Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 07:26

Thứ hai, 29/04/2024 | 07:26

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 10:27 ngày 06/03/2024

Yêu cầu đối với Rau quả Chế biến khi Xuất khẩu sang Thị trường EU

Theo Tổng cục Hải quan, đến tháng 11/2023, xuất khẩu rau quả chế biến của Việt Nam đạt 1,1 tỷ USD tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái- đây là mức xuất khẩu lớn nhất từ trước đến nay. Rau quả chế biến hiện mới chỉ chiếm 21% trong tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam, với các sản phẩm sấy khô, nước ép và đóng hộp. Ngành này có tiềm năng tăng trưởng tốt. Thị trường chính gồm có Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc. Gần đây, Trung quốc tăng cường nhập thêm trái cây chế biến, đông lạnh của Việt Nam bên cạnh các sản phẩm tươi giúp cho sức tiêu thụ mặt hàng này tăng. Với việc phát triển rau quả chế biến, Việt Nam có thể kiểm soát được giá thành, nâng cao giá trị hàng hóa, tăng thời gian bảo quản, tránh được tình trạng dư thừa khi rau quả vào mùa thu hoạch [2, 3].
Để xuất khẩu trái cây, rau và các loại hạt đã qua chế biến sang châu Âu đồng nghĩa với việc cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Hãy cùng tìm hiểu những quy định đối với rau quả chế biến để được cấp phép vào thị trường Châu Âu.
1. Quy định tiên quyết [1]
Luật Thực phẩm chung là khuôn khổ pháp lý về an toàn thực phẩm ở Châu Âu. Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) chịu trách nhiệm xây dựng luật an toàn thực phẩm cụ thể và tạo ra các khuôn khổ để kiểm soát thực phẩm chính thức.Luật này dựa trên cách tiếp cận “Từ trang trại đến bàn ăn”. Có nghĩa là tất cả thực phẩm phải được truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng Châu Âu, mọi nhà kinh doanh thực phẩm cần áp dụng Hệ thống Phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP). Nếu các công ty không tuân thủ luật thực phẩm của Châu Âu, các trường hợp vi phạm có thể được báo cáo thông qua Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF), công chúng có thể truy cập miễn phí các thông tin này.
2. Một số khía cạnh cần lưu ý [1]
  • Cẩn trọng với hàng rào thuế quan
Tuy không có thuế suất đối với hầu hết trái cây, rau và quả chế biến nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Để được hưởng lợi từ mức thuế thấp này, hầu hết trái cây và rau quả phải có nguồn gốc từ quốc gia cung cấp trước khi chế biến. Có một số lưu ý chẳng hạn như trong các loại mứt có thể chứa đường nhập khẩu và sẽ không được hưởng mức thuế thấp này.
  • Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho các loại hạt nguyên vỏ
Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cần thiết cho thực vật và sản phẩm thực vật có thể trồng ở Châu Âu sau khi nhập khẩu, bao gồm cả các loại hạt còn nguyên vỏ. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng một dự thảo quy định mới đang được thảo luận, có thể mở rộng các biện pháp kiểm soát để bao gồm tất cả các loại hạt và trái cây sấy khô.
Bảng 1. Các biện pháp kiểm soát chính thức đối với rau quả chế biến và các loại hạt ăn được kể từ tháng 2/2023
Nguồn: Autentika Global
Có thể nhận thấy rằng, Liên minh Châu Âu đặc biệt quan tâm đến dư lượng thuốc trừ sâu cũng như các độc tố nấm mốc và các chất ô nhiễm khác trong các loại hạt nguyên vỏ. Các sản phẩm đậu bắp đông lạnh và ớt đông lạnh của Việt Nam nằm trong danh sách kiểm soát chính thức về dư lượng thuốc trừ sâu với tần xuất kiểm tra là 50%.
  • Thường xuyên kiểm tra sự hiện diện của chất gây ô nhiễm
Chất gây ô nhiễm thực phẩm là những chất không mong muốn và có hại trong thực phẩm và có thể gây bệnh cho người tiêu dùng. Sự xuất hiện của những chất này có thể do quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển hoặc bảo quản hay từ môi trường bên ngoài.
– Ô nhiễm côn trùng là điểm cần lưu ý đối với trái cây sấy khô và các loại hạt còn nguyên vỏ nhập khẩu vào châu Âu. Côn trùng chết có thể được tìm thấy trong bao bì. Một số loại côn trùng cũng có thể phát triển bên trong quả và tiếp tục phát triển khi bảo quản. Để ngăn ngừa ô nhiễm côn trùng, các nhà cung cấp từ các nước đang phát triển nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa như khử trùng và xử lý nhiệt độ. Chỉ nên sử dụng các chất khử trùng đã được phê duyệt chính thức như CO2, Phosphine và Sulfuryl fluoride. Methyl bromide và ethylene oxit bị cấm ở EU.
– Ô nhiễm vi sinh phổ biến nhất trong trái cây và rau quả chế biến là salmonella, Escherichia coli, listeria, norovirus và virus viêm gan A. Việc kiểm tra vi sinh vật gây bệnh trong phòng thí nghiệm là cần thiết trước khi xuất khẩu rau quả chế biến sang châu Âu. Cần tuân theo Quy tắc Thực hành Vệ sinh do Codex Alimentarius công bố để ngăn ngừa ô nhiễm vi sinh vật.
– Ô nhiễm độc tố nấm mốc: Độc tố nấm mốc rất ổn định và có thể tồn tại trong các quá trình xử lý chuyên sâu như xử lý nhiệt. Các loại  độc tố nấm mốc nhiễm phổ biến nhất trong rau quả chế biến là aflatoxin, ochratoxin A và patulin.
+ Aflatoxin là loại độc tố nấm mốc phổ biến nhất được tìm thấy trong các loại hạt ăn được, đặc biệt là lạc. Chúng cũng được tìm thấy trong trái cây khô.  Quy định giới hạn aflatoxin đối với hầu hết các loại hạt và trái cây sấy khô là dưới 2 μg/kg đối với aflatoxin B1. Tổng hàm lượng aflatoxin phải dưới 4 µg/kg.
+ Ochratoxin A là một loại độc tố nấm mốc thường được tìm thấy nhiều nhất trong trái cây sấy khô, đặc biệt là nho, nhưng nó cũng được tìm thấy trong nước ép nho. Giới hạn đối với Ochratoxin A là 8 μg/kg đối với nho khô và quả sung, 2 μg/kg đối với trái cây sấy khô và nước ép nho, 5 μg/kg đối với quả hồ trăn và 0,5% đối với thức ăn trẻ em.
+ Patulin có liên quan đến trái cây và rau củ bị mốc. Đặc biệt là táo và quả sung thối. Các loại nước ép trái cây khác nhau có giới hạn Patulin từ 10 đến 50 μg/kg.
+ Độc tố Alternaria: Mặc dù vẫn chưa đưa ra giới hạn đối với độc tố này nhưng EFSA vẫn có những khuyến nghị về mức độ chỉ định cho các sản phẩm như cà chua chế biến, các loại hạt và quả sung khô.
Kiểm soát độc tố nấm mốc bằng cách quản lý dịch hại trong vườn cây ăn quả và thực hành tốt sau thu hoạch, chẳng hạn như thu hoạch kịp thời và sấy khô đúng cách sau thu hoạch. Điều kiện độ ẩm và nhiệt độ thích hợp trong quá trình bảo quản và vận chuyển cũng như việc phát hiện và loại bỏ kịp thời vật liệu bị ô nhiễm khỏi chuỗi cung ứng cũng là những biện pháp kiểm soát quan trọng. Phân loại tự động  dựa trên màu sắc và phân loại bằng tay thường được sử dụng để loại bỏ các loại hạt bị mốc.
– Các loại ô nhiễm khác do vật thể lạ bao gồm bụi bẩn, đá, thủy tinh và các bộ phận kim loại (ví dụ từ máy móc và dụng cụ nông nghiệp).
  • Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu
EU đã thiết lập mức dư lượng tối đa (MRL) cho thuốc trừ sâu trong và trên các sản phẩm thực phẩm. EU đã thông qua đề xuất về quy định mới về Sử dụng bền vững các sản phẩm bảo vệ thực vật với mục tiêu của chiến lược là giảm 50% việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học vào năm 2030.
Thuốc trừ sâu chlorpyrifos và dimethoate bị cấm ở EU nhưng chúng vẫn được sử dụng ở các nước khác. Đối với hàng nhập khẩu, có MRL là 0,01ppm. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp dư lượng vượt quá mức này trong một số loại rau quả khô và đông lạnh. Bên cạnh đó, thuốc diệt cỏ glyphosate bị cấm sử dụng ở Châu Âu từ 15/12/2023.
  • Kiểm soát và ngăn ngừa các chất gây ô nhiễm khác
Một số chất gây ô nhiễm khác thường được kiểm soát thông qua các thử nghiệm vật lý trong phòng thí nghiệm. Bao gồm:
– Clorat và perchlorate: Clorat không còn được chấp nhận làm thuốc trừ sâu nhưng chúng có thể tiếp xúc với thực phẩm nếu sử dụng hóa chất này để khử trùng nước. Mức clorat là 0,05 mg/kg đối với hầu hết các loại trái cây và rau quả (kể cả rau quả đông lạnh), 0,3 đối với chà là và quả sung, 0,7 đối với ô liu để bàn và 0,1 đối với các loại hạt ăn được.
– Kim loại nặng và các kim loại: Kim loại nặng có thể tồn tại dưới dạng dư lượng trong thực phẩm do sự hiện diện của chúng trong môi trường hoặc do ô nhiễm từ nông nghiệp, chế biến …
– Chiếu xạ: Việc sử dụng chiếu xạ để ngăn ngừa ô nhiễm vi sinh vật còn hạn chế ở Châu Âu.
– Glycidyl ester:  Các sản phẩm có gốc Glycerol là chất gây ô nhiễm có trong dầu thực vật. Các loại hạt rang và trái cây sấy khô cũng cần được kiểm tra xem chúng có dính dầu hay không.
– Hydrocacbon thơm đa vòng (PAH): Qua trình sản xuất chuối chiên có liên quan đến sự xuất hiện của benzo(a)pyrene và PAH. Những hợp chất hữu cơ độc hại này có thể được hình thành nếu các lát chuối được chiên trong dầu dừa.
– Acrylamide: là chất gây ô nhiễm có thể hình thành trong thực phẩm ở nhiệt độ 120°C hoặc cao hơn. Ủy ban Châu Âu đã công bố khuyến nghị về việc giám sát sự hiện diện của acrylamide trong một số loại thực phẩm, bao gồm các loại hạt rang, trái cây sấy khô và ô liu.
– Độc tố thực vật: Sự hiện diện của các alcaloid tropan được kiểm soát đối với hạt mơ được đưa ra thị trường cho người tiêu dùng. Hạt mơ thô có chứa amygdalin, xuất hiện tự nhiên. Điều này dẫn đến việc giải phóng xyanua nếu hạt đi vào ruột. Không được bán hạt mơ thô, chưa qua chế biến cho người tiêu dùng trừ khi mức xyanua tuân thủ là 20 mg/kg.
– Nitrat: Nồng độ nitrat được kiểm soát trong rau chân vịt đông lạnh.
– Hydrocacbon dầu khoáng (MOSH/MOAH): Dầu khoáng có thể được tìm thấy trong chất bôi trơn cho máy móc, chất xử lý bề mặt và vật liệu đóng gói.
  • Hoàn toàn minh bạch về thành phần sản phẩm
Châu Âu có thể từ chối các sản phẩm nếu chúng có hàm lượng thành phần không được công bố, trái phép hoặc quá mức. Các chất phụ gia được phép sử dụng được liệt kê trong Phụ lục II của Quy định về Phụ gia Thực phẩm. Lưu ý rằng pectin có nguồn gốc từ táo, trái cây họ cam quýt và mộc qua (được sử dụng trong sản xuất mứt và mứt cam) không được coi là phụ gia thực phẩm.
  • Tính xác thực của sản phẩm
Cố ý đưa sản phẩm khai báo sai vào thị trường Châu Âu bị coi là phạm tội. Một số ví dụ về vấn đề xác thực đối với trái cây và rau quả đã qua chế biến bao gồm:
– Sử dụng chất bảo quản không được công bố, ví dụ như có chứa sunfite trong trái cây sấy khô và các sản phẩm từ dừa hoặc axit benzoic trong các sản phẩm muối chua.
– Sử dụng màu thực phẩm không được công bố, ví dụ như sử dụng màu Sunset Yellow trong kẹo trái cây khô hoặc trái cây xay nhuyễn, hoặc màu Tartrazine trong đồ gia vị, sản phẩm phết, sản phẩm ngâm và nước giải khát.
– Khai báo sai chủng loại sản phẩm, ví dụ thay thế sản phẩm xay nhuyễn ‘alphonso xoài’ bằng loại rẻ tiền hơn (chẳng hạn như ‘totapuri’).
– Công bố sai tỷ lệ trong hỗn hợp trái cây, ví dụ như tăng tỷ lệ các loại quả rẻ hơn (như dâu tây) và giảm tỷ lệ các loại quả đắt tiền (như quả mâm xôi hoặc quả việt quất).
– Thêm nước vào sản phẩm đông lạnh: Mặc dù tráng nước thường được sử dụng cho một số sản phẩm đông lạnh (như cá) nhưng không được sử dụng trong rau quả đông lạnh.
– Thêm nước vào nước ép cô đặc hoặc xay nhuyễn. Ngay cả khi việc thêm nước không làm giảm hàm lượng chất khô đã công bố thì vẫn bị coi là gian lận.
– Hàm lượng của một số loại trái cây thấp hơn so với công bố trong sản phẩm bán lẻ. Ví dụ: không được phép khai báo một sản phẩm là mật hoa việt quất nếu hàm lượng nước ép việt quất/quả việt quất thấp hơn 40%.
– Tuyên bố sai về chất lượng, chẳng hạn như bán dầu ô liu nguyên chất hoặc dầu lampante dưới dạng dầu nguyên chất.
  • Sử dụng bao bì an toàn và ghi nhãn đầy đủ thông tin
– Bao bì xuất khẩu phải phù hợp với luật pháp Châu Âu về trọng lượng. Nó cũng phải an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Bao bì làm từ nguyên liệu gỗ hoặc thực vật có thể cần kiểm dịch thực vật. Nhãn sản phẩm đóng gói phải chứa thông tin quan trọng đối với người tiêu dùng.
– Sử dụng vật liệu tiếp xúc thực phẩm an toàn
Các vật liệu tiếp xúc với thực phẩm không được chuyển thành phần hoặc ảnh hưởng đến mùi vị và mùi thực phẩm. Các chất cần lưu ý là Bisphenol A (BPA), phthalates và MOSH/MOAH đang được EFSA nghiên cứu đánh giá về ảnh hưởng của chúng đối với sản phẩm.
– Cố gắng sử dụng bao bì có thể tái sử dụng hoặc tái chế
– Tuân thủ các quy tắc ghi nhãn đối với các sản phẩm đóng gói số lượng lớn và bán lẻ
+ Việc ghi nhãn sản phẩm đóng gói số lượng lớn không được quy định chặt chẽ theo tiêu chuẩn Châu Âu đối với từng sản phẩm.
+ Việc ghi nhãn sản phẩm đóng gói bán lẻ được quy định là để cung cấp thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng. Các quy tắc ghi nhãn giúp người tiêu dùng đưa ra những lựa chọn sáng suốt như thông tin dinh dưỡng, các chất gây dị ứng, chỉ dẫn nguồn gốc và theo cỡ chữ bắt buộc.
Viết tắt
EU (the European Union): Liên minh châu Âu
EFSA (European Food Safety Authority): Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu
RASFF (Rapid Alert System for Food and Feed): Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi
HACCP (Hazard Analysis and Critical Control Point System): Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn
MOSH (Mineral oil sarturated hydrocarbon): các hydrocacbon bão hòa, có cấu trúc dạng chuỗi hoặc vòng,
MOAH (Mineral oil aromatic hydrocarbon): các hydrocarbon thơm trong dầu khoáng. Hai chất trên đều có thể được hấp thụ vào cơ thể tạo ra các ảnh hưởng không tốt.
Tài liệu tham khảo
  1. https://www.cbi.eu/market-information/processed-fruit-vegetables-edible-nuts/buyer-requirements
  2. https://vnexpress.net/xuat-khau-rau-qua-che-bien-lan-dau-vuot-ty-usd-4699149.html
  3. https://moit.gov.vn/tin-tuc/thi-truong-trong-nuoc/rau-qua-che-bien-cua-viet-nam-con-nhieu-tiem-nang-tang-truong-xuat-khau.html
Thạc sỹ Khuất Thị Thủy – Viện Công nghiệp thực phẩm dịch
(Nguồn: https://firi.vn/)
lên đầu trang