Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 02:41

Thứ hai, 29/04/2024 | 02:41

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 17:25 ngày 03/10/2022

TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên toàn thành phố

Bên cạnh việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm và xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), lực lượng chức năng TP. HCM còn tăng cường việc giám sát ngay từ khâu nhập khẩu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ATTP tới người dân.
Thực hiện theo Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kế hoạch số 267/KH-BCĐLNATTP ngày 28/01/2022 của Ban Chỉ đạo Liên ngành về An toàn thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (BCĐ Liên ngành về ATTP Tp. HCM) về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2022, thời gian qua, Tp. Hồ Chí Minh đã liên tục đẩy mạnh các công tác đảm bảo ATTP trên toàn Thành phố. 
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM kiểm tra tại chợ đầu mối Thủ Đức, TP.HCM. (Ảnh: thanhnien.vn/)
Mới đây, BCĐ Liên ngành về ATTP Tp. HCM đã tiến hành báo cáo kết quả thực hiện công tác trong 9 tháng đầu năm 2022, ghi nhận nhiều kết quả nổi bật.
Cụ thể, về công tác chỉ đạo điều hành, BCĐ Liên ngành về ATTP Tp. HCM đã liên tục chủ động, xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản, kế hoạch, tiến hành triển khai và phân công cụ thể cho các đơn vị, thực hiện thành công nhiệm vụ đảm bảo vệ sinh ATTP: Kế hoạch số 439/KH-BCĐLNATTP ngày 22/02/2022 về triển khai công tác hậu kiểm về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022; Kế hoạch số 2199/KH-BCĐLNATTP ngày 21/12/2021 triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa Lễ hội Xuân 2022; Kế hoạch số 745/KH-BCĐLNATTP ngày 29/3/2022 về triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2022; Công văn số 2003/BCĐLNATTP ngày 11/8/20222 về việc tăng cường đảm bảo ATTP Tết Trung thu năm 2022…
Về công tác triển khai công tác liên kết các tỉnh và triển khai thực hiện Chương trình, đề án bảo đảm an toàn thực phẩm, BCĐ Liên ngành về ATTP Tp. HCM đã đẩy mạnh việc phối hợp với Sở NN và PTNT các tỉnh miền Nam, tiến hành ký kết triển khai công tác phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm bảo đảm ATTP cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn giai đoạn 2021-2025. 
Mục tiêu nhằm xây dựng, phát triển các chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) cho đến cơ sở chế biến, kinh doanh sản phẩm nông sản giữa Tp. HCM và các tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hợp tác, kết nối sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm an toàn và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Cũng trong nhiệm vụ này, BQL Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã tổ chức thẩm định và cấp 96 giấy chứng nhận (cấp lại 70 giấy, cấp mới 26 giấy) cho 96 cơ sở sản xuất, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và kinh doanh sản phẩm chuỗi, giúp đảm bảo tính xác thực về nguồn gốc sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng.
Về công tác truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thịt và mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm, đối với công tác cấp mã code cho cơ sở tham gia Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm: lực lượng chức năng đã tiếp nhận 41 hồ sơ, tỷ lệ thực hiện giải quyết cấp code đạt 100%, ghi nhận tổng sản lượng tham gia Đề án từ năm 2018 đến nay: heo thịt (1.643.832 con/năm), gà thịt (49.016.000 con/năm), trứng: (1.508.778.700 quả/năm). Trong công tác truy xuất nguồn gốc, đơn vị chức năng đã tiến hành truy xuất đối với sản phẩm thịt heo tại 02 chợ đầu mối Hóc Môn và Bình Điền, ghi nhận tỷ lệ 100% có vòng niêm phong. 
Trong công tác xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm ATTP, BCĐ Liên ngành về ATTP Tp. HCM cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn Thành phố có 25 chợ truyền thống đăng ký tham gia xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời, BCĐ cũng tổ chức các lớp tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm về tiêu chí đánh giá, quy định truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đảm bảo an toàn cho các thương nhân tại 16/19 thực hiện mô hình thí điểm; tiến hành tổ chức khảo sát 20/24 chợ đăng ký tham gia mô hình thí điểm về tiến độ thực hiện các tiêu chí. Mục tiêu nhằm hoàn thành công tác khảo sát và tập huấn xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trong tháng 9/2022; có báo cáo tổng hợp công tác khảo sát tiến độ triển khai xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trong đầu tháng 10/2022.
BCĐ Liên ngành về ATTP Tp. HCM tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm tại một cơ sở kinh doanh thịt lợn trên địa bàn Thành phố (Ảnh: thoibaonganhang.vn/)
Đối với công tác chứng nhận, giấy xác nhận về ATTP, BCĐ Liên ngành về ATTP Tp. HCM đã triển khai thực hiện qua 3 nhiệm vụ cụ thể bao gồm: Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật; cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; hỗ trợ công tác đăng ký bản công bố sản phẩm và tự công bố sản phẩm.
Trong việc thực hiện Cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật, BCĐ Liên ngành về ATTP Tp. HCM đã triển khai tiếp nhận hồ sơ Thủ tục hành chính Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đối với thủ tục cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật. Kết quả ghi nhận có 145 tổ chức, cá nhân đăng ký kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố, phân loại theo sản phẩm động vật gồm: thịt tươi (47 cơ sở, chiếm 32,4%), sản phẩm chế biến (72 cơ sở, chiếm 49,7%), sản phẩm đông lạnh, nhập khẩu (26 cơ sở, chiếm 17,9%). Đồng thời, thành phố cũng thực hiện công tác kiểm tra vệ sinh thú ý đối với 27.849.658 kg sản phẩm động vật và tiến hành cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật xuất tỉnh với 46.518 bản gốc, 23.218 bản sao, tổng số tiền thu được là 3.411.968.033 đồng. 
Trong công tác cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, ghi nhận tổng cộng 14.437 Giấy chứng nhận được cấp, tiếp nhận và giải quyết 769 bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm đối với cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận, 06 giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Cụ thể, tuyến Thành phố đã cấp 4.427 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tiếp nhận và giải quyết 769 bản cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm, 06 giấy xác nhận nội dung quảng cáo. Trong khi đó, tuyến quận-huyện và Thành phố Thủ Đức đã cấp 10.010 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Cũng trong hoạt động cấp giấy xác nhận, BCĐ Liên ngành về ATTP Tp. HCM cho biết, các đơn vị đã cấp 186 Giấy tiếp nhận bản đăng ký công bố sản phẩm; tiếp nhận và đăng tải trên trang thông tin điện tử của Ban Quản lý 27.862 hồ sơ tự công bố. Ngoài ra, đối với các hồ sơ tự công bố không đúng quy định, đã ban hành 1.559 văn bản hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện đúng theo quy định.
Trong công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP, thành phố đã tiến hành chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai kịp thời nhiều nhiệm vụ: phổ biến các quy định của pháp luật về ATTP cũng như các kiến thức trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và tiêu dùng thực phẩm đến người dân bằng các phương tiện thông tin đa dạng; thực hiện truyền thông bằng băng rôn, biểu ngữ, poster, tờ rơi, xe tuyên truyền... tăng cường các buổi nói chuyện/hội nghị cùng các lớp tập huấn trên toàn Thành phố với hơn hàng chục nghìn lượt tham gia. Đồng thời, BCĐ Liên ngành về ATTP Tp. HCM cũng triển khai việc truyền thông bằng cách phối hợp với các cơ quan báo chí, đài Truyền hình tăng thời lượng, phổ biến các thông tin chính xác, đầy đủ về công tác đảm bảo ATTP trong mọi phương diện tới khán giả.
Nhìn chung, các hoạt động tuyên truyền, công tác thông tin của Thành phố trong lĩnh vực ATTP đã cung cấp đầy đủ các thông tin với nội dung tích cực, rõ ràng, chính xác, nhất quán và minh bạch các vấn đề về an toàn thực phẩm; xử lý kịp thời các thông tin trái chiều, thiếu chính xác gây hoang mang cho cộng đồng, đặc biệt là 4 đối tượng chính gồm: người nội trợ (người trực tiếp chọn mua, chế biến thực phẩm cho gia đình), người tiêu dùng thực phẩm, người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, chính quyền các cấp, các nhà quản lý.
Trong khi đó, về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm, trong 9 tháng đầu năm 2022, Tp. HCM đã tập trung kiểm tra trọng điểm theo các chuyên đề cụ thể: Tết Nguyên đán, Tháng hành động, Tết Trung thu và các chuyên đề khác trong công tác đảm bảo ATTP tại các bếp ăn tập thể, đơn vị cung cấp suất ăn sẵn tại các Khu chế xuất - Khu công nghiệp. Kết quả đã thanh tra, kiểm tra 26.005 cơ sở, phát hiện 2.602 cơ sở vi phạm, xử phạt 633 cơ sở với tổng số tiền 9.619.553.000 đồng, tịch thu/tiêu hủy 12.797 kg và 33.971 đơn vị sản phẩm thực phẩm không đảm bảo chất lượng/không rõ nguồn gốc xuất xứ, đình chỉ hoạt động có thời hạn 02 cơ sở; tước quyền sử dụng giấy phép 01 cơ sở; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp 7.130.000 đồng; buộc thu hồi bản tự công bố sản phẩm 02 cơ sở; buộc thu hồi, tiêu hủy: 35 sản phẩm; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn 2039 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe; chuyển cơ quan điều tra xử lý 04 cơ sở, đang tiếp tục xử lý 01 cơ sở, nhắc nhở 1.883 cơ sở chủ yếu kinh doanh thức ăn đường phố. Đồng thời, lực lượng chức năng còn tiến hành rà soát trên các trang mạng xã hội, với hơn 10.460 sản phẩm đã được rà soát, phát hiện 53 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm chuyển sang Thanh tra theo dõi và xử lý theo quy định.
Cũng trong hoạt động thanh tra, giám sát, trong 9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng Thành phố còn tiến hành hậu kiểm tại chỗ 9.295 hồ sơ tự công bố, trong đó: đạt: 4.295 hồ sơ (tỷ lệ: 46,21%), có dấu hiệu vi phạm: 5.000 hồ sơ (tỷ lệ: 53,79%). Đối với các hồ sơ hậu kiểm không đạt, Thành phố đã có kế hoạch giám sát, tập huấn, hướng dẫn các cơ sở thực hiện theo đúng quy định.
Về công tác giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, Thành phố đã thực hiện việc kiểm tra tại các lễ hội, sự kiện; giám sát các cơ sở chế biến suất ăn sẵn trên địa bàn thành phố. Đối với công tác kiểm tra, giám sát tại lễ hội, sự kiện, Thành phố đã tiến hành giám sát, kiểm tra, xét nghiệm 12 mẫu thực phẩm ATTP tại 13 lễ hội, sự kiện, ghi nhận tất cả các mẫu kiểm định đều đạt chỉ tiêu; trong thời gian diễn ra sự kiện không xảy ra vấn đề ngộ độc thực phẩm.
Đối với công tác giám sát ATTP tại các bếp ăn, Đoàn công tác đã tiến hành kiểm tra 194 cơ sở, ghi nhận kết quả: 53 cơ sở đạt, 05 cơ sở không đạt, 32 cơ sở bổ sung hồ sơ, 13 cơ sở tạm ngưng hoạt động, 91 cơ sở ngừng hoạt động. Đồng thời, Thành phố cũng thực hiện việc giám sát 80 cơ sở bếp ăn tập thể trong khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ghi nhận 33 cơ sở đạt yêu cầu; 22 cơ sở bổ sung hồ sơ; 03 cơ sở không đạt (chuyển thanh tra theo dõi, xử lý); 07 cơ sở đã được kiểm tra, mới cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện, 13 cơ sở ngừng hoạt động, 01 cơ sở không đúng loại hình và 01 cơ sở không liên lạc được.
Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra tại một cơ sở cung cấp suất ăn tập thể trên địa bàn Thành phố (Ảnh: TTXVN)
Thông qua việc kiểm tra, Đoàn công tác còn tiến hành một số hoạt động hướng dẫn hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục liên quan, cho các bếp ăn tập thể đảm bảo ATTP, nhằm hướng dẫn các đơn vị thực hiện đúng Luật ATTP, phòng tránh ngộ độc thực phẩm nhất là trong mùa hè nắng nóng, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người dân. Đồng thời, Đoàn công tác cũng triển khai hoạt động truyền thông, hướng dẫn phòng chống ngộ độc thực phẩm tại cơ sở, nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm trong quá trình hoạt động kinh doanh.
Cũng trong nhiệm vụ giám sát nguy cơ ô nhiễm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm, lực lượng chức năng còn tiến hành lấy mẫu kiểm tra đối với 6.838 mẫu từ các sản phẩm như: phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất bảo quản, kháng sinh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chất cấm trong sản xuất, kinh doanh,kết quả: 6.620 mẫu đạt (tỷ lệ 96,8%), 218 mẫu không đạt (tỷ lệ 3,2%). Đồng thời, BCĐ Liên ngành về ATTP Thành phố cũng tiến hành kiểm tra giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn Thành phố tại các cơ sở kiểm nghiệm và kênh phân phối.
Kết quả, đối với cơ sở kiểm nghiệm: tổng số mẫu kiểm nghiệm là 24.242 trong đó 24.240 mẫu đạt, 02 mẫu không đạt; tỷ lệ mẫu đạt là 99,992%, tỷ lệ mẫu không đạt là 0,008%. Đối với kênh phân phối hiện đại: tổng số mẫu kiểm nghiệm là 12.978 mẫu trong đó 12.770 mẫu đạt, 208 mẫu không đạt; tỷ lệ mẫu đạt là 98,4%, tỷ lệ mẫu không đạt là 1,6%.
Đánh giá chung về những kết quả đạt được trong công tác đảm bảo ATTP 9 tháng đầu năm, BCĐ Liên ngành về ATTP Tp. HCM cho biết, công tác bảo đảm ATTP đã được Hội đồng nhân dân, UBND Thành phố quan tâm và chỉ đạo quyết liệt; công tác giáo dục truyền thông được xác định là nhiệm vụ trọng tâm giúp cho quá trình triển khai các hoạt động được diễn ra phong phú, đa dạng, tiếp cận đến các đối tượng cụ thể; công tác kiểm tra được định hướng cụ thể, có trọng tâm, được triển khai đồng loạt trên toàn thành phố giúp ngăn chặn và xử lý nghiêm các cơ cơ sở vi phạm, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các sản phẩm không an toàn đến tay người tiêu dùng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid - 19, nhiều cơ sở kinh doanh chuyển sang hoạt động theo hình thức thương mại điện tử dẫn đến khó khăn trong việc truy xuất nguồn gốc; vẫn còn một số vướng mắc, bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật, dù đã liên tục có nhiều thay đổi, cập nhật, nâng cao tính răn đe trong thời gian qua; việc bảo quản các sản phẩm, đặc biệt là hàng đông lạnh, sản phẩm gia súc, gia cầm,... gặp nhiều khó khăn do đơn vị chức năng không có kho, bãi để bảo quản; nhân sự phụ trách công tác ATTP tại các phường, xã, thị trấn đa phần là nhân viên kiêm nhiệm, chưa qua đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, khiến công tác xử lý vi phạm chưa được nâng cao.
Quang Ngọc
lên đầu trang