Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 10/05/2024 | 18:22

Thứ sáu, 10/05/2024 | 18:22

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 07:21 ngày 22/07/2022

Chuyển đổi số ở Tập đoàn Điện lực Việt Nam: Từ nhận thức đến hành động

Đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng đã giúp Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nâng cao hiệu quả và tăng cường giám sát.
Đề án tổng thể chuyển đổi số trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đến năm 2022, tính đến năm 2025 xác định 5 lĩnh vực chuyển đổi số bao gồm: Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng, đầu tư xây dựng, quản trị nội bộ, viễn thông và công nghệ thông tin. Năm 2021, EVN đã triển khai thực hiện chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực. Nhờ đó, giảm thiểu được tác động xấu từ dịch Covid-19 đến các hoạt động của tập đoàn.

EVN đặt mục tiêu trở thành doanh nghiệp số vào năm 2030
Đến nay, chuyển đổi số ở EVN đã chuyển từ nhận thức thành hành động. Hầu hết hoạt động chính của tập đoàn đã được đưa lên môi trường số ở các mức độ khác nhau. Điển hình, trong công tác quản lý kỹ thuật, đầu tư xây dựng, EVN đã chuẩn hóa cơ cơ sở dữ liệu trên hệ thống quản lý kỹ thuật PMIS; áp dụng phương pháp RCM, CBM trong quản lý sửa chữa, bảo dưỡng để tăng cường hiệu quả; ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát hiện bất thường trong hoạt động sản xuất… Bên cạnh đó, tập đoàn đã tạo ra môi trường làm việc giữa chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu thông qua nhật ký thi công công trình điện tử và chữ ký điện tử; ứng dụng AI trong giám sát xây dựng, kiểm tra chất lượng và kiểm soát nhân lực thi công…
Các đơn vị trực thuộc EVN bước đầu đã hoàn thành ứng dụng AI và mô hình AI tự động kiểm tra, phát hiện bất thường, kiểm soát công trường, chất lượng công trường từ xa; ứng dụng các công nghệ UAV, BIM, 3D trong khâu khảo sát, thiết kế, quản lý xây dựng… Đơn cử, công nghệ BIM được ví như “bộ não thông minh” của ngành xây dựng hiện đại và là quá trình tạo lập, sử dụng mô hình thông tin trong các giai đoạn thiết kế, thi công, vận hành công trình. Đại diện EVN cho biết, toàn bộ quá trình làm việc dựa trên bộ thông tin này và luôn được chỉnh sửa, bổ sung liên tục trong suốt quá trình làm việc, từ lúc phác thảo đến lúc công trình được hoàn thiện. Với BIM, dữ liệu thông tin sẽ được lưu trữ trên hệ thống đám mây, giúp dễ dàng trao đổi và tương tác giữa các bên tham gia dự án chính xác.
Đặc biệt, EVN đã đẩy mạnh công tác đấu thầu qua hệ thống điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Kết quả, có đến 99% số gói thầu đã được EVN thực hiện qua mạng; ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh để đánh giá chất lượng trong các bước thi công; xây dựng cơ sở dữ liệu giá vật tư thiết bị; xây dựng thư mục quản lý hồ sơ dự án; quản lý mua sắm vật tư thiết bị có ứng dụng QR code từ khâu mua sắm đến lắp ráp, lắp đặt vật tư, thiết bị…
Tuy nhiên, đầu tư xây dựng là một trong các lĩnh vực gặp rất nhiều thách thức trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, có nhiều ràng buộc về pháp lý; phương pháp quản lý, thực hiện còn mang tính thủ công nhiều. Vì vậy, tập đoàn đã thực hiện xây dựng kế hoạch chi tiết, bóc tách nội dung để giao nhiệm vụ theo tháng; thực hiện rà soát, đôn đốc thường xuyên các đơn vị, kịp thời giải quyết các vướng mắc liên quan đến pháp lý, nhằm đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, tập đoàn đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, chương trình tập huấn… nhằm trang bị kiến thức về BIM và công nghệ cao trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cho các đơn vị.
Chuyển đổi số toàn diện trong toàn EVN đã và đang dần trở thành hiện thực khi tập đoàn đang thực hiện nâng cấp các phần mềm ứng dụng hướng tới có thể hoạt động được trên nền tảng hạ tầng mới, thiết bị di động thông minh. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu các nền tảng công nghệ mới như AI, BigData, IoT, Blockchain đưa vào ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của tập đoàn.
Năm 2022, EVN phấn đấu hoàn thành triển khai 66 nhiệm vụ đã đề ra giai đoạn 2021 - 2022 thuộc Đề án tổng thể chuyển đổi số trong EVN.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang