Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 04:44

Chủ nhật, 28/04/2024 | 04:44

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 09:56 ngày 27/12/2022

Bộ Công Thương nghiệm thu dự án sản xuất thử nghiệm do VIMLUKI thực hiện

Ngày 23 tháng 12 năm 2022, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức nghiệm thu dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm đồng kim loại từ dung dịch ăn mòn bảng mạch thải chứa đồng" do Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) chủ trì thực hiện.
Sản xuất bảng mạch in (PCB) là ngành công nghiệp phụ trợ chủ yếu phục vụ cho gia công lắp ráp bảng mạch điện tử, một trong nhưng lĩnh vực có tốc độ phát triển nhanh nhất ở nước ta trong những năm gần đây. Trong trong nghiệp sản xuất bảng mạch điện, để in, khắc, tạo hình các đường mạch thường phải loại bỏ từ 70 ÷ 90% lượng đồng kim loại trên phíp đồng. Quá trình này sinh ra dung dịch thải chứa đồng cùng với axit dư là một nguồn nguyên liệu để thu hồi đồng.
Nhiều quy trình xử lý nguyên liệu này nhằm thu hồi đồng dưới dạng kim loại hoặc hợp chất có giá trị đã được áp dụng trong thực tế. Tuy nhiên, xét về hiệu quả kinh tế cũng như các vấn đề môi trường thì công nghệ chiết – điện phân sản xuất trực tiếp ra đồng kim loại có nhiều ưu điểm hơn cả. Đặc điểm của công nghệ này là sử dụng chất chiết để hấp thụ chọn lọc đồng từ dung dịch đồng clorua sau đó giải chiết đồng vào dung dịch sunfat và điện phân để thu hồi đồng kim loại chất lượng cao. 
Nghiệm thu dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm đồng kim loại từ dung dịch ăn mòn bảng mạch thải chứa đồng". (Ảnh: VIMLUKI)
Báo cáo trước Hội đồng nghiệm thu, Th.S Kiều Quang Phúc - Chủ nhiệm dự án cho biết, dự án được thực hiện dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu công nghệ thu hồi đồng kim loại từ dung dịch CuCl2 thải của các nhà máy sản xuất mạch điện tử” thực hiện năm 2018 và được triển khai nghiên cứu hoàn thiện các chế độ công nghệ cho phù hợp với hệ thống thiết bị sản xuất quy mô 200 kg đồng kim loại/ngày đêm.
Mặc dù trải qua không ít những khó khăn khi nghiên cứu, triển khai một công nghệ mới lần đầu được áp dụng ở nước ta cũng như tình hình dịch bệnh ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, nhưng các kết quả nghiên cứu cũng như triển khai sản xuất thử nghiệm cho thấy dự án “Hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm đồng kim loại từ dung dịch ăn mòn bảng mạch thải chứa đồng” đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra.
"Nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện quy trình công nghệ chiết – điện phân thu hồi đồng kim loại từ dung dịch đồng clorua, đồng thời thiết kế, chế tạo và vận hành liên tục, ổn định 01 dây truyền thiết bị thu hồi đồng năng suất 200 kg/ngày đêm. Bên cạnh đó, nhóm cũng đã sản xuất và tiêu thụ 55,403 tấn đồng kim loại điện phân đạt chất lượng 99,95% Cu. Với công nghệ và thiết bị hiện tại, đội ngũ thực hiện dự án sẵn sàng cho việc triển khai sản xuất tiếp tục cũng như mở rộng và chuyển giao công nghệ cho các đối tác có nhu cầu" - Th.S Kiều Quang Phúc chia sẻ tại buổi nghiệm thu.
Tại buổi nghiệm thu, sau khi chủ nhiệm dự án trình bày tóm tắt kết quả nhiệm vụ, các chuyên gia trong Hội đồng nghiệm thu đã đưa ra những ý kiến nhận xét, góp ý đối với nhiệm vụ, đồng thời Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao kết quả thực hiện của chủ nhiệm và nhóm thực hiện. Việc thực hiện và đưa vào áp dụng các kết quả của dự án vào thực tiễn sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với doanh nghiệp, giúp tiết giảm chi phí, góp phần bảo vệ môi trường. 
Ở nước ta, ước tính sản lượng bảng mạch được sản xuất hàng năm lên tới hàng chục triệu mét vuông tương đương hàng chục nghìn mét khối dung dịch đồng clorua thải. Từ trước đến nay, chất thải đồng clorua từ sản xuất bảng mạch do một số đơn vị được cấp phép xử lý môi trường tiếp nhận, lưu giữ và xử lý. Tuy nhiên, do công nghệ xử lý hiện nay còn nhiều hạn chế dẫn đến chi phí lớn, không thu hồi triệt để đồng và đặc biệt chất thải của quá trình xử lý ảnh hưởng đến môi trường.
Hà Nguyễn

lên đầu trang