Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 03:36

Thứ hai, 06/05/2024 | 03:36

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:09 ngày 04/03/2021

ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp nâng cao năng lực chế tạo máy, nghiên cứu hoàn thiện các công nghệ đã có

Năm 2020, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp đã triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) bằng nhiều nguồn kinh phí khác nhau bao gồm thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) các cấp Nhà nước, cấp bộ, sở, trường. Trường thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học chuyên đề; công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí trong và ngoài nước. Tích cực tham gia các Hội nghị khoa học, chương trình của câu lạc bộ các trường đại học kỹ thuật; tham gia cuộc thi NCKH Sinh viên; Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp Sinh viên toàn quốc; tổ chức các chương trình thảo luận hợp tác NCKH với các nhóm nghiên cứu từ các trường đại học khác…
Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp làm việc với đối tác về định hướng nghiên cứu. (Ảnh: Internet)
Những hoạt động KH&CN nổi bật
So với trước đó, các hoạt động KH&CN năm 2020 của trường được thực hiện đa dạng và đạt được nhiều thành tích nổi bật. Đây là lần đầu tiên trường đăng ký và triển khai thực hiện được 1 đề tài cấp Nhà nước do quỹ Phát triển KH&CN quốc gia (quỹ Nafosted) tài trợ. Nội dung chính của đề tài nhằm phân tích đưa ra những yếu tố ảnh hưởng chính giữa trách nhiệm xã hội doanh nghiệp và hiệu quả phát triển doanh nghiệp bền vững. Đây là nội dung mới được đề cập nhiều trong các điều khoản cụ thể của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán ký kết. Đề tài sẽ hoàn thành vào tháng 06/2022.
Đối với lĩnh vực phát triển phục vụ ngành nông nghiệp, trường đã tiến hành nghiên cứu một số chủng nấm cộng sinh vùng rễ. Hiện đã phân lập, tuyển chọn được 6 - 8 chủng nấm cộng sinh vùng rễ từ một số cây (cỏ ngọt, đinh lăng, bạch chỉ) có khả năng phân giải photphat và sản sinh chất kích thích sinh trưởng IAA (Indole-3-Acetic Acid). Dự kiến, nghiên cứu sẽ hoàn thành vào tháng 12/2021 theo đúng tiến độ của đề tài NCKH cấp Bộ Công Thương.
Hiện nay, phát triển lĩnh vực logistics được Chính phủ rất quan tâm để hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Thông qua nhiệm vụ KHCN được Sở Bắc Ninh giao thực hiện (giai đoạn từ 05/2020-07/2022), nhà trường đã tiến hành đánh giá khảo sát các đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh để nghiên cứu, phân tích đưa ra giải pháp phát triển hệ thống logistics xanh giúp giảm thiểu ảnh hưởng tác động đến môi trường của ngành logistics.
Song song với các nghiên cứu lớn, trường đã triển khai được nhiều đề tài NCKH sinh viên có chất lượng, đặc biệt có 3 đề tài NCKH sinh viên đạt giải NCKH sinh viên toàn quốc gồm: (1) Nghiên cứu thiết kế hệ thống mạng truyền thông Profinet PLC S7-1200 biến tần Sinamics truyền động cho động cơ 3 pha; (2) Nghiên cứu thiết kế cảm biến mức trong mô hình điều khiển quá trình mức chất lỏng; (3) Tính toán thiết kế chế tạo máy in 3D và xây dựng CSDL về code chương trình của máy in 3D. Bên cạnh đó, trường cũng tổ chức được cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên” với rất nhiều ý tưởng tốt, khả thi, được các chuyên gia và nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. Đặc biệt, ý tưởng “trường học số 4.0” được lọt vào Vòng chung kết cuộc thi sáng tạo khởi nghiệp quốc gia (Top 50).
Hình ảnh cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên (Ảnh: Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp)
Nhà trường hiện đang đẩy mạnh liên kết chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và các vùng lân cận. Qua đó, nhận được rất nhiều tài trợ, đóng góp hỗ trợ về thiết bị phục vụ đào tạo và NCKH như phòng máy tính thiết kế CAD; hệ thống Robot công nghiệp; mô hình dụng cụ - công cụ công nghiệp, các hình thức học bổng… từ các công ty, tập đoàn lớn như Microsoft, Aptech, Toyota, công ty ICHI, công ty Đại Dương…
Cùng với những kết quả ấn tượng đã đạt được, cũng tồn tại một số khó khăn thách thức. Các hoạt động KH&CN dưới hình thức chuyển giao công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm còn rất ít mặc dù nhà trường có rất nhiều tiềm năng về sản phẩm nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí, cơ điện tử, công nghệ thực phẩm.
Mở rộng nghiên cứu công nghệ cao 
Trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp định hướng các đơn vị chuyên môn và các nhóm nghiên cứu tập trung vào các hướng nghiên cứu trong danh mục ưu tiên về KH&CN mà Chính phủ, Bộ Công Thương đã công bố, đồng thời cũng đáp ứng yêu cầu thực tế sản xuất kinh doanh và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Cụ thể, nâng cao năng lực chế tạo máy, đặc biệt là chế tạo máy động lực, máy công cụ, máy CNC, các loại khuôn mẫu và dao cắt có độ chính xác cao; ứng dụng công nghệ sản xuất các chế phẩm vi sinh và sản phẩm thứ cấp từ công nghiệp vi sinh, các chất bảo quản, phụ gia, màu thực phẩm, axit hữu cơ, axit amin, protein..., sản phẩm enzyme (bao gồm cả enzyme tái tổ hợp). Ngoài ra, nghiên cứu hoàn thiện các công nghệ đã có, triển khai nghiên cứu các công nghệ mới, tạo ra các loại đồ uống lên men, nhiên liệu sinh học.
Đặc biệt, trong định hướng phát triển công tác nghiên cứu, nhà trường chú trọng vào các công nghệ nền, công nghệ cơ sở của cách mạng công nghiệp 4.0 như IoT, AI, Big data, Robotics, Machine vision; Deep learning…; Các công nghệ đo lường hiện đại: Đo bằng quang học, Laser, Hồng ngoại, Radar, Siêu âm; Phương pháp đo tiếp xúc, đo không phá hủy. Với lĩnh vực Robot Vision, nhà trường dự kiến đầu tư nghiên cứu  tự động hóa trong sản xuất, các thiết bị/hệ điều khiển tự hành thông minh; chế tạo các sản phẩm robot hoặc ứng dụng công nghệ robot vision, machine vision, xe vận chuyển hàng hoá tự hành (AGV); Máy in 3D khổ lớn tích hợp scanner 3D; Robot di chuyển trên đường dây truyền tải điện cao thế 220kV nhằm phục vụ công tác kiểm tra, sửa chữa…
Mạnh Thắng
lên đầu trang