Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 13/05/2024 | 17:14

Thứ hai, 13/05/2024 | 17:14

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 10:35 ngày 14/04/2023

Phát triển công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cá chình

Đề tài được thực hiện có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển nghề nuôi cá chình tại nước ta phát triển bền vững, hạn chế phụ thuộc vào nguồn thức ăn nhập khẩ.
Trong những năm gần đây, nghề nuôi cá chình ở nước ta đã có sự phát triển nhanh chóng, hướng tới trở thành nước có sản lượng cá chình hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, với sự phát triển ồ ạt, không có định hướng rõ ràng, kết hợp với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sử dụng thức ăn tạp để nuôi cá đã gây ra những hệ lụy như môi trường nuôi và dịch bệnh khó kiểm soát, giá trị chất lượng và năng suất cá thu được thấp. Đối với một số cơ sở sản xuất lớn, việc nuôi cá chình cũng gặp phải trở ngại do yêu cầu về đầu ra chất lượng, phải sử dụng những thức ăn công nghiệp nhập khẩu từ nước ngoài, tạo ra sự phụ thuộc không hề nhỏ vào các quốc gia sản xuất cũng như gây ảnh hưởng lớn đến biên độ lợi nhuận của các doanh nghiệp.
Cá chình là một trong những loài thủy sản mang lại thu nhập cao cho người dân (Ảnh: phuyen.info.vn/)
Do đó, để đảm bảo cho nghề nuôi cá chình ở nước ta được phát triển bền vững, việc nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp, phục vụ nuôi cá chình là yêu cầu quan trọng, góp phần đảm bảo cho sự phát triển của nghề này trong tương lai.
Từ thực tiễn và yêu cầu đề ra, Bộ Công Thương đã giao cho Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III thực hiện Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cá chình” nhằm hoàn thiện công nghệ, thiết bị ứng dụng enzym để sản xuất thức ăn công nghiệp (dạng bột mịn) nuôi cá chình giống và thương phẩm, góp phần hạn chế nhập khẩu, nâng cao hiệu quả kinh tế nghề nuôi cá chình tại Việt Nam. Đề tài do ThS. Hoàng Văn Duật làm chủ nhiệm, phối hợp cùng các cộng sự Trần Thị Thu Hiền, Bùi Thị Thùy Nhung, Nguyễn Đức Tú tiến hành nghiên cứu và thử nghiệm tại tỉnh Khánh Hòa. 
Theo chia sẻ của ThS. Hoàng Văn Duật, dựa trên những đặc điểm và hạn chế của hoạt động nuôi cá chình tại Việt Nam như hiện tại, việc nghiên cứu, phát triển ra dòng sản phẩm chăn nuôi dành riêng cho cá chình là yêu cầu thực tiễn cần phải nhanh chóng triển khai. Kết quả thu được vừa giúp cải thiện chi phí sản xuất, đồng thời giải quyết các khuyết điểm còn tồn tại như: tỷ lệ chuyển hóa thức ăn cao gây khó khăn trong quản lý chất lượng nước; thức ăn chưa đạt chuẩn về kích thước hạt (độ mịn), độ tan làm giảm khả năng tiêu hóa gây thất thoát thức ăn, làm ô nhiễm môi trường nước trong ao nuôi, giảm hiệu quả kinh tế… 
Dựa trên những nhược điểm được nhìn nhận, nhóm tác giả đã tiến hành nghiên cứu, tìm kiếm nguyên liệu, xây dựng bộ công thức sản xuất thức ăn chăn nuôi cá chình. Theo đó, thức ăn dành cho cá được nhóm nghiên cứu tổng hợp từ các nguyên liệu đầu vào, phát triển theo dạng bột mịn thành 03 công thức thức ăn gồm: CTTP1: công thức cho cá chình thương phẩm 1; CTTP2: công thức cho cá chình thương phẩm 2 và CTTP3: công thức cho cá chình thương phẩm 3). Đồng thời, nhóm cũng thiết lập 3 công thức với hàm lượng Protein 46,3 - 46,9%, Lipid 5,6 - 5,7% kết hợp với thành phần các nhóm nguyên liệu phối trộn có tỉ lệ như nhau. Riêng với bột cá và bột trùn quế có sự khác nhau giữa công thức 1, 2 và 3 lần lượt là 20%, 24%; 28% và 8%, 4%, 0% nhằm đánh giá hiệu quả của việc bổ sung bột trùn quế vào thành phần thức ăn cho cá chình.
Tiếp tục thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã triển khai quá trình thử nghiệm, xác định công thức sản phẩm phù hợp có thời gian thử nghiệm kéo dài trong 6 tháng (182 ngày), với cá bố trí ngẫu nhiên trong 9 bể xi măng có thể tích 20m3/bể và mật độ 20 con/m3. Tiến hành cho cá ăn 2 lần mỗi ngày vào 5h và 17h, trực tiếp theo dõi, quan sát để điều chỉnh lượng thức ăn phù hợp với khả năng bắt mồi của cá. Kết hợp với đó là theo dõi, đảm bảo môi trường không gian yên tĩnh, tiến hành vệ sinh đáy, thay nước ngày 1 lần… 
Qua quá trình thực nghiệm, nhóm nghiên cứu tiến hành đánh giá, ghi nhận cả 03 công thức được thử nghiệm đều cho kết quả khả quan. Trong đó, CTTP2 có kết quả tốt nhất, cho lượng cá thu được có tốc độ tăng trưởng cao cùng tỷ suất lợi nhuận, biên độ lãi hiệu quả hơn 02 công thức còn lại. Đồng thời, kết quả này cũng đáp ứng các chỉ tiêu kỹ thuật và hiệu quả kinh tế, giải quyết được các yêu cầu đề ra của nghiên cứu.
Với kết quả thu được của nghiên cứu đã bổ sung thêm công nghệ mới trong việc phát triển sản xuất thức ăn công nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế, thúc đẩy nghề nuôi cá chình ở Việt Nam theo hướng công nghiệp, bền vững. Đồng thời, thành công của Dự án cũng giúp các doanh nghiệp dễ dàng áp dụng công nghệ để sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cá chình, giảm sự phụ thuộc vào nguồn thức ăn nhập khẩu. Hiện, đề tài đang được tiếp tục hoàn thiện nhằm xây dựng hoàn chỉnh quy trình nuôi cá chình dành cho cả cá giống và cá thương phẩm.
Quang Ngọc
lên đầu trang