Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 15/05/2024 | 10:21

Thứ tư, 15/05/2024 | 10:21

Chính sách

Cập nhật lúc 08:35 ngày 14/09/2020

Thêm một bước đột phá cải cách kiểm tra chuyên ngành

Kiểm tra chuyên ngành (KTCN) hàng hóa xuất nhập tuy đã được cải cách, nhưng bất hợp lý, chồng chéo vẫn còn cản trở thuận lợi hóa thương mại. Để tạo bước đột phá mới về cải cách KTCN, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách KTCN theo hướng hải quan sẽ là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu, còn các Bộ, ngành chức năng thực hiện hậu kiểm (gọi tắt là Dự thảo).
Nhằm góp phần cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành chất lượng... hàng hóa xuất nhập khẩu, từ năm 2015, Tổng cục Hải quan đã kiến nghị Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2026/QĐ-TTg ngày 17/11/2015 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Từ đó đến nay, trong vai trò đầu mối, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với các Bộ tích cực triển khai các giải pháp cắt giảm thủ tục KTCN đã được Chính phủ giao. Theo đó, tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải KTCN trước thông quan đã giảm từ mức xấp xỉ 26% năm 2015 xuống mức 19,1% hiện nay; thời gian làm thủ tục ở nhiều lĩnh vực KTCN cũng đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, kết quả chưa đạt yêu cầu của Chính phủ đặt ra là KTCN phải giảm xuống dưới mức 10% đối với hàng nhập khẩu vào năm 2018-2019; nhiều bất cập, chồng chéo vẫn chưa được giải quyết.
Để tiếp tục thực hiện cải cách KTCN có tính đột phá, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách KTCN theo hướng lấy cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...), Bộ quản lý chuyên ngành thực hiện hậu kiểm”. Theo chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực xây dựng và hoàn thiện Dự thảo.

Tới đây hải quan sẽ là đầu mối duy nhất thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu. Ảnh minh họa
Với đề án này, trước đây Tổng cục Hải quan là đầu mối chủ yếu thúc đẩy các Bộ, ngành triển khai cải cách KTCN, thì nay hải quan sẽ là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu. Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Phó Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), Dự thảo đề án cải cách KTCN mới này đáp ứng cơ bản mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp. Bởi công tác cải cách KTCN vẫn chưa giải quyết được gốc rễ một số vấn đề như phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan liên quan tại cửa khẩu... Đề án Chính phủ phê duyệt ban hành, sẽ thực sự là cuộc cách mạng trong cải cách hoạt động KTCN hàng hóa xuất nhập khẩu thời gian tới.
Ở góc độ tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng, khi xây dựng đề án, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu nhiều ý kiến của VCCI tổng hợp từ phía doanh nghiệp. Dự thảo đề án có những điều chỉnh nội dung so với trước, nhưng vẫn xác định rất rõ mục tiêu giảm chi phí, thời gian cho doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp có quyền rộng hơn liên quan đến lựa chọn tổ chức đánh giá sự phù hợp. Tuy nhiên, theo ông Đậu Anh Tuấn, cần làm rõ cách thức thực hiện để triển khai có hiệu quả trong thực tiễn. Điều quan trọng không chỉ liên quan đến tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, mà còn đảm bảo sự công bằng, minh bạch đối với việc tham gia của các tổ chức đánh giá sự phù hợp.
“Đề án bám sát mục tiêu cắt giảm chi phí, thời gian, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở cải cách thực chất công tác KTCN theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu, đảm bảo hiệu lực quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng” - đại diện VCCI chia sẻ.
Chủ trương quy về một mối công tác KTCN không chỉ thuần túy là để giải quyết gọn đầu mối hành chính, mà còn nhằm tập trung về mặt dữ liệu, cách thức tương tác và thay đổi những hoạt động diễn ra tại khu vực cửa khẩu. Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, mô hình này cần đi kèm với hoạt động xã hội hóa. Bởi hoạt động KTCN giao cho Tổng cục Hải quan làm đầu mối tại cửa khẩu, không có nghĩa là hải quan sẽ làm hết được toàn bộ những khâu kiểm tra và đánh giá về chất lượng, quan trọng là làm đầu mối tổ chức hoạt động đó. Các doanh nghiệp mong muốn, khâu KTCN và đánh giá chất lượng sản phẩm hàng hóa tại cửa khẩu, Chính phủ nên đẩy mạnh xã hội hóa.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang