Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 10/05/2024 | 05:28

Thứ sáu, 10/05/2024 | 05:28

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:18 ngày 17/04/2023

TP. Hồ Chí Minh: Hưởng ứng Tháng An toàn thực phẩm

Ngày 15/4, TP Hồ Chí Minh đã cùng cả nước hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 với chủ đề “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.
Nội dung, tiêu chí của tháng hành động thể hiện rõ nội hàm Chỉ thị 17-CT/TW ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư khi nhận định vấn đề an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) vẫn đang là vấn đề hệ trọng, cấp bách, lâu dài; tác động trực tiếp đến sức khỏe nhân dân.
Chỉ thị 17-CT/TW đã khẳng định sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm cho cả nước. Mặc dù, 10 năm trước, Luật An toàn thực phẩm an toàn thực phẩm và Chỉ thị 08-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới đã được thực thi và tình hình an toàn thực phẩm đã có nhiều khởi sắc, nhưng vẫn chưa được như mong muốn. Chỉ thị mới ra đời đúng lúc, tiếp tục có những định hướng sát sườn hơn để chúng ta tiếp tục vững tâm tiến hành công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.
Thực tế tại TP. Hồ Chí Minh, không phải chờ đến tháng hành động mới ra quân thực hiện đảm bảo an toàn thực phẩm, mà từ lâu, công tác này đã trở thành công việc được tổ chức thường xuyên trong năm. Đó được xem là nhiệm vụ quan trọng, bởi ảnh hưởng đến sức khỏe, giống nòi, sức lao động, sự phát triển kinh tế, sự an toàn của cả xã hội và được lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh hết sức quan tâm. Vấn đề an toàn thực phẩm càng được quan tâm trong tình hình mới (thế giới còn bất ổn, cả nước vừa vượt qua đại dịch).
Lực lượng chức năng kiểm tra nguồn gốc thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức
Thời gian qua, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh luôn được thực hiện song song với việc “xây thực phẩm sạch” và “chống thực phẩm bẩn”; đồng thời nâng cao nhận thức của cộng đồng về an toàn thực phẩm. Nhờ vậy, số vụ ngộ độc, vụ vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm được kéo giảm; sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý về an toàn thực phẩm ngày càng chặt chẽ, hiệu quả; duy trì phối hợp cam kết với các tỉnh lân cận về kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm, kết nối tiêu thụ sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhập về TP. Hồ Chí Minh nhịp nhàng hơn…Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, việc đảm nhiệm vấn đề an toàn thực phẩm trong bữa ăn của người dân thành phố còn gặp nhiều khó khăn khi biên chế trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm ngày càng cắt giảm, trong khi yêu cầu công việc ngày càng tăng.
Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; tình trạng buôn lậu thực phẩm qua biên giới, quảng cáo thực phẩm sai sự thật, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc kích thích tăng trưởng diễn biến phức tạp; an toàn thực phẩm trong các khu công nghiệp, cơ sở giáo dục chưa được bảo đảm... đã ảnh hưởng lớn tới an ninh, an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 vẫn còn hiện hữu, các thị trường nhập khẩu tăng rào cản kỹ thuật (bên cạnh rào cản an toàn thực phẩm đã bổ sung thêm rào cản chống dịch Covid-19...) dẫn đến việc tiêu thụ sản phẩm nông lâm thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Năm nay, chủ đề của Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 là “Bảo đảm an toàn thực phẩm trong tình hình mới” - đây là chủ đề rất rộng, để thực hiện phải có thời gian lâu dài và xuyên suốt. Nguy cơ thực phẩm mất an toàn luôn hiện hữu, để phòng chống có hiệu quả cần phải làm một cách bài bản. Không để xảy ra các vụ việc ngộ độc mới tìm cách xoay xở phòng chống.
Với quy mô dân số hơn 10 triệu dân, nhu cầu về lương thực thực phẩm cho TP. Hồ Chí Minh rất lớn và đã đến lúc cần phải tính toán đến việc thống nhất một đầu mối quản lý an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho cộng đồng; xây dựng thực phẩm sạch trong sản xuất, kinh doanh phân phối và chống thực phẩm bẩn. Nên coi trọng vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm là một nhánh của y tế dự phòng, vì chỉ khi người dân được ăn uống tốt thì mới cơ bản có sức khỏe tốt để phòng bệnh.
Được dùng thực phẩm sạch, an toàn là quyền và yêu cầu chính đáng của người dân, những người làm quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm sẽ cố gắng hết sức, quyết không để miếng ăn của người dân mãi trở thành nỗi lo. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần trang bị kiến thức về an toàn thực phẩm để tự bảo vệ mình và gia đình trước những mối hiểm họa do thực phẩm không an toàn gây ra; tạo thói quen kiểm soát nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, chọn điểm mua sắm tin cậy, tẩy chay sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đảm bảo an toàn…
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan
(Nguồn: congthuong.vn/)

lên đầu trang