Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 02:18

Thứ ba, 07/05/2024 | 02:18

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 09:54 ngày 28/03/2023

Nhiệt điện Hải Phòng nâng cao hiệu quả bảo dưỡng vật tư nhờ chuyển đổi số

Ứng dụng hệ thống quản lý hiệu suất tài sản đã giúp Nhiệt điện Hải Phòng dễ dàng thực hiện công tác quản lý, vận hành, bảo dưỡng máy móc; đồng thời nâng cao hiệu quả công tác chuyển đổi số tại đơn vị.
Nắm bắt xu thế phát triển của doanh nghiệp trong thời đại 4.0, đặc biệt là định hướng của Chính phủ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; Nghị quyết số 78/NQ-HĐQT ban hành ngày 26/8/2021 của Tổng Công ty Phát điện 2 về việc thông qua nội dung triển khai kế hoạch chuyển đổi số và nghiên cứu ứng dụng công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào hoạt động sản xuất kinh doanh, Nhiệt điện Hải phòng là một trong những đơn vị tiên phong của Tổng Công ty Phát điện 2 triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật, ứng dụng trong công tác sản xuất, quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động. 
Học tập, trao đổi kinh nghiệm trong công tác triển khai kế hoạch chuyển đổi số (Ảnh: tapchicongthuong.vn/)
Theo đó, doanh nghiệp xác định “Nâng cao hiệu suất và hiệu quả hoạt động tổng thể của nhà máy qua việc sử dụng các công nghệ số và cải thiện việc quản lý - vận hành máy móc thiết bị” là một trong những mục tiêu quan trọng, dài hạn giúp ích đáng kể cho việc quản lý, bảo trì, vận hành thiết bị tài sản của Công ty. Trong đó, hệ thống quản lý hiệu suất tài sản (APM) là giải pháp trọng tâm, được Ban lãnh đạo Nhiệt điện quan tâm triển khai, xác định là một trong những ứng dụng quan trọng trong việc triển khai các chiến lược tài sản dài hạn. Cụ thể, hệ thống quản lý hiệu suất tài sản sẽ giúp nâng cao hiệu quả theo dõi giám sát hiệu suất tài sản và đề xuất các chiến lược bảo trì thông minh. Thông qua phần mềm, hệ thống sẽ tự động kết nối các nguồn dữ liệu, hoạt động lịch sử để phân tích, dự đoán và xác định thời gian sử dụng tài sản, phân loại rủi ro, cung cấp số liệu phục vụ bảo dưỡng sửa chữa và hỗ trợ việc xây dựng kế hoạch tái đầu tư tài sản. 
Đáng chú ý, hệ thống quản lý hiệu suất tài sản được hoạt động dựa trên nền tảng với nhiều tính năng như: thu thập dữ liệu, phân tích, trực quan hóa dữ liệu… qua đó giúp phân chia yêu cầu bảo trì thành từng cấp, giúp nâng cao sự chủ động của Nhiệt điện Hải phòng trong việc quản lý, vận hành tài sản của đơn vị. Theo đó, hệ thống quản lý hiệu suất tài sản sẽ được phân chia thành 06 cấp bảo trì gồm: Bảo trì tin cậy, Bảo trì theo chỉ dẫn, Bảo trì dự đoán, Bảo trì dựa trên điều kiện, Bảo trì phòng ngừa, Bảo trì khắc phục sự cố.
06 cấp độ bảo trì khi ứng dụng hệ thống quản lý hiệu suất tài sản (Ảnh: tapchicongthuong.vn/)
Nhờ việc ứng dụng hệ thống quản lý hiệu suất quản lý tài sản, đưa ra các dự đoán, phân chia cấp độ bảo trì đã giúp Nhiệt điện Hải Phòng nâng cao khả năng vận hành, sản xuất của đơn vị. Đồng thời, việc ứng dụng hệ thống còn giúp doanh nghiệp giảm tổn thất sản xuất, giảm thời gian ngừng hoạt động của thiết bị và giảm sản lượng bị mất thông qua phát hiện sớm lỗi thiết bị; nâng cao năng suất của nhân viên, giảm bớt gánh nặng phân tích dữ liệu, giúp nhân viên xác định và ưu tiên các vấn đề quan trọng nhất. Ngoài ra, đối với những người trực tiếp quản lý, vận hành thiết bị, sử dụng hệ thống quản lý hiệu suất tài sản góp phần nâng cao khả năng phát hiện, cảnh báo sớm khả năng xảy ra các vấn đề, giúp giảm nguy cơ xảy ra sự cố trầm trọng; qua đó giúp giảm đáng kể chi phí bảo trì ngoài kế hoạch. 
Ngoài việc ứng dụng hệ thống quản lý hiệu suất tài sản (APM), hiện tại Nhiệt điện Hải phòng còn triển khai xây dựng phương pháp bảo dưỡng sửa chữa thiết bị tập trung vào độ tin cậy (RCM) để nâng cao hiệu quả quản lý tài sản; thành lập nhóm phân tích và thẩm tra RCM, để sẵn sàng tiếp nhận công nghệ, thực hiện triển khai đánh giá các thiết bị liên quan đến: lò hơi, tuabin, hệ thống xử lý khử khoáng, hệ thống đánh phá đống.. trong tương lai. Cùng với đó, Công ty đã hoàn thành các biểu mẫu bối cảnh vận hành (OC) và đang thực hiện xây dựng các biểu mẫu phân tích đánh giá, sơ đồ ra quyết định, danh mục loại hình SCBD..
Việc đưa vào ứng dụng phương pháp bảo dưỡng sửa chữa thiết bị tập trung vào độ tin cậy (RCM) sẽ giúp cho Công ty nắm bắt về tình trạng thiết bị đang vận hành, cảnh báo sớm cho phép người vận hành giám sát thiết bị hiệu quả, đưa ra các quyết định quan trọng nhằm tránh các tổn thất sản xuất ngoài kế hoạch. Công tác áp dụng bảo trì tập trung vào độ tin cậy RCM chính là việc sử dụng chiến lược quản lý tài sản đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam triển khai trên toàn bộ các nhà máy trực thuộc.
Quang Ngọc
lên đầu trang