Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 03/05/2024 | 11:36

Thứ sáu, 03/05/2024 | 11:36

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:51 ngày 20/12/2020

Làm lợi hàng tỷ đồng từ sáng kiến, sáng tạo tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam

Sau khi triển khai Dự án “Cải tiến chuyển đổi bánh tỳ lô cuộn máy xeo 1” tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam, lượng giấy phải xả bỏ giảm đi rất nhiều, tiết giảm chi phí, tiết kiệm phần nguyên vật liệu, làm lợi cho công ty hơn 1.8 tỷ đồng trong năm 2018.
Cuộc thi Nhóm cải tiến Năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020 đang đi đến những hồi kết, đầy gay cấn, khi chọn ra được 12 đội, 12 nhóm cải tiến bước vào vòng Chung kết. Một trong số các nhóm cải tiến đó là Dự án “Cải tiến chuyển đổi bánh tỳ lô cuộn máy xeo 1” được thực hiện ở máy xeo 1 thuộc phân xưởng Giấy – nhà máy Giấy, Tổng Công ty Giấy Việt Nam. Dự án được triển khai thực hiện từ tháng 4/2014 đến hết tháng 10/2020.
Chia sẻ với người viết, đại diện Nhóm cải tiến, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Phó Quản đốc Phân xưởng Cơ khí của Xí nghiệp bảo dưỡng thuộc Tổng Công ty cho biết, lựa chọn Dự án “Cải tiến chuyển đổi bánh tỳ lô cuộn máy xeo 1” hướng tới giảm 100% lượng giấy bị nhăn trên cuộn.
Trước đó, trong quá trình sản xuất giấy, giấy được cuốn vào lô thay thế thành từng cuộn có đường kính tùy theo yêu cầu về công nghệ. Giấy được bắt từ lô ép quang sang lô thay thế qua lô cuộn và được cuộn chặt vào lô thay thế.
Trong quá trình bắt giấy từ lô ép quang sang lô thay thế, lô thay thế được giữ chặt bởi hai bánh tỳ nhỏ lắp ở 2 đầu piston phía trên và hạ dần xuống khung máy sau đó mới tiếp xúc với hai bánh tỳ ở bên dưới để giữ cuộn giấy khi đường kính cuộn giấy tăng dần đến khi cuộn giấy đạt đường kính theo yêu cầu.
Do thiết kế ban đầu hai bánh tỳ có đường kính 145mm, đường kính bánh tỳ nhỏ khi giấy bắt đầu cuộn vào lô thay thế và hạ xuống khung máy cuộn giấy không tiếp xúc ngay với bánh tỳ bên dưới để giữ cuộn giấy. Khi đó, cuộn giấy vẫn được giữ bởi hai bánh tỳ nhỏ phía trên đến khi cuộn giấy đạt được kích thước khoảng 610mm lúc đó cuộn giấy mới tiếp xúc với cặp bánh tỳ bên dưới, do tiếp xúc không đều nên giấy trên cuộn bị nhăn và tùy thuộc vào độ lệch hai đầu nhiều hay ít mà giấy bị nhăn nhiều hay ít.
Trong quá trình vận hành, việc cuộn giất khi mới bắt giấy có đường kính hai đầu không bằng nhau thường xuyên xảy ra, việc căn chỉnh hai bánh tỳ hai đầu tiếp xúc đều với lô thay thế tiến hành nhiều nhưng chỉ được thời gian ngắn.
Vì vậy, cuộn giấy chuyển sang máy cuộn lại lượng giấy để lại trong lõi ở mỗi cuộn là rất lớn, độ dày giấy tương đương từ 90-110mm. Lượng giấy này phải xả bỏ vào bể thủy lực. Để tiết giảm chi phí cũng như tăng hiệu suất sản xuất, Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã lựa chọn, triển khai thực hiện Dự án “Cải tiến chuyển đổi bánh tỳ lô cuộn máy xeo 1”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn chia sẻ.
Khác với nhiều đơn vị khác, khi triển khai Dự án “Cải tiến chuyển đổi bánh tỳ lô cuộn máy xeo 1”, Nhóm đã lập kế hoạch triển khai theo từng đầu mục công việc chứ không chia theo giai đoạn thực hiện.
Giải thích về cách làm này, đại diện Nhóm, ông Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, do đây là tính chất đặc thù của nhà máy sản xuất giấy. Bởi, các khâu, dây chuyền trong quá trình sản xuất giấy đều liên quan đến nhau từ lô thay thế, lô ép quang đến bánh tỳ lô cuộn…
Do vậy, để thực hiện Dự án cải tiến này, bước đầu tiến, Nhóm thực hiện, triển khai cải tiến nâng đường kính bánh tỳ có từ 145mm lên 255mm. Để thực hiện nhiệm vụ này Nhóm đã tiến hành khảo sát, đo đạc và nhận thấy không gian lắp đặt ở vị trí lô cuộn máy xeo 1 là rất nhỏ, do vậy, Nhóm đã lựa chọn kích thước bánh tỳ chỉ cần tăng lên 255mm là vừa đáp ứng được việc giảm lượng giấy nhăn, vừa dễ thao tác lắp đặt và sửa chữa.
Bước hai, Nhóm thực hiện nhiệm vụ tiện bậc bu lông bắt gối đỡ giá bánh tỳ, để có không gian điều chỉnh dễ dàng khi lắp đặt và căn chỉnh.
“Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã phát sinh ra vấn đề mới đó là khi tăng đường kính bánh tỳ lên 255mm thì lô thay thế không còn được tỳ lên băng máy nữa, việc này đã khiến các thành viên trong Nhóm hết sức trăn trở, phải mổ xẻ, phân tách từng chi tiết, giả định nhiều tình huống có thể xảy ra khi vận hành.
Cuối cùng, Nhóm đã đưa ra ý tưởng mới để giải quyết vấn đề trên bằng cách phay vát bớt cần hãm bánh tỳ đỡ phụ trợ khi ra cuộn, điều này đã đảm bảo lô thay thế luôn được tỳ trên băng máy khi ra cuộn giấy”, đại diện Nhóm ông Nguyễn Ngọc Tuấn nhớ lại.
Bước ba, Nhóm bắt đầu dựng bản vẽ bánh tỳ có đường kính 255mm. Và cuối cùng, Nhóm nghiên cứu vật liệu có các tiêu chuẩn phù hợp (về độ cứng, độ dai, độ chịu tôi) để tiến hành gia công chế tạo bánh tỳ mới.
Sau khi nghiên cứu, triển khai thành công Dự án cải tiến bánh tỳ, hệ thống vận hành của nhà máy, dây chuyền đã đơn giản rất nhiều, giảm lượng lớn giấy phải bỏ, xả xuống bể thủy lực, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất.
Đặc biệt, sau khi chuyển đổi bánh tỳ lô cuộn máy xeo 1, Tổng Công ty đã tiết giảm được rất nhiều chi phí, tiết kiệm phần nguyên vật liệu, làm lợi cho công ty hơn 1.8 tỷ đồng trong năm 2018.
Con số trên không chỉ thể hiện sự cải tiến liên tục trong quá trình vận hành, sản xuất kinh doanh mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định được trách nhiệm của Công ty đối với người lao động, các bên liên quan và xã hội.
Lãnh đạo Tổng Công ty giấy cam kết sẽ nỗ lực hết sức, tạo mọi điều kiện và chỉ đạo sát sao để Dự án “Cải tiến chuyển đổi bánh tỳ lô cuộn máy xeo 1” được duy trì, cải tiến thường xuyên liên tục.
“Đây mới chỉ là bước đầu trong việc cải tiến. Để triển khai, thực hiện các Dự án cải tiến thành công cần bám sát thực tế để tìm ra các điểm lãng phí trong sản xuất, giảm các tồn đọng trong công đoạn sản xuất, cải tiến liên tục. Bởi, không có gì là tốt nhất, chỉ có cái tốt hơn, huy động mọi thành phần cùng tham gia”, đại diện Nhóm cải tiến chia sẻ.
Dự án “Cải tiến chuyển đổi bánh tỳ lô cuộn máy xeo 1” của Tổng Công ty Giấy Việt Nam là một trong 12 nhóm vào Vòng Chung kết Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương năm 2020.
Cuộc thi do Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) và Tạp chí Công Thương tổ chức nhằm ghi nhận và tôn vinh những nỗ lực, đóng góp của các Nhóm cải tiến với mục tiêu nâng cao năng suất và chất lượng tại doanh nghiệp, đồng thời tuyên truyền, thúc đẩy mở rộng việc áp dụng cải tiến năng suât cho các doanh nghiệp trong toàn ngành Công Thương.
Cuộc thi Nhóm cải tiến năng suất chất lượng ngành Công Thương nằm trong khuôn khổ các hoạt động tổng kết Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngành công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 22 tháng 05 năm 2012 do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện. Dự án được triển khai trong giai đoan 2012 – 2020 với 5 nhiệm vụ chính: (1) Phổ biến, tuyên truyền về nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; (2) Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; (3) Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; (4) Áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, ứng dụng tiến bộ khoa học và đổi mới công nghệ; (5) Nâng cao năng lực quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực.
Theo Trang tin NSCL
lên đầu trang