Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 16/05/2024 | 22:14

Thứ năm, 16/05/2024 | 22:14

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:29 ngày 11/11/2020

Đại học Điện lực tổ chức tọa đàm Public Talk "Create Your Future Power”​

Sáng 4/11 tại Hội trường B1- Tầng 5 trường Đại Học Điện lực diễn ra chương trình Public Talk “Create Your Future Power”.
Dự chương trình có TS. Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực; ông Koen Duchateau - Tham tán thứ nhất, Trưởng ban Hợp tác phát triển, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam; bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần Năng lượng Tái tạo - Dự án EVEF; ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); ông Markus Bissel - Trưởng hợp phần Hiệu quả năng lượng - Dự án EVEF; ông Nguyễn Duy Việt - Giám đốc phát triển kinh doanh Shizen Energy; cùng nhiều thầy cô giáo và sinh viên trường EPU.
Cơ hội việc làm từ phát triển năng lượng tái tạo
Phát biểu mở đầu tọa đàm TS. Dương Trung Kiên cho biết, trên cơ sở lấy chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ (KH&CN) gắn kết với thực tiễn sản xuất, trường Đại học Điện lực luôn thực hiện các nhiệm vụ KH&CN nhằm đáp ứng các nhu cầu của khách hàng và thực tiễn đặt ra.
TS. Dương Trung Kiên phát biểu tại buổi tọa đàm
TS. Kiên cho biết, với thế mạnh là một trường kỹ thuật, đặc biệt về lĩnh vực năng lượng, các sinh viên sau khi ra trường có được những lợi thế nhất định cả về kỹ năng và kiến thức chuyên môn trong quá trình tìm kiếm việc làm.
“Nhà trường luôn luôn đặt học viên và sinh viên là trung tâm được phát triển đầy đủ cả kỹ năng nghề nghiệp cũng như là kỹ năng cuộc sống để sinh viên sau khi tốt nghiệp sẽ đáp ứng đủ các tiêu chuẩn và yêu cầu của các nhà tuyển dụng. Bởi vậy, Nhà trường luôn tạo cho sinh viên cơ hội được học tập, giao lưu, mở rộng kiến thức thực tiễn trong lĩnh vực theo học…”, TS. Kiên nhấn mạnh.
Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực cũng cho biết, tọa đàm sẽ mang tới cho sinh viên Nhà trường những thông tin bổ ích, tích cực nhất về tương lai và những định hướng, phát triển được nghề nghiệp trong tương lai.
“Chúng ta cũng đang sử dụng ứng dụng năng lượng mặt trời, đó là những tấm kính ở đằng sau các em sinh viên đang ngồi, đây là những công nghệ mới, Nhà trường đã đầu tư và mong muốn đem đến cho các thầy cô, các em sinh viên cùng nghiên cứu mô hình và ứng dụng vào thực tiễn. Các thầy cô có thể áp dụng vào giảng dạy, các em sinh viên có sẽ cái nhìn trực quan hơn và từ đó có cái nhìn tốt nhất về công việc, nghề nghiệp trong tương lai ", TS. Kiên nói và lấy dẫn chứng.
Tại tọa đàm, ông Koen Duchateau đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, năng lượng là lĩnh vực hợp tác trọng tâm trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và EU. Đặc biệt, là trong lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh việc thúc đẩy đối thoại về chính sách phát triển năng lượng tái tạo thì dự án của EU đang hỗ trợ cho Việt Nam trị giá 250 triệu EUR cũng phần nào thúc đẩy đầu tư phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam.
Ông Koen Duchateau đại diện Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Trong chính sách phát triển năng lượng, Liên minh châu Âu sẽ phấn đầu trở thành một Khối đi đầu trong việc phát triển năng lượng tái tạo thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, cùng với nỗ lực toàn cầu chống biến đổi khí hậu. Một liên minh phát triển toàn cầu xanh trong đó thúc đẩy chống biến đổi khí hậu sẽ hoàn thành sứ mệnh vào năm 2050.
Theo ông Koen Duchateau, hiện nay Liên minh châu Âu đang cắt giảm khí thải nhà kính và phấn đấu nâng lên 40% năm 2030 so với thời tiền công nghiệp năm 1990 thông qua các biện pháp sử dụng năng lượng hiệu quả và nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo năm 2020 là 20% lên 32,5% năm 2030.
“Các quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng xanh đang được thúc đẩy ở các quốc gia châu Âu và thúc đẩy kinh tế tạo ra nhiều việc làm hơn, có khoảng 4 triệu việc làm trong lĩnh vực xanh.
Trong đó có 2 triệu việc làm được tạo ra từ việc phát triển năng lượng tái tạo và 900 nghìn việc làm tạo ra từ lĩnh vực sử dụng năng lượng hiệu quả. Việt Nam có tiềm năng rất lớn trong việc phát triển năng lượng tái tạo và sử các biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả, Chính phủ Việt Nam hiện nay đã thông qua và ban hành rất nhiều chính sách và phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả.
Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 55 đưa ra các định hướng chiến lược phát triển năng lượng tái tạo cho năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Việt Nam đã thông qua các định hướng phát triển và tái tạo năng lượng, sử dụng các biện pháp năng lượng hiệu quả, ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn tạo ra việc làm trong lĩnh vực năng lượng xanh, năng lượng tái tạo…”, ông Koen Duchateau thông tin.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đã thông qua các định hướng phát triển và tái tạo năng lượng.
Sử dụng tài nguyên thân thiện với môi trường
Còn bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần Năng lượng Tái tạo - Dự án EVEF bày tỏ, ở Việt Nam cũng như các quốc gia trên thế giới vừa qua đã phải hứng chịu rất nhiều thảm họa mà thiên nhiên đã gây ra. Trong đó phải kể đến những thiệt hại về người và của, rất nhiều người dân Việt Nam bị mất nhà cửa, ở Canifonia hay Australia thì tình trạng cháy rừng cũng gây thiệt hại rất nhiều…
“Thảm họa ấy do điều gì gây ra? Hiện nay dân số của thế giới tăng lên rất nhiều, nhu cầu cũng từ đó mà tăng lên. Do vậy mà nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên cũng tăng, và liệu rằng thiên nhiên có đủ để đáp ứng được hết các nhu cầu đó của con người và những lòng tham mà con người mong muốn?
Vậy phải làm thế nào để có thể giảm thiểu tiêu dùng hàng ngày mà vẫn đảm bảo phát triển và có một cuộc sống tốt hơn, với bầu không khí trong lành… Cần phải có một chiến lược toàn cầu, và mỗi quốc gia phải có chiến lược phát triển bền vũng, tạo ra ít ảnh hưởng nhất đến môi trường.
Bà Vũ Chi Mai chia sẻ tại buổi tọa đàm Public Talk “Create Your Future Power”
Tận dụng tài nguyên sẵn có mà không cần phải đào bới đất để lấy than, chúng ta không phải phá chặt rừng để tạo nên Thủy điện, mà hãy sử dụng nguồn tài nguyên sẵn có như gió, mặt trời, những nguồn tài nguyên thân thiện hơn với môi trường để hỗ trợ sự phát triển…”, bà Chi lý giải.
Ông Trần Viết Nguyên - Phó trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhấn mạnh, cùng với sử dụng các thiết bị tiêu chuẩn, hiệu suất cao, giảm tổn thất điện năng. EVN tuyên truyền để áp dụng những quy định về sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, ứng dụng các công cụ theo dõi, giám sát tiêu thụ điện online.
Ông Trần Viết Nguyên chia sẻ tại buổi tọa đàm Public Talk “Create Your Future Power”
Ngoài ra EVN còn tuyên truyền tới từng khách hàng về việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm và hiệu quả… Thay thế các thiết bị điện, đèn nhằm tiết kiệm điện hiệu quả hơn… Như bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, điện mặt trời mái nhà, ESCO, DMS…
“Lợi ích của điện mặt trời mái nhà sẽ giúp chống nóng, tiết kiệm chi phí tiền điện và có thể bán điện cho EVN. Lợi nhuận đầu tư ĐMTMN cao (IRR >= 20%), ít rủi ro, bảo vệ môi trường…Cùng các chia sẻ trong thực tiễn giúp cho các sinh viên của Đại học Điện lực và các vị khách mời cái nhìn thực tế hơn từ kinh nghiệm của một người làm nghề và gắn bó nhiều năm với ngành điện…”, ông Nguyên bày tỏ.
Tại tọa đàm, các đại biểu được nghe ý kiến, giải đáp liên quan đến tái tạo năng lượng từ nhiều chuyên gia. Sinh viên Nhà trường đã đặt ra các câu hỏi về nghề và thực tế dành cho các vị diễn giả. Đại diện của doanh nghiệp về năng lượng, các chuyên gia đã mang đến cho khách mời, sinh viên có một góc nhìn mới mẻ hơn về năng lượng tái tạo. Từ đó, sinh viên Đại học Điện lực có góc nhìn rõ nét hơn về nghề nghiệp trong tương lai, lựa chọn những hướng đi đúng nhất theo con đường đã chọn.
Kết thúc buổi tọa đàm, TS. Dương Trung Kiên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực đã gửi lời cảm ơn tới các diễn giả, doanh nghiệp tham dự.
“Các diễn giả đã có những chia sẻ thực tiễn về cơ hội việc làm trong ngành, đưa ra lời khuyên về định hướng nghề nghiệp đa dạng trong ngành năng lượng tái tạo. Những câu chuyện thực tế truyền cảm hứng cho sinh viên đã và đang theo đuổi công việc liên quan đến năng lượng…”, TS. Kiên nhấn mạnh.
Theo website trường ĐH Điện lực
lên đầu trang