Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 12/05/2024 | 11:56

Chủ nhật, 12/05/2024 | 11:56

An toàn thực phẩm

Cập nhật lúc 08:55 ngày 23/11/2022

Bắc Giang hướng đến mục tiêu nhân rộng chợ an toàn thực phẩm

Nhằm hạn chế nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã tham mưu xây dựng 2 mô hình thí điểm chợ bảo đảm vệ sinh ATTP gồm: Chợ Hà Vị (năm 2013) và chợ Song Mai (năm 2018). Trong thời gian tới, toàn tỉnh tiếp tục hướng đến mục tiêu nhân rộng mô hình này. 
Theo thông tin từ Sở Công Thương Bắc Giang, toàn tỉnh hiện nay có 132 chợ, trong đó có 1 chợ hạng I (chợ Thương, TP. Bắc Giang, do tỉnh quản lý), 22 chợ hạng II (do cấp huyện quản lý), 109 chợ hạng III (do cấp xã quản lý). 
Mạng lưới chợ đang là loại hình thương mại phát triển phổ biến, có vị trí rất quan trọng trong việc cung ứng và tiêu thụ hàng hóa cho người dân. Có 131/132 chợ là chợ bán lẻ, chủ yếu kinh doanh tổng hợp phục vụ nhu cầu dân sinh, chưa có chợ chuyên doanh, chợ đầu mối. Các ngành hàng kinh doanh chính tại các chợ là thực phẩm tươi sống, tạp hóa, may mặc, thực phẩm công nghệ, nông sản khô và sơ chế…
Nhằm hạn chế nguy cơ mất vệ sinh ATTP, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang đã tham mưu xây dựng 2 mô hình thí điểm chợ bảo đảm vệ sinh ATTP, gồm: Chợ Hà Vị (năm 2013) và chợ Song Mai (năm 2018). Các mô hình được hỗ trợ biển, bảng, pano khẩu hiệu, tuyên truyền về vệ sinh ATTP. Các tiểu thương được hỗ trợ thay mới mặt bàn gỗ bày bán thịt bằng mặt bàn Inox để bảo đảm vệ sinh. Các chợ cũng xây dựng hệ thống thu gom, xử lý nước, rác thải, quy hoạch lại các khu vực bán hàng, bảo đảm hợp vệ sinh. 
Các quầy hàng trong chợ Hà Vị được sắp xếp ngăn nắp, hợp vệ sinh. (Nguồn ảnh: thuonghieucongluan.com.vn/)
Việc xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm vệ sinh ATTP đã mang lại nhiều kết quả tích cực trong việc quản lý ATTP. Chính vì vậy, trong thời gian tới, Sở Công Thương Bắc Giang hướng tới mục tiêu nhân rộng các mô hình chợ bảo đảm vệ sinh ATTP tại nhiều khu vực khác trên địa bàn. 
Tuy nhiên, cũng theo đại diện Sở Công Thương Bắc Giang, hiện tại việc nhân rộng các mô hình chợ bảo đảm vệ sinh ATTP còn gặp nhiều khó khăn, một phần là do cơ sở vật chất hạ tầng các chợ trên địa bàn tỉnh thấp, đặc biệt là chợ ở nông thôn. Đa số các chợ chưa có hệ thống xử lý chất thải, nhiều chợ nền chưa được bê tông hoá. 
Cùng với đó, việc hình thành và quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm từ khâu sản xuất đến tiêu dùng chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động của ban quản lý hoặc tổ quản lý chợ chủ yếu thực hiện chức năng thu phí. Nhiều nội dung quản lý chợ còn buông lỏng, nhất là công tác vệ sinh ATTP.
Như vậy, để nhân rộng mô hình chợ bảo đảm vệ sinh ATTP, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng xã nông thôn mới (NTM) nâng cao. Các xã có chợ khi xây dựng đạt tiêu chí NTM nâng cao cần đáp ứng chỉ tiêu có mô hình chợ bảo đảm vệ sinh ATTP, hoặc đáp ứng yêu cầu chung theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm. 
Trong quá trình cấp phép đầu tư hạ tầng chợ phải yêu cầu tiêu chuẩn về chợ bảo đảm ATTP; chú trọng quy hoạch tổng thể chợ và thiết kế chi tiết khu bán hàng thực phẩm, bảo đảm thuận tiện khi mua bán, ATTP, vệ sinh môi trường. Các ngành liên quan và chính quyền địa phương phối hợp quản lý ATTP từ khâu sản xuất, lưu thông đến tiêu thụ. 
Ngoài ra, cần thiết lập và duy trì hoạt động chuỗi liên kết sản xuất - cung ứng - tiêu thụ. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, đồng thời khuyến khích, hỗ trợ nông dân và tiểu thương sản xuất, kinh doanh nông sản bảo đảm ATTP. Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, sớm phát hiện mối nguy mất ATTP và xử lý các trường hợp vi phạm.
Phương Loan
lên đầu trang