Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 12:23

Thứ ba, 14/05/2024 | 12:23

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 15:13 ngày 20/09/2020

Xu hướng nguyên liệu thực phẩm hướng tới tăng cường miễn dịch

Theo kết quả khảo sát toàn cầu về sức khỏe tiêu hóa và miễn dịch năm 2019 của Kerry, tăng cường sức đề kháng là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định lựa chọn của người tiêu dùng khi mua sản phẩm phục vụ sức khỏe. 
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, tăng cường miễn dịch là một trong những nhân tố chính được người tiêu dùng thực phẩm quan tâm. Cụ thể, trong tháng 2 và 3 vừa qua, lượng tra cứu cụm từ “thực phẩm” và “hệ miễn dịch” đã tăng 670% trên hệ thống tra cứu của Google so với trước đó.
Tại một số khu vực, sau khi trải qua cao điểm dịch đầu tiên, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu nhiều sau một thời gian phải hạn chế mua sắm. Trong đó các sản phẩm phục vụ sức khỏe trở thành nhóm mặt hàng được quan tâm nhất. Theo Innova Market Insights, các sản phẩm ngành sữa là nhóm hàng có mức tăng trưởng đặc biệt cao, tiếp theo đó là đồ uống, đặc biệt là trà và trà thảo dược. 
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của lĩnh vực này, nhiều kết quả R&D đối với nguyên liệu thực phẩm có tính năng bổ sung vi chất, tăng cường sức đề kháng một cách tự nhiên đã được thương mại hóa. Dưới đây là một số loại nguyên liệu thực phẩm hướng tới tăng cường miễn dịch đáng chú ý được các nhà sản xuất giới thiệu trong thời gian qua: 
1) Nguyên liệu bổ sung vi chất
- Kẽm Ultimine (nhà sản xuất: Naturex, Givaudan): nguyên liệu kẽm dạng bột hoặc hạt kết tinh, sản xuất từ quá trình sử dụng kỹ thuật lên men mốc koji. Điểm đáng chú ý đối với công nghệ này là sinh khối được thu hoạch ở dạng khô có hàm lượng protein cao và môi trường dinh dưỡng phù hợp cho việc bảo vệ cũng như hấp thu kẽm. 
- Vitamin D Earthlight Whole Food (nhà sản xuất PLT Health): sản phẩm từ nấm mỡ và nấm bàn được xử lý bằng ánh sáng UV để sản sinh vitamin D, có dạng bột và hàm lượng vitamin D lên tới 1.000µg/g (40.000 IU/g). Khi sử dụng nguyên liệu này trong sản phẩm, nhà sản xuất thực phẩm có thể áp dụng ngôn ngữ thân thiện với người tiêu dùng như “bột nấm” hay “bột nấm giàu vitamin D” khi nghi nhãn thành phần sản phẩm. 
- Wellmune  (nhà sản xuất Kerry): β-1/3,1/6-glucan từ men nở bánh mỳ, hiện đã được nghiên cứu về khả năng tăng cường sức đề kháng chống lại các loại cúm mùa trên đối tượng trẻ em. 
2) Các chủng men tiêu hóa và sản phẩm có liên quan: 
- Ganeden BC30 (Bacillus coagulans GBI-30, 6086) (nhà sản xuất Kerry): một chủng men tiêu hóa có tạo bào tử. Kết quả nghiên cứu bổ sung chủng men với trẻ em cho thấy tác dụng khả quan đối với sức khỏe đường tiêu hóa và hô hấp. 
- Lactobacillus paracasei, subsp. paracasei (Lactobacillus casei 431) (nhà sản xuất Chr. Hansen): chủng vi sinh vật có khả năng kích hoạt tế bào miễn dịch, tăng cường việc sản sinh các tiền tố tạo tế bào miễn dịch và kháng thể. Các kết quả nghiên cứu lâm sàng đối đã bước đầu cho thấy khả năng tăng cường phản ứng đề kháng của chủng vi sinh vật này, đặc biệt là đối với các triệu chứng đường hô hấp. 
- Tương, tự, Dupont Nutrition & Health đã có dòng sản phẩm HOWARU Protect Probiotics dành cho các lứa tuổi và mức độ vận động khác nhau với mục đích tăng cường sức đề kháng, thúc đẩy quá trình phục hồi. Mỗi sản phẩm chỉ tập trung vào 1 đến 2 chủng vi sinh vật thuộc các nhóm Bifidobacterium lactis, Lactobacillus acidophilus, Lactobacillus rhamnosus (Chi tiết)
- Bimuno (nhà sản xuất Clasado): sản phẩm prebiotic từ galactoooligosaccharide hướng tới bổ trợ các chủng Bifidobacteria và Bacteroides. Kết quả nghiên cứu cho thấy sản phẩm này có thể tồn tại được cho tới khi vào ruột già và tác động lên hệ vi sinh vật tại đây. 
Phần lớn các loại nguyên liệu trên được các nhà sản xuất thực phẩm sử dụng trong sản phẩm nước uống dinh dưỡng, bánh dinh dưỡng, thực phẩm chức năng dạng kẹo nhai/ngậm, v.v. dành cho bữa ăn nhẹ, hướng tới đối tượng người sử dụng có kiến thức về sức khỏe, yêu thích thể thao, chăm sóc con nhỏ và người cao tuổi. Với nhóm đối tượng phục vụ này, chúng ta cũng có thể nhận thấy rằng các nhà sản xuất nguyên liệu ngày càng hướng tới công nghệ sản sinh vi chất từ nguyên liệu sinh học tự nhiên, áp dụng các công nghệ can thiệp tối thiểu để giúp các nhà sản xuất thực phẩm đáp ứng xu hướng ưa chuộng thực phẩm có thành phần tối giản, “sạch”, “không GMO” trong một bộ phận người dùng hiện nay. 
Tài liệu tham khảo: Ohr. L. M. 2020. Focus on Immune Health. Food Technology Magazine 74(4). 
Dương Hương Quỳnh

lên đầu trang