Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 15/05/2024 | 12:50

Thứ tư, 15/05/2024 | 12:50

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:10 ngày 11/08/2021

Tổng công ty Điện lực TP.HCM lấy con người là trung tâm của chuyển đổi số

Để tăng tốc lực hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số và sớm trở thành doanh nghiệp (DN) chuyển đổi số toàn diện, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) đang triển khai hàng loạt giải pháp để cải thiện công nghệ, nâng chất nguồn nhân lực.
Với đội ngũ chuyên gia giỏi, công nhân lành nghề và kỹ sư ASEAN, EVNHCMC tự tin hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025
Trong đó, tập trung vào đào tạo và xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ quốc tế là một trong những giải pháp trọng tâm để ngành điện bứt phá, góp sức xây dựng TP thành đô thị thông minh.
"Trong quá trình chuyển đổi số, công nghệ là phương tiện và con người là yếu tố quyết định sự thành công." - Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc EVNHCMC nhấn  mạnh.
Quy tụ đội ngũ nhân lực chất lượng cao
Một con số bất ngờ là trong số 322 kỹ sư người Việt được công nhận chứng chỉ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN, có đến gần phân nửa (148 người) là kỹ sư của EVNHCMC. 
Đây là chứng chỉ có uy tín quốc tế về chuyên môn với quy trình công nhận khắt khe, cho thấy chất lượng nguồn nhân lực của ngành điện TP đang vượt trội, đáp ứng nhiệm vụ cung cấp điện cho TP đầu tàu của cả nước. Đặc biệt, tổng công ty cũng có nguồn nhân lực được đào tạo bài bản với 6 tiến sĩ, 403 thạc sĩ, 66 chuyên gia và 245 công nhân lành nghề... sẵn sàng đồng hành với TP để xây dựng đô thị thông minh.
Ông Nguyễn Văn Thanh - tổng giám đốc EVNHCMC - cho biết thời gian qua tổng công ty đã chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý có kỹ năng quản trị DN chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập khu vực và thế giới.
Do đó, ngành điện TP đã xác định mục tiêu của giai đoạn 2020-2025 là tập trung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực. Trong đó, hướng đến nguồn nhân lực có trình độ quốc tế, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, xây dựng TP thông minh. Đặc biệt, điểm nhấn là đào tạo nguồn nhân lực về lưới điện thông minh, DN số, Big data (dữ liệu lớn), trí tuệ nhân tạo, không gian lưới điện ngầm, nguồn nhân lực tham gia thị trường điện cạnh tranh...
Ông Thanh cho hay tổng công ty đã đào tạo, xây dựng đội ngũ các nhóm chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực chuyên môn - kỹ thuật để có trình độ quốc tế với mục tiêu đủ năng lực để nghiên cứu, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư vào hoạt động của ngành điện TP cũng như thực hiện chuyển đổi số DN.
Bên cạnh việc bồi dưỡng trình độ tay nghề, ông Thanh cho biết EVNHCMC cũng xây dựng môi trường làm việc thân thiện, nâng cao kỹ năng làm việc chuyên nghiệp cho người lao động, tăng năng suất lao động, theo kịp mức tăng năng suất lao động của các công ty điện lực dẫn đầu trong khu vực.
EVNHCMC làm chủ công nghệ sửa chữa đường dây mang điện Live-line
"Không ai bị bỏ lại phía sau"
Để đạt được mục tiêu đến năm 2022 cơ bản hoàn thành quá trình chuyển đổi số và đến năm 2025 trở thành DN số toàn diện, ông Nguyễn Văn Thanh cho biết ngoài thay đổi nhận thức của người lao động về chuyển đổi số, tổng công ty sẽ triển khai hàng loạt giải pháp để đào tạo, đảm bảo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số với cam kết "không ai bị bỏ lại phía sau".
Cụ thể, ông Thanh cho hay giai đoạn 2021-2025 EVNHCMC phấn đấu 100% cán bộ quản lý đáp ứng tiêu chuẩn ngoại ngữ theo quy chế của EVN và của tổng công ty. Toàn bộ các lao động được công nhận kỹ sư ASEAN đạt chứng chỉ PMP (chứng chỉ về quản lý dự án) được duy trì và gia hạn hiệu lực của chứng chỉ, lực lượng chuyên gia được công nhận sẽ tham gia đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực chuyên môn.
Đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, tổng công ty sẽ đào tạo và phát triển chuyên gia đầu ngành đủ sức triển khai các thành tựu CMCN 4.0 vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, ưu tiên nguồn nhân lực thuộc các lĩnh vực liên quan đến đề án áp dụng CMCN 4.0 của tổng công ty.
Theo ông Thanh, tổng công ty sẽ tiếp tục thực hiện đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động đạt tối thiểu 40 giờ/năm, trong đó toàn bộ người lao động sẽ được nâng cao trình độ tin học để đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại CMCN 4.0.
Đặc biệt, EVNHCMC đã áp dụng mô hình đào tạo nội bộ 70 - 20 - 10 (70% học qua thực tiễn công việc, 20% học qua đồng nghiệp và bạn bè, 10% học chính thức thông qua các khóa học ngắn hạn) để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đồng thời, tổng công ty cũng đã chủ động hoàn thiện hệ thống đào tạo trực tuyến, đa dạng với nhiều hình thức bao gồm khung chương trình đào tạo cho các hệ thống chức danh thông qua hệ thống E-learning do đội ngũ chuyên gia, công nhân lành nghề, kỹ sư ASEAN, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp, cán bộ quản lý biên soạn nội dung.
Ngoài ra, EVNHCMC cũng đang từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý sử dụng lao động (HRMS), thực hiện số hóa và ứng dụng những công cụ thông minh hỗ trợ công tác quản trị nguồn nhân lực để đáp ứng tiêu chí của một DN chuyển đổi số toàn diện.
Theo: Báo Tuổi trẻ

Tag:
lên đầu trang