bus) và khả năng kết nối, liên thông với các cơ sở dữ liệu trung ương qua nền tảng NGSP (National Government Service Platform)…
Một hạng mục quan trọng khác được EVNICT báo cáo tại cuộc họp là dự án xây dựng kiến trúc dữ liệu và cơ sở dữ liệu dùng chung EVN, với mục tiêu năm 2022 sẽ có 50% danh mục dữ liệu dùng chung được chuẩn hóa và đến năm 2025 đạt 80% danh mục dữ liệu dùng chung được chuẩn hóa. Ngoài ra, trong phạm vi triển khai dự án, cũng sẽ xây dựng cổng chia sẻ dữ liệu, khai thác các hệ thống dữ liệu quốc gia.
Lắng nghe báo của của đại diện EVNICT, ông Dương Quang Thành - Chủ tịch HĐTV EVN, kiêm Trưởng Ban chỉ đạo Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh của EVN nhấn mạnh, EVNICT cần bám sát tiến độ thực hiện các dự án chuyển đổi số. 
Đặc biệt đối với EVN’s Cloud, EVNICT cần tiếp cận xây dựng, triển khai dự án theo định hướng vừa đáp ứng nhu cầu ứng dụng trong tập đoàn, vừa phục vụ mục tiêu kinh doanh. Hơn thế nữa, cần có đơn vị tư vấn tin cậy, có kế hoạch quản lý dự án chuyên nghiệp, và phân kỳ đầu tư EVN’s Cloud phù hợp, đem lại hiệu quả kinh tế cho tập đoàn. 
Việc thực hiện dự án EVN's Cloud là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chuyển đổi số của EVN nhằm xây dựng EVN trở thành doanh nghiệp số, tận dụng tối đa sức mạnh của công nghệ số, dữ liệu số, gia tăng hiệu quả hoạt động, đổi mới sáng tạo, tối ưu hóa chi phí, nâng cao trải nghiệm và mức độ hài lòng của khách hàng, nâng cao năng suất lao động...
Khi sử dụng điện toán đám mây (EVN's Cloud) trong công cuộc chuyển đổi số, việc việc triển khai đóng gói ứng dụng phần mềm trên môi trường điện toán đám mây giúp EVN có thể tiết kiệm 70% thời gian triển khai ứng dụng tương tự trên hạ tầng công nghệ thông tin  phân tán truyền thống.
Đồng thời, giảm thời gian “chết” do kiến trúc điện toán đám mây đảm bảo khả năng sẵn sàng và an toàn 99,99% cho hệ thống, không có “down-time” do các cơ chế phân tải, dự phòng (High Availability) từ lớp hạ tầng cho đến ứng dụng.
Lợi ích của điện toán đám mây giúp nâng cao khả năng phục hồi sau sự cố, cho phép thiết lập các cơ chế dự phòng sao lưu, đảm bảo khả năng phục hồi sau sự cố theo các kịch bản tự động hoặc theo yêu cầu đáp ứng với các tiêu chí khắt khe của các tổ chức kinh doanh trên nền tảng dữ liệu.
Mặt khác, điện toán đám mây còn nâng cao khả năng hoạt động di động; giảm chi phí, tăng cơ hội. Ngoài ra, nâng cao trải nghiệm người dùng dịch vụ, cho phép cung cấp và giám sát trải nghiệm người dùng dịch vụ một cách đồng nhất và tập trung. Đồng thời nâng cao khả năng nhận thức, phân tích và phản hồi từ trải nghiệm người dùng, giúp mang tới cho người dùng các tiện ích, trải nghiệm mới hơn, tốt hơn.
Phương Linh
lên đầu trang