Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 10/05/2024 | 17:12

Thứ sáu, 10/05/2024 | 17:12

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:31 ngày 14/04/2023

Tìm hướng đi, giải quyết các vấn đề cơ bản và cấp bách để phát triển thị trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam

Nhằm mục tiêu phát triển thị trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam đến năm 2030, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương đã triển khai thực hiện đề tài khoa học “Các giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm phát triển thị trường ở Vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam”
Đây là đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ cấp nhà nước, thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020 “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc thiểu số và chính sách dân tộc ở Việt Nam đến năm 2030” (Chương trình CTDT 16-20), do Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương là cơ quan chủ trì và thực hiện nhiệm vụ; TS. Trịnh Thị Thanh Thủy - Phó Viện trưởng làm chủ nhiệm.
Theo chia sẻ của nhóm thực hiện đề tài, trong giai đoạn từ năm 1986 đến nay, bên cạnh việc đổi mới trong chính sách hội nhập, phát triển về kinh tế thì việc đổi mới trong nhận thức, hoạch định, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách về dân tộc tại Việt Nam cũng dần được thay đổi, triển khai có hiệu quả. Đi cùng với đó, các công trình nghiên cứu về chính sách liên quan đến vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Việt Nam cũng được các tổ chức, cá nhân nhà khoa học trong nước và quốc tế quan tâm tiếp cận trên nhiều bình diện khác nhau, được thực hiện qua nhiều loại hình nghiên cứu (đề tài, dự án, nhiệm vụ khoa học, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình hợp tác nghiên cứu trong nước và quốc tế, tổng kết và đánh giá chính sách…) trên tất cả các bình diện từ vi mô đến vĩ mô cũng như theo vùng, tính chất địa lý và giai đoạn phát triển.
Với đặc thù còn nhiều khó khăn, việc nghiên cứu, tìm kiếm hướng đi giải quyết các vấn đề  trong việc phát triển thị trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi là yêu cầu cấp bách cần nhanh chóng triển khai (Ảnh: baodautu.vn/)
Tuy nhiên, thực tiễn lại chỉ ra các nghiên cứu về chính sách Vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian qua vẫn chưa thực sự tập trung một cách toàn diện và sâu sắc về các thị trường chủ yếu (hàng hóa và dịch vụ) mang tính quyết định đến đời sống, phát triển kinh tế - xã hội ở vùng, miền này; đồng thời, thị trường dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa có sự gắn bó mật thiết với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, cũng như phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta.
Do đó, đề tài nghiên cứu “Các giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm phát triển thị trường ở Vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam” được thực hiện có ý nghĩa quan trọng, góp phần đánh giá kết quả, hiệu quả, tác động của chính sách phát triển thị trường (hàng hóa, lao động, tài chính và khoa học công nghệ) ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta từ năm 1986 đến nay. Từ đó giúp xây dựng bộ nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách trong phát triển thị trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi và đề xuất quan điểm, hệ thống các giải pháp, chính sách cơ bản nhằm tiếp tục tạo lập, hoàn thiện và phát triển thị trường đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững.
Dựa trên những yêu cầu đề ra, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nghiên cứu, thống nhất triển khai thực hiện đề tài với 06 nhóm mục tiêu cụ thể như sau: Thứ nhất, hệ thống hóa cơ sở lý luận về phát triển thị trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam, bao gồm: Thị trường hàng hóa; Thị trường lao động; Thị trường tài chính; và Thị trường khoa học công nghệ; Xác định khung lý thuyết nghiên cứu phát triển thị trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Thứ hai, nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia về phát triển thị trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, rút ra bài học cho Việt Nam; Thứ ba, đánh giá kết quả, hiệu quả và tác động của chính sách phát triển thị trường (hàng hóa, lao động, tài chính và khoa học công nghệ) ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta từ năm 1986 đến nay; Thứ tư, nhận diện những vấn đề cơ bản, cấp bách về thị trường (hàng hóa, lao động, tài chính và khoa học công nghệ) ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta hiện nay; Thứ năm, dự báo nhu cầu phát triển thị trường (hàng hóa, lao động, tài chính và khoa học công nghệ) ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta đến năm 2030; Thứ sáu, đề xuất quan điểm, giải pháp, chính sách cơ bản, cấp bách nhằm phát triển thị trường (hàng hóa, lao động, tài chính và khoa học công nghệ) vùng dân tộc thiểu số và miền núi nước ta đến năm 2030.
Riêng với hoạt động của thị trường khoa học công nghệ, nhóm tác giả đã đặc biệt nhấn mạnh, chỉ rõ những mặt hạn chế cơ bản và cấp bách về việc phát triển thị trường khoa học và công nghệ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cũng như giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho thị trường đặc thù này. Cụ thể, về các nhóm vấn đề của thị trường khoa học công nghệ, nhóm tác giả đã chỉ rõ ở các vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa đủ các điều kiện để hình thành và phát triển thị trường; việc chuyển giao công nghệ đến các doanh nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn rất ít và chậm; trình độ năng lực và nhu cầu của các doanh nghiệp tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn yếu, nhu cầu phát triển chuyển giao khoa học công nghệ còn thấp. Do đó, để nâng cao hiệu quả cũng như thúc đẩy sự phát triển của thị trường khoa học công nghệ tại khu vực này, nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số giải pháp trong đề tài như: hoàn thiện thể chế hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ vùng dân tộc thiểu số và miền núi; Nhà nước tạo lập và thúc đẩy nhu cầu cũng như cung ứng các sản phẩm khoa học và công nghệ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi thông qua khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao năng lực công nghệ, năng lực hấp thụ công nghệ; tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền để chủ trương thúc đẩy các hoạt động khoa học và công nghệ đến các cấp, ngành và người dân ở vùng này…  
Tăng cường ứng dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả phát triển thị trường ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (Ảnh: baodantoc.vn/)
Từ những nhiệm vụ và nội dung được thực hiện, nhóm nghiên cứu đã triển khai và thực hiện thành công đề tài “Các giải pháp cơ bản, cấp bách nhằm phát triển thị trường ở Vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam”, được Hội đồng nghiệm thu cấp nhà nước thông qua hồi tháng 10/2020. Qua đó, ghi nhận sự đánh giá cao của các chuyên gia, nhà nghiên cứu đang hoạt động trong lĩnh vực. Đồng thời, những kết quả nghiên cứu của đề tài đã được cập nhật về thể hiện trong các Báo cáo là sản phẩm của đề tài (Báo cáo tổng kết, báo cáo tóm tắt, Bản kiến nghị); các Kỷ yếu Hội thảo quốc gia (3 cuốn Kỷ yếu được xuất bản có mã số ISBN); sách chuyên khảo (xuất bản 02 cuốn có mã số ISBN); 03 công bố quốc tế (trong đó có 02 công bố tại Tạp chí thuộc danh mục SCOPUS Q2); 07 công bố tại các Tạp chí trong nước; góp phần đào tạo nhiều nghiên cứu sinh và Thạc sĩ.
Ngoài ra, đề tài còn có tác dụng to lớn trong việc nâng cao nhận thức và lan tỏa tinh thần phát triển thị trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi Việt Nam đến các giới chức trong xã hội; góp phần nâng cao kỹ năng cho đội ngũ tham gia nghiên cứu đề tài, giúp cải thiện kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của các chuyên gia trong quá trình nghiên cứu và giảng dạy.
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương là đơn vị nghiên cứu khoa học quan trọng của Bộ Công Thương trong việc nghiên cứu các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chỉ đạo của Bộ Công Thương cũng như đánh giá hiệu quả, hiệu lực và tác động của các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển, chính sách, tiêu chuẩn và định mức kinh tế, kỹ thuật cho các ngành và lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Đồng thời, Viện cũng có chức năng đào tạo sau đại học, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, đầu tư và đổi mới công nghệ; hoạt động thông tin về công nghiệp và thương mại theo sự phân công của Bộ.
Quang Ngọc

lên đầu trang