Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 20:03

Thứ bảy, 04/05/2024 | 20:03

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:55 ngày 11/01/2023

ĐH Công nghiệp Hà Nội áp dụng mô hình đại học điện tử, hướng tới phát triển đại học thông minh

Chiều ngày 9/1/2023, Trường đại học Công nghiệp Hà Nội đã tổ chức tổng kết đề án thiết lập Hệ thống CNTT quản lý theo mô hình Đại học điện tử. Đề án này đặt nền tảng quan trọng cho chuyển đổi số trong nhà trường, góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu của nhà trường.
Theo chia sẻ của ông Hoàng Anh - Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng, đề án đã hoàn thành giai đoạn quan trọng, bước đầu thực hiện thành công mô hình đại học điện tử, hướng tới phát triển đại học thông minh.
Buổi tổng kết đề án thiết lập Hệ thống CNTT quản lý theo mô hình Đại học điện tử (Nguồn ảnh:www.haui.edu.vn/)
Hệ thống Đại học điện tử áp dụng phương thức quản trị hiện đại với các giải pháp thông minh như thiết lập các hệ hỗ trợ ra quyết định nhằm giải quyết các bài toán khó trong đào tạo, xử lý yêu cầu của sinh viên; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và xử lý dữ liệu lớn. Sau hơn 03 năm triển khai và ứng dụng vào thực tế, hệ thống Đại học điện tử Đại học Công nghiệp Hà Nội đã đạt được những kết quả ấn tượng.
Điển hình như đã xây dựng mô hình tổng thể hệ thống với 380 quy trình tác nghiệp của các lĩnh vực và hoạt động, phát triển 28 phân hệ phần mềm, xây dựng hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu. Về hệ thống vận hành, có hơn 264 triệu lượt sử dụng trên web; 191 nghìn lượt tải App; trên 12 nghìn lượt sử dụng App và 692 GB dung lượng cơ sở dữ liệu hệ thống và hơn 103 nghìn lượng người dùng đồng thời cao nhất/giây.
Về vận hành chức năng, có hơn 100 triệu lượt tra cứu, đồng thời giải đáp được hơn 11.734 ý kiến của sinh viên; 47.933 yêu cầu được giải quyết trực tiếp và 125.880 lượt thanh toán qua ví điện tử.
Ngoài ra, đề án vẫn còn những tồn tại cần khắc phục để hoàn thiện hơn như: Tiến độ thực hiện dự án còn chưa đảm bảo, một số hoạt động triển khai còn chậm; Vai trò của các đơn vị trong việc thiết kế quy trình chưa nổi bật; Thiết kế mô hình tổng thể chưa có tính dự báo cao; Các bài toán quản lý chưa được xử lý triệt để; Đề án chưa mang lại hiệu quả tài chính trực tiếp…
Dựa trên những kết quả đạt được, PGS.TS. Trần Đức Quý - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường nhấn mạnh, đây là đề án rộng, mở và có nhu cầu cải tiến cao, nhóm sản phẩm luôn được đánh giá toàn diện và tốt nhất, phù hợp với Đại học Công nghiệp Hà Nội. Để chuyển tiếp sang giai đoạn mới, Ban chủ nhiệm đề án cùng những bộ phận thực hiện cần nhìn lại những mặt tích cực, những mặt đã làm tốt và cũng cần thẳng thắn nhìn vào những “điểm nghẽn”, tập trung giải quyết tốt những tồn tại, làm cơ sở cho những bước phát triển tiếp theo.
Trường đại học Công nghiệp Hà Nội đã có nhiều nỗ lực đổi mới mô hình đào tạo, có giải pháp thiết thực gỡ nút thắt trong phát triển công nghệ và chất lượng nguồn nhân lực. Nhà trường đã nghiên cứu, đổi mới sáng tạo trong quản trị, nghiên cứu, đào tạo nhân lực phù hợp với xu thế của thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Trong đó có hệ thống đại học điện tử.
Hệ thống không chỉ được ứng dụng trong nhà trường mà còn được đánh giá cao, nhân rộng ra các đơn vị quản lý, đào tạo khác của cả nước như Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Đại học Điện lực, Đại học Hải Phòng, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh,... Đến nay, Hệ thống đại học điện tử Đại học Công nghiệp Hà Nội đã vinh dự nhận 03 giải thưởng lớn: Nhân tài Đất Việt năm 2012, Sao khuê năm 2016 và giải thưởng Sáng tạo Khoa học Công nghệ Việt Nam (Vifotec) năm 2018.
Phương Loan
lên đầu trang