Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 11/05/2024 | 02:21

Thứ bảy, 11/05/2024 | 02:21

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:08 ngày 31/03/2023

Đại học Công nghiệp Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết Dự án Lab-Movie

Trong 3 ngày từ 27 - 29/3/2023, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phối hợp với Đại học Hà Nội tổ chức Tập huấn – Hội thảo “Báo cáo – Lan tỏa kết quả dự án Giám sát thị trường lao động trong các trường đại học của Việt Nam”.
Theo đó, Dự án Giám sát thị trường lao động trong các trường đại học của Việt Nam (Lab-Movie) là dự án nâng cao năng lực thuộc Chương trình Erasmus+ trong lĩnh vực giáo dục đại học do Ủy ban châu Âu tài trợ. Trong đó, Trường Đại học Padova giữ vai trò điều phối dự án phía châu Âu và trường Đại học Hà Nội giữ vai trò điều phối viên dự án phía Việt Nam. 
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: haui.edu.vn/)
Tham dự hội thảo, có sự hiện diện của Ban quản lý dự án và các diễn giả đến từ các tổ chức, trường đại học ở châu Âu như: Đại học Padova, Tổ chức StePS (Ý); Đại học Salamanca (Tây Ban Nha); Đại học Nova de Lisbon (Bồ Đào Nha). Về phía đại diện các trường đại học Việt Nam tham gia dự án có: đại diện Trường Đại học Hà Nội; Trường Đại học Nguyễn Tất Thành; Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh; Đại học Thái Nguyên; Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội; Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Ngoài ra, Hội nghị còn có sự tham gia của đại diện các trường đại học, tổ chức khách mời như: Trường Đại học Quảng Ninh; Trường Đại học Công nghiệp Dệt may HN; Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội; Trường Đại học Đại Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Thành phố Hà Nội và gần 20 doanh nghiệp tại Việt Nam.
Mở đầu Hội thảo, PGS.TS. Lê Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Công nghiệp Hà Nội vì đã có những hỗ trợ cho nhà trường và các em sinh viên trong việc định hướng nghề nghiệp tương lai. Đặc biệt, bất chấp những ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 gây ra, Dự án Lab-Movie vẫn được triển khai rất tích cực, chuyên nghiệp và hiệu quả, góp phần hiện thực hóa được nhiều mục tiêu quan trọng. 
Đồng quan điểm với PGS.TS. Lê Hồng Quân, TS.Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng HaUI cho rằng, mục tiêu của dự án phù hợp với định hướng đào tạo của Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội trong nhiều năm qua. Đó là đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, đóng góp vào sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang tác động sâu và rộng vào khoa học công nghệ cũng như tất cả các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội hiện nay.
TS. Kiều Xuân Thực - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: haui.edu.vn/)
"Hệ thống giáo dục và doanh nghiệp cần hợp tác chặt chẽ để đưa ra những giải pháp hữu ích giúp sinh viên ra trường có chuyên môn vững và kỹ năng phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động hiện nay. Điều này sẽ được thực hiện một cách hiệu quả thông qua một cổng thông tin cho phép kết nối tất cả các đối tượng: nhà tuyển dụng, sinh viên và đơn vị đào tạo. Nhà trường sẽ rà soát và cập nhật nội dung của chương trình đào tạo bám sát nhu cầu thực tế xã hội, giảm nội dung lý thuyết, tăng cường thực hành nghề nghiệp" - TS. Kiều Xuân Thực nhấn mạnh. 
Đánh giá về tính hiệu quả của dự án, bà Anna Boaretto (Đại học Padova, Ý) - đại diện đơn vị thực hiện dự án cho biết, Lab-Movie là dự án được tích hợp nhiều tính năng công nghệ, được thiết lập trên nền tảng Web cho phép các trường đại học dễ dàng thu thập, xử lý thông tin thị trường lao động. Qua đó, giúp cung cấp thông tin tổng quan hữu ích cho sinh viên về yêu cầu năng lực, kỹ năng từ phía doanh nghiệp; các vị trí việc làm phù hợp với ngành đào tạo để kết nối việc làm với doanh nghiệp; đồng thời giúp các trường đại học điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.
Sau phần chia sẻ của đại diện các đơn vị là 2 phiên thảo luận chính của Hội nghị, với phiên thứ nhất được thực hiện với nội dung “Hội thảo và tập huấn Dự án Lab-Movie”. Tại phiên thảo luận, 05 trường đại học tại Việt Nam là thành viên của dự án đã lần lượt báo cáo về phiên bản cuối của Nền tảng Web cung cấp thông tin giám sát, nắm bắt thị trường lao động Việt Nam, nổi bật với hai vấn đề: lĩnh vực thực phẩm do nhóm nghiên cứu Học viện Nông nghiệp Việt Nam phụ trách và lĩnh vực Du lịch do nhóm nghiên cứu Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Đại học Thái Nguyên phụ trách. Sau phần báo cáo của đại diện các đơn vị, hội thảo đã tiến hành trao đổi, thảo luận các chủ đề liên quan tới LMO.
Đại diện các đơn vị chụp ảnh lưu niệm (Ảnh: haui.edu.vn/)
Trong khi đó ở phiên thứ hai, các đại biểu tham dự Hội thảo đã được nghe 05 báo cáo và một số ý kiến đóng góp với nội dung rất sâu sắc, cụ thể, sát thực, liên quan đến nền tảng LMO, các kết quả chính và lợi ích cho sinh viên hướng dẫn trải nghiệm nền tảng LMO, vai trò của giám sát, nắm bắt thị trường lao động. Trong đó, ThS. Nguyễn Thị Ánh Tuyết (Trường Đại học Hà Nội) đã trình bày báo cáo Khảo sát nhu cầu thị trường lao động đối với các trường đại học của Việt Nam; TS. Nguyễn Tuấn Anh (Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) trình bày báo cáo Vai trò của LMO – cầu nối giữa đào tạo với thị trường lao động.
Bên cạnh việc báo cáo các nội dung đã triển khai, tại hội thảo còn diễn ra phần giải đáp các thắc mắc giữa chuyên gia, đại diện các trường và doanh nghiệp trong việc thực hiện xây dựng nội dung Web, bao gồm việc phát triển các chuyên mục, hình ảnh; xây dựng các cơ sở dữ liệu về yêu cầu của các doanh nghiệp đối với các vị trí việc làm; từ đó, các sinh viên có thể hiểu hơn về yêu cầu của nhà tuyển dụng, đồng thời nhà tuyển dụng có thể tìm kiếm được các ứng viên phù hợp với doanh nghiệp của mình. Các báo cáo đều được nhìn nhận, đánh giá dưới nhiều góc độ, giúp mở ra bức tranh tổng quan, đúng thực tiễn các nền tảng Web LMO tại các nhóm nghiên cứu. Nhờ đó, nền tảng Web LMO đã được giới thiệu và lan tỏa rộng rãi đến các trường đại học, sinh viên và doanh nghiệp; trở thành cầu nối thông tin thu hẹp khoảng cách giữa kết quả đào tạo và nhu cầu doanh nghiệp.
Dự án Lab-Movie được triển khai từ năm 2020, dưới sự chủ trì của Đại học Padova (Ý) và sự tài trợ bởi quỹ Eramus+ của Liên minh châu Âu. Khi tham gia dự án, các trường đại học sẽ được cung cấp thông tin hữu ích cho sinh viên, góp phần xây dựng hệ thống tìm kiếm việc làm và điều chỉnh phương hướng đào tạo của các trường đại học theo nhu cầu các công ty và doanh nghiệp. Ngoài ra, dự án còn mang đến một số kết quả gián tiếp như hỗ trợ phát triển nền kinh tế tri thức, hỗ trợ cho các doanh nghiệp địa phương, tạo việc làm, tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống.

Quang Ngọc
lên đầu trang