Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 08:27

Thứ ba, 14/05/2024 | 08:27

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 16:22 ngày 22/12/2020

Doanh nghiệp lương thực, thực phẩm: Lấy sức ép cạnh tranh làm động lực đổi mới

Năm 2021, DN ngành lương thực, thực phẩm (LTTP) kỳ vọng tăng trưởng cao hơn nhờ tác động tích cực đến từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội LTTP TP. Hồ Chí Minh (FFA) - về vấn đề này.
Từ góc độ DN, xin bà cho biết đánh giá về tác động của các FTA đến ngành LTTP?
Các FTA đang có hiệu lực đều mang đến những cơ hội nhất định cho DN. Đặc biệt, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) được ký kết ngày 15/11 mới đây, mặc dù chưa có hiệu lực nhưng chúng tôi đánh giá cao việc tạo thuận lợi DN, nhất là DN vừa và nhỏ trong tương lai gần.
Đối với ngành LTTP, hầu hết đều có nhiều cơ hội từ các cam kết trong các hiệp định này. Cụ thể là thị trường xuất nhập khẩu được mở rộng, đa dạng; thị trường dịch vụ tài chính phát triển hơn với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài; hệ thống thể chế, chính sách cũng từng bước được hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực thi cam kết trong các FTA… Từ đó, góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng cho tất cả các DN và là những lợi thế rất lớn để DN Việt phát triển.
Qua một năm 2020 đầy khó khăn, cơ hội của ngành LTTP trong năm 2021 sẽ là gì, thưa bà?
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, do sự chủ động tích cực nên hoạt động sản xuất, kinh doanh của ngành vẫn duy trì ổn định, doanh thu bán lẻ hàng hóa các mặt hàng LTTP tăng trưởng mạnh. Riêng ở hoạt động xuất khẩu, do tác động chung vì dịch nên doanh thu từ hoạt động này có giảm so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, sang năm 2021, chúng tôi nhận định xuất khẩu sẽ có nhiều lợi thế. Trước hết là năng lực sản xuất của Việt Nam đang được duy trì, các DN trong nước tiếp tục được đăng ký và dòng vốn đầu tư FDI vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam. Đây là những lợi thế để xuất khẩu của Việt Nam bứt phá khi thị trường toàn cầu được phục hồi.
Từ những dự báo này, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hoạt động tập huấn chuyên sâu về từng cam kết cụ thể cho ngành theo các FTA đã tham gia, trong đó có EVFTA cho DN hiểu rõ và tận dụng. Cùng với đó, sẽ tiếp tục đề xuất Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tham mưu tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư trực tiếp sang thị trường các nước thành viên EU cho DN ngành LTTP.
Vậy để tận dụng những cơ hội, theo bà, DN cần lưu ý vấn đề nào?
Tôi cho rằng mỗi DN trước hết cần chủ động hơn nữa trong việc nắm vững cam kết của các hiệp định, tránh mơ hồ, dẫn đến sai sót không đáng có. DN cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh, lấy sức ép cạnh tranh làm động lực để đổi mới, cải tiến sản phẩm chất lượng để có thể đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của thị trường. Cụ thể là đảm bảo xuất xứ về hàng hóa xuất khẩu, yêu cầu về chất lượng cũng như những tiêu chí về kỹ thuật khác. Bên cạnh đó, cũng cần chủ động tham vấn các hiệp hội, đối tác, bạn hàng, nắm bắt thông tin, cơ hội xuất khẩu để cạnh tranh và đối phó tốt hơn với hàng nhập khẩu.
Tuy nhiên, ngoài những nỗ lực từ hiệp hội và DN, Chính phủ cần rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật phù hợp với quy định của các FTA mới, để DN có cơ sở pháp lý, thực thi một cách hiệu quả hơn.
Riêng về phía TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi kiến nghị thành phố đề xuất xin cơ chế từ Chính phủ về phát triển hệ thống kho dự trữ, kho lạnh bảo quản. Theo đó, chỉ cần hỗ trợ về mặt chính sách, bao gồm vốn vay dài hạn, lãi suất ưu đãi, thuế… để tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư phát triển các hệ thống kho này, góp phần tăng giá trị hàng hóa.
Xin cảm ơn bà!
Theo: Báo Công Thương

lên đầu trang