Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 08/05/2024 | 00:08

Thứ tư, 08/05/2024 | 00:08

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:16 ngày 05/11/2020

Xây dựng quy trình quản lý, tổ chức thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện

Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) vừa tổ chức cuộc họp nghiệm thu đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, quy chế và xây dựng quy trình về quản lý, tổ chức thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện áp dụng cơ chế 1791”.
Thiếu quy trình quản lý dự án đồng bộ
Đề tài “Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, quy chế và xây dựng quy trình về quản lý, tổ chức thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện áp dụng Cơ chế 1791” là một trong 12 nhiệm vụ thuộc Dự án khoa học và công nghệ (KH&CN) “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành một số hệ thống thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy đến khoảng 600MW” do Bộ Công Thương hỗ trợ cho Viện Nghiên cứu cơ khí (Narime) nghiên cứu.

Cuộc họp nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu, xây dựng các giải pháp, quy chế và xây dựng quy trình về quản lý, tổ chức thực hiện dự án nhà máy nhiệt điện áp dụng cơ chế 1791”
Mục tiêu của đề tài nhằm xây dựng được cơ sở dữ liệu về năng lực các doanh nghiệp cơ khí trong nước cho từng hạng mục được nội địa hóa theo hướng chuyên môn hóa; xây dựng và đề xuất được cơ chế, chính sách cụ thể để thực hiện các nội dung theo Quyết định 1791/QĐ-TTg (Quyết định 1791) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Cơ chế thực hiện thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện trong giai đoạn 2012-2025”; xây dựng bộ quy trình về quản lý dự án thực hiện thiết kế, chế tạo các thiết bị nhiệt điện theo Quyết định 1791.
Tại buổi nghiệm thu đề tài, Thạc sĩ Lê Xuân Quý - Chủ nhiệm đề tài - khẳng định: Đây là một đề tài mới, đáp ứng yêu cầu cao về tính cụ thể, về định hướng tổ chức sản xuất trong môi trường hợp tác phát triển, vốn là yếu điểm của các doanh nghiệp cơ khí và là đề tài tạo “đường dẫn” kết nối từ chuyển giao công nghệ, giải mã công nghệ đến tổ chức sản xuất tạo ra sản phẩm. Đề tài gắn liền với việc xây dựng một lộ trình nội địa hoá từng hạng mục hệ thống thiết bị, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án tương tự.
Phân tích cụ thể, Thạc sĩ Lê Xuân Quý cho biết: Trong nước có nhiều nghiên cứu phục vụ cho việc xây dựng các định hướng chiến lược phát triển ngành cơ khí, ngành đúc, tự động hoá... Tuy nhiên, phổ đề cập của những quy hoạch này khá rộng, cộng với thiếu những giải pháp và sự chỉ đạo cụ thể nên đa số các quy hoạch này khi triển khai áp dụng để thực hiện cho các hạng mục của nhà máy nhiệt điện còn gặp rất nhiều khó khăn.
Đặc biệt, chưa có nghiên cứu cụ thể phục vụ cho việc chỉ đạo áp dụng cho các dự án nhà máy nhiệt điện. Hiện tại, cơ sở dữ liệu về năng lực sản xuất các đơn vị còn thiếu nhiều, chưa đồng bộ. Các đánh giá năng lực thường chung chung, chưa có định hướng cụ thể phục vụ cho mục đích tư vấn, thiết kế và chế tạo thiết bị nhà máy nhiệt điện.
Bên cạnh đó, với các thiết bị của nhà máy nhiệt điện, một số doanh nghiệp cơ khí trong nước đã tham gia chế tạo một phần thiết bị với tư cách là nhà thầu phụ cho các nhà thầu nước ngoài nhưng tiêu chuẩn thiết kế, chế tạo hoàn toàn dựa vào các nhà thầu nước ngoài; còn thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp để thực hiện các hạng mục công việc có giá trị lớn, giá trị gia tăng cao.
“Do chỉ là nhà thầu phụ trong chế tạo các thiết bị nhiệt điện, việc quản lý dự án còn nhiều hạn chế, hầu hết các doanh nghiệp chưa có quy trình quản lý dự án đồng bộ. Đồng thời, chưa có chế tài quản lý tiến trình nội địa hóa, một số doanh nghiệp cơ khí khi được Chính phủ giao dự án để nội địa hóa lại đi nhập khẩu của nước ngoài, thực hiện chưa sát sự chỉ đạo của Chính phủ” - Thạc sĩ Lê Xuân Quý nhấn mạnh.
Xây dựng lộ trình thiết kế, chế tạo thiết bị nhiệt điện
Qua 4 năm nghiên cứu, nhóm đề tài đã hoàn thành đầy đủ số lượng, chủng loại, chất lượng các sản phẩm KH&CN theo thuyết minh được duyệt. Cụ thể, trên cơ sở tổng kết bài học kinh nghiệm từ thực hiện các đề tài độc lập, các dự án KH&CN về xi măng lò quay, thủy công, giàn khoan tự nâng để xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế phối hợp, gắn kết một cách hiệu quả kết quả của dự án KH&CN và dự án đầu tư. Đồng thời, vận dụng linh hoạt các kinh nghiệm thành công của Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc để xây dựng được mô hình tổ chức sản xuất từ khâu quản lý dự án đến chế tạo và lắp đặt hoàn chỉnh các dây chuyền thiết bị đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện.

Đề tài đã đưa ra lộ trình thiết kế chế tạo trong nước cho từng hạng mục theo Quyết định 1791
Theo đó, các sản phẩm nổi bật có thể sử dụng cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp: Lộ trình thiết kế chế tạo trong nước cho từng hạng mục theo Quyết định 1791 và lộ trình đầu tư nâng cao năng lực các doanh nghiệp, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa để đạt được mục tiêu của Quyết định 1791. Bộ quy chế tổ chức phối hợp thực hiện các hạng mục thiết kế, chế tạo trong nước, đề xuất tổ chức thực hiện, phối hợp một cách khoa học sự tham gia của các đơn vị; cơ sở dữ liệu về năng lực các doanh nghiệp cơ khí trong nước cho 11 hạng mục nội địa hoá theo hướng chuyên môn hoá; bộ quy trình về quản lý dự án, thực hiện thiết kế, chế tạo 11 hạng mục thiết kế, chế tạo trong nước.
Chia sẻ về hiệu quả kinh tế của dự án, Thạc sĩ Lê Xuân Quý cho hay: Các nhà quản lý, doanh nghiệp có thể tận dụng/vận dụng bộ cơ sở dữ liệu đề tài đã tập hợp được vào thực tiễn, tiết kiệm được thời gian và kinh phí để khảo sát, đánh giá, lựa chọn nhà thầu; các doanh nghiệp có thể vận dụng bộ quy trình quản lý dự án thực hiện các hạng mục thiết bị phụ nhà máy nhiệt điện vào hoạt động của đơn vị, tiết kiệm thời gian tự xây dựng bộ quy trình, đồng thời giảm thiểu được các sai sót trong quá trình thực hiện dự án. Ngoài ra, các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách có thể tận dụng các cơ chế chính sách mà nhóm đề tài đã tập hợp, biên soạn để hoàn thiện các cơ chế chính sách áp dụng cho các lĩnh vực kinh tế xã hội liên quan.
Theo đánh giá của hội đồng nghiệm thu đề tài, mặc dù thời gian có hạn, khối lượng nghiên cứu, tổng hợp, phân tích rất lớn, tài liệu và các nghiên cứu trong nước chưa đầy đủ, việc tập hợp tư liệu gặp nhiều khó khăn, nhưng nhóm đề tài và cơ quan chủ trì đề tài đã nỗ lực cố gắng hoàn thành nhiệm vụ KH&CN. Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể áp dụng, chuyển giao cho các đơn vị thực hiện công tác nội địa hóa các hệ thống thiết bị phụ của nhà máy nhiệt điện trong nước.
Sản phẩm của đề tài cung cấp cho các quan quản lý, doanh nghiệp các thông tin có giá trị phục vụ cho hoạt động quản lý, hoạch định chính sách, định hướng đầu tư và các hoạt động quản lý riêng của doanh nghiệp.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang