Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 23:36

Thứ hai, 06/05/2024 | 23:36

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 07:47 ngày 18/07/2022

Thủy điện Sơn La: Sáng kiến kỹ thuật làm lợi 15 tỷ đồng/năm

Ngành điện là một trong những ngành đi đầu về phong trào sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Theo đó, các cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật trong ngành điện đã tích cực nghiên cứu, cho ra đời nhiều công trình, sản phẩm thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của ngành, giảm tổn thất điện năng, tiết giảm chi phí, từ đó góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.  
Là chi nhánh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhiều năm trở lại đây, Công ty Thủy điện Sơn La đã có rất nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật được ứng dụng vào thực tế. Mới đây nhất là công trình “Nghiên cứu nghiệm đặc tính công suất của máy phát SF400-66/16470 Nhà máy thủy điện Sơn La với bản vẽ nhà thầu cung cấp. Viết phần mềm vẽ đặc tính công suất của các nhà máy đồng bộ cực lồi” do Thạc sĩ Khương Thế Anh và cộng sự của mình là Kỹ sư Đỗ Việt Bách thực hiện. Theo tính toán, sáng kiến này có thể làm lợi cho Công ty Thủy điện Sơn La 15 tỷ đồng mỗi năm. Đáng chú ý, sáng kiến có  thể áp dụng được cho tất cả các máy phát điện trên hệ thống điện Việt Nam và mang lại hiệu quả lớn.
Kỹ sư Đỗ Việt Bách hướng dẫn cán bộ kỹ thuật sử dụng phần mềm “vẽ đặc tính công suất của các nhà máy đồng bộ cực lồi”. (Ảnh: Thủy điện Sơn La)
Theo Thạc sĩ Khương Thế Anh - Chủ nhiệm công trình, công trình xuất phát từ nhu cầu giải quyết bài toán thực tế trong công tác quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Sơn La - nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Nhóm đã nghiên cứu công thức P - Q tổng quát của máy phát điện cực lồi và kiểm nghiệm đặc tính P - Q máy phát Nhà máy Thủy điện Sơn La bằng các hàm số toán học. Từ nền tảng này, nhóm tác giả đã viết phần mềm “Power characteristic curve 1.1” chạy độc lập trên Windows với giao diện đồ họa dễ dàng cho nghiên cứu, đào tạo và vận hành.
Giải pháp đã giúp tối ưu hóa chế độ vận hành, tra cứu, đào tạo, khảo sát năng lực điều chỉnh công suất của tất cả các máy phát trên hệ thống điện với thông số kỹ thuật khác nhau (thay thế hoàn toàn giải pháp cũ là đọc bản vẽ nhà chế tạo cung cấp với tọa độ không chính xác và chỉ có 3 khoảng giá trị điện áp.
Công trình “Nghiên cứu nghiệm đặc tính công suất của máy phát SF400-66/16470 Nhà máy thủy điện Sơn La với bản vẽ nhà thầu cung cấp. Viết phần mềm vẽ đặc tính công suất của các nhà máy đồng bộ cực lồi” có mặt trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2021. (Ảnh: Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2021)
Không dừng lại ở đó, Phần mềm “Power characteristic curve 1.1” của tác giả với dữ liệu nhập tùy chọn, áp dụng được cho tất cả các máy phát điện trên hệ thống, có khả năng mang lại hiệu quả lớn. Khi nhập điện áp tùy chọn, nhân viên vận hành đã xác định được ngay chính xác giới hạn vận hành ổn định của tổ máy.
Được biết, phần mềm đã được áp dụng tại Nhà máy Thủy điện Sơn La từ tháng 3 năm 2015. Nhờ phần mềm này, các trưởng ca nhà máy đã chủ động đưa ra các giải pháp vận hành khi nào cần giảm tải, tăng tải với thông số phù hợp, góp phần tăng ổn định tổ máy và hiệu quả kinh tế cho nhà máy...Phần mềm cũng đã được trao giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Sơn La lần thứ 7 năm 2020 do UBND tỉnh Sơn La, đồng thời vinh dự có mặt trong Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2021.
Nhiều nhà máy sau khi thay thế, nâng cấp không có đặc tính P - Q, rất khó khăn trong công tác quản lý, vận hành. Việc làm chủ hoàn toàn xây dựng đặc tính P - Q (so sánh với trước đây hoàn toàn là độc quyền của nhà cung cấp thiết bị) đã khẳng định năng lực của ngành điện lực Việt Nam.
Hà Nguyễn
lên đầu trang