Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 13/05/2024 | 02:58

Thứ hai, 13/05/2024 | 02:58

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 16:06 ngày 03/04/2020

Ứng dụng công nghệ thực tại ảo (VR) để nâng cao chất lượng giảng dạy thực hành các ngành kỹ thuật trong Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

Chiều 13/3/2020, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức nghiệm thu đề tài "Ứng dụng công nghệ thực tại ảo (VR) để nâng cao chất lượng giảng dạy thực hành các ngành kỹ thuật trong Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội”. Đây là đề tài khoa học và công nghệ cấp trường do TS. Hà Mạnh Đào – Giảng viên khoa Công nghệ thông tin chủ nhiệm.
Quang cảnh buổi nghiệm thu
Thực tế ảo hay còn gọi là thực tại ảo (tiếng Anh là virtual reality, viết tắt là VR) là thuật ngữ miêu tả một môi trường được giả lập (ảo hóa) được tạo ra bởi con người nhờ vào các phần mềm chuyên dụng, và được điều khiển bởi một thiết bị thông minh. Ngoài việc tạo ra không gian ảo, công nghệ thực tế ảo VR còn có thể tương tác thực tế với người dùng qua cử chỉ và nhiều giác quan khác nhau như: Thính giác, khứu giác và xúc giác.
Ngày nay, công nghệ thực tế ảo VR đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong thực tế như giải trí, du lịch số, bất động sản. Trong lĩnh vực giáo dục, công nghệ thực tế ảo đem lại nhiều lợi ích cho cả người dạ và người học. Đó có thể là việc đào tạo bằng thực tế ảo cho phép các bạn sinh viên trải nghiệm học tập phong phú và hấp dẫn hơn nhiều so với việc cung cấp thông qua sách, trang web hoặc thậm chí video. Với thực tế ảo, kiến thức sẽ được trình bày một cách trực quan và dễ dàng tiếp cận nhất. Người học sẽ được tương tác và tiếp cận với môi trường ảo để khám phá sâu rộng, hiểu rõ hơn về chúng, điều này giúp người học vừa cảm thấy thú vị vừa dễ hiểu bài và ghi nhớ sâu hơn.
Nhằm ứng dụng công nghệ cao nói chung, công nghệ thực tại ảo nói riêng vào giảng dạy thực hành nâng cao chất lượng đào tạo tại Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, nhóm nghiên cứu do TS. Hà Mạnh Đào – Giảng viên khoa Công nghệ thông tin chủ nhiệm đã thực hiện đề tài "Ứng dụng công nghệ thực tại ảo (VR) để nâng cao chất lượng giảng dạy thực hành các ngành kỹ thuật trong Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội”.
Thay mặt nhóm thực hiện, TS. Hà Mạnh Đào đã trình bày báo cáo các kết quả đạt được tại buổi nghiệm thu. TS. Đào cho biết, đề tài tập trung nghiên cứu các nội dung: (1) Khảo sát nội dung giảng dạy thực hành tiêu biểu một số ngành kỹ thuật. (2) Xây dựng các thuật toán, các modol phần mềm VR. (3) Nghiên cứu các kỹ thuật xây dựng bài giảng sử dụng VR. (4) Xây dựng một số bài giảng mẫu với VR trong lĩnh vực Điện tử. (5) Tiến hành các kịch bản thử nghiệm và đánh giá. (6) Đề xuất đóng gói sản phẩm và chuyển giao.
"Chúng tôi đã ứng dụng công nghệ thực tại ảo VR vào xây dựng bài giảng thực hành làm cho môn học trở nên phong phú, đa dạng và sinh động hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng xây dựng được quy trình làm bài giảng với công nghệ VR, ứng dụng được các phần mềm có sẵn để chuyển khối lượng bài giảng đọc viết thành các bài giảng được hình hóa, video hóa, tiến tới có thể tương tác với các đối tượng cụ thể như đang làm thực hành trên các thiết bị thật ở một số ngành kỹ thuật đặc thù", TS. Hà Mạnh Đào nhấn mạnh.
Kết luận tại buổi nghiệm thu, Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài do TS. Hà Mạnh Đào có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Đề tài đã hoàn thành đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ và mục tiêu đề ra. Hội đồng thống nhất nghiệm thu đề tài và xếp loại Khá.
Linh Chi
lên đầu trang