Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 01/05/2024 | 09:36

Thứ tư, 01/05/2024 | 09:36

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:38 ngày 18/09/2023

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong đảm bảo ATTP

Là một trong những giải pháp trọng nhằm thực hiện kế hoạch đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản giai đoạn 2023-2030 trên địa bàn TP. Hà Nội.
Nhằm đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm nông lâm thuỷ sản để duy trì, ổn định nguồn cung thực phẩm, bảo vệ sức khoẻ và quyền lợi của nhân dân. Đồng thời, nâng cao chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thuỷ sản được sản xuất tại Hà Nội, kiểm soát toàn diện chất lượng, an toàn thực phẩm (ATTP) sản phẩm nông lâm thuỷ sản từ các tỉnh, thành trong cả nước và sản phẩm nông lâm thuỷ sản nhập khẩu đưa về tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng các nhóm giải pháp cụ thể trong giai đoạn 2023-2030:
Một là, hoàn thiện, thực thi hiệu quả cơ chế chính sách, trong đó có lồng ghép nhiệm vụ đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng đủ điều kiện sản xuất kinh doanh nông lâm thuỷ sản chất lượng, an toàn vào các kế hoạch, đề án, chương trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới 2021-2025. Ưu tiên ngân sách đầu tư nâng cấp điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP vùng trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, khu giết mổ, sơ chế, chợ đầu mối/ đấu giá, chợ dân sinh trên địa bàn thành phố. Khuyến khích, hỗ trợ các cơ sở đăng ký cấp mã số vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thuỷ sản trên diện rộng đảo bảo chất lượng, ATTP và truy xuất nguồn gốc.
Tăng cường công tác kiểm tra an toàn thực phẩm tại tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.  Hà Nội (Ảnh: suckhoedoisong.vn)
Hai là, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị của thành phố, giữa thành phố với các Bộ, ngành và giữa thành phố Hà Nội với các địa phương khác trong cả nước về đảm bảo chất lượng, ATTP. Kiện toàn tổ chức bộ máy và nguồn lực theo phân công, phân cấp theo hướng đủ tổ chức, nguồn lực triển khai nhiệm vụ được phân công phân cấp. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị  xã hội, các hiệp hội ngành hàng trong đào tạo, tập huấn cho hộ nông dân, tổ chức kinh tế hợp tác trong tự kiểm soát và giám sát cộng đồng về chất lượng, ATTP
Ba là, đổi mới công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ, khoa học quản lý đảm bảo ATTP, nâng cao chất lượng nông lâm thuỷ sản thông qua việc tăng cường hợp tác với các Bộ, ngành, các Viện, Trường, các tổ chức quốc tế chuyên ngành, các dự án quốc tế trong nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quản lý chất lượng, ATTP cho các cơ quan địa phương. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các Viện, Trường và các tổ chức nghiên cứu khoa học khác cập nhật, tập huấn chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ cũng như tiến bộ khoa học quản lý trong sản xuất nông lâm thuỷ sản chất lượng, an toàn.
Bốn là, tăng cường thông tin, truyền thông kịp thời, chính xác về chất lượng, ATTP, tạo niềm tin cho người tiêu dùng và nâng cao uy tín nông sản được sản xuất trong nước. Giải pháp này đòi hỏi cần kịp thời cập nhật, phổ biến thông tin thị trường, các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, ATTP, thị hiếu của người tiêu dùng về thị trường tiêu thụ nông lâm thuỷ sản trong nước và một số nước, doanh nghiệp của Hà Nội có xuất khẩu nông sản thực phẩm. Đồng thời, triển khai hoạt động tập huấn, phổ biến, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân và doanh nghiệp nâng cao điều kiện đảm bảo chất lượng, ATTP.
Hà Nội đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm (Ảnh minh hoạ - Nguồn: tuyengiao.vn)
Năm là, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong quản lý chất lượng, ATTP, truy xuất nguồn gốc. Trong đó, ưu tiên đầu tư mua sắm trang thiết bị, chuyển giao phương thức kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng , ATTP tiên tiến, hiện đại theo chuẩn mực quốc tế; Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong thực thi 100% các thủ tục hành chính được thực hiện trên môi trường mạng; Duy trì, phát triển “Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thuỷ sản thực phẩm thành phố Hà Nội” (check.hanoi.gov.vn); Ứng dụng chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quản lý chất lượng ATTP, tạo giống, sản xuất, bảo quản, chế biến nông lâm thuỷ sản, đảm bảo nền nông nghiệp hữu cơ, sinh thái, tuần hoàn, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và giảm thất thoát sau thu hoạch.
Sáu là, đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy, chuẩn hóa các quy trình chuyên môn nghiệp vụ theo tiêu chuẩn, quy chuẩn và thông lệ quốc tế bằng cách tiếp tục rà soát, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hoá thủ tục hành chính trong quản lý chất lượng, ATTP nông lâm thuỷ sản theo chương trình chung của Chính phủ. Mặt khác, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý chất lượng, ATTP, chế biến, phát triển thị trường lâm nông thuỷ sản từ cấp thành phố đến cấp xã theo hướng tinh gọn, hiệu quả.
Bảy là, thu hút nguồn lực và kinh nghiệm đảo bảo chất lượng, ATTP và thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thuỷ sản thông qua việc tăng cường hợp tác với cơ quan thẩm quyền các nước, các thành phố có ký kết với Hà Nội. Đồng thời, sử dụng có hiệu quả tài trợ, các dự án hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài, của các tổ chức quốc tế và trong nước; tăng cường năng lực cho hệ thống các tổ chức đánh giá sự phù hợp, bao gồm các phòng kiểm nghiệm thuộc các đơn vị sự nghiệp công lập phục vụ quản lý nhà nước. Trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra, thẩm định của cơ quan có thẩm quyền.
Trong giai đoạn 2023 - 2025, TP Hà Nội phấn đấu 100% cơ sản xuất, kinh doanh nông sản được chứng nhận đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hoặc chứng nhận tương đương hoặc ký cam kết tuân thủ quy định an toàn thực phẩm; 100% cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, bán công nghiệp được ứng dụng công nghệ cao, tiên tiến, hiện đại, bảo đảm các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm…
Tiếp đến, giai đoạn 2026 - 2030, TP Hà Nội sẽ duy trì diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt - GAP (như VietGAP hoặc tương đương) tăng 15%/năm; tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu (làm sẵn, ăn liền) tăng 15%/năm; phấn đấu tỷ lệ thực phẩm nông sản được sản xuất, kinh doanh theo chuỗi chiếm 70% tổng sản lượng thực phẩm nông sản được tiêu thụ trên địa bàn thành phố…
Tố Uyên



lên đầu trang