Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 16:25

Chủ nhật, 05/05/2024 | 16:25

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 11:28 ngày 02/08/2022

Kết quả và định hướng phát triển của Trung tâm Thiết kế & Công nghệ chế tạo máy

1. Kết quả hoạt động của Trung tâm 
1.1. Thông tin chung
- Tên đơn vị: 
Tiếng Việt: Trung tâm Thiết kế & Công nghệ chế tạo máy (TKCN); 
Tiếng Anh:  Design and Manufacturing Technology Center.
 Nhân lực: 18 cán bộ viên chức (CBVC), trong đó có 01 tiến sĩ, 02 thạc sĩ và 15 kỹ sư, cử nhân về lĩnh vực cơ khí – điện, tự động hóa.
- Quá trình thành lập:
Phòng Công nghệ được thành lập từ năm 1968 có nhiệm vụ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ gia công mới vào sản xuất như công nghệ gia công biến dạng dẻo, công nghệ hàn nổ bibitan, công nghệ gia công đặc biệt (điện hóa, xung điện,..), công nghệ mạ, công nghệ phục hồi và chế tạo bạc trượt; Thiết kế và cung cấp dây chuyền thiết bị đồng bộ cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, năng lượng, bia, phân bón. Từ năm 2007 đến nay được đổi tên thành Trung tâm Thiết kế và Công nghệ chế tạo máy để đáp ứng tình hình nhiệm vụ trong giai đoạn mới theo sự phân công của Viện Nghiên cứu Cơ khí. 
- Chức năng, nhiệm vụ:
+ Tổ chức thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ các cấp thuộc lĩnh vực cơ khí chế tạo máy;
+ Tư vấn, thiết kế, chế tạo, cung cấp dịch vụ kỹ thuật, máy và thiết bị (cơ khí – điện tự động hóa), thiết bị đồng bộ cho công nghiệp sản xuất xi măng, nhiệt điện, thủy điện,…; 
+ Thẩm định thiết kế và thiết bị trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị nhiệt điện, thiết bị mạ;
+ Tư vấn, thiết kế, chế tạo, kinh doanh, cung cấp phụ tùng, máy và thiết bị theo yêu cầu của khách hàng.
1.2. Một số kết quả đạt được trong nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh
- Hoạt động nghiên cứu khoa học: 
Hàng năm, đơn vị tích cực nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các đề tài/nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) các cấp. Trong giai đoạn (2000 – 2021), Trung tâm chủ trì thực hiện được 16 đề tài KHCN các cấp (gồm có 06 đề tài cấp Nhà nước, 08 đề tài cấp Bộ Công Thương, 02 đề tài cấp Viện). Các đề tài KHCN được nghiên cứu đều gắn với thực tiễn sản xuất và có 02 sản phẩm KHCN (thiết bị lọc khuấy lắng Lauter và thiết bị làm mát xỉ đáy lò hơi CFB) trở thành sản phẩm truyền thống của Trung tâm. Tích cực tham gia viết bài cho các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế.
- Hoạt động sản xuất kinh doanh:
Tập trung vào nhiệm vụ: thiết kế, chế tạo thiết bị/dây chuyền thiết bị đồng bộ cho một số dự án công nghiệp thuộc lĩnh vực năng lượng, vật liệu xây dựng,… và cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị, phụ tùng (cơ khí và thiết bị điện) phục vụ cho công tác sửa chữa hàng năm của các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, nhà máy thép và xi măng,… Chất lượng sản phẩm cung cấp được các đối tác khách hàng đánh giá cao.
- Doanh thu ký hợp đồng: Doanh thu bình quân 3 năm gần nhất (2019, 2020, 2021): đạt 61,89 tỷ đồng.
1.3. Một số sản phẩm tiêu biểu 
- Máy lọc khuấy lắng Lauter cho dây chuyền bia (5-40) triệu lít/năm.
Hình 1. Máy lọc khuấy lắng Lauter
- Thiết bị làm mát xỉ đáy lò hơi CFB nhà máy nhiệt điện đốt than.

Hình 2. Thiết bị làm mát xỉ đáy lò hơi CFB
- Các sản phẩm là dây chuyền đồng bộ:
   
Hình 3. Dây chuyền xuất tro bay ra cảng – NMNĐ Duyên Hải
Hình 4. Hệ thống trạm dầu và hệ điều khiển trọn bộ cho Cửa nhận nước – NMTĐ Ialy
- Hệ thống tự động hóa cho Nhà máy:
   
Hình 5. FAT hệ thống điều khiển Hệ thống thải tro sỉ - NMNĐ Nghi Sơn 2
Hình 6. Nghiệm thu hoàn thành Dự án Nâng cấp Hệ thống điều khiển – NMTĐ Hòa Bình
1.4.Các  giải thưởng
* Giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam- VIFOTEC: 
- Giải Nhất Sáng tạo KH&CN Việt Nam 2002 cho công trình “Máy lọc khuấy lắng LAUTER”, sử dụng trong dây chuyền sản xuất bia công suất (5-40) triệu lít/năm;
- Giải Ba Sáng tạo KH&CN Việt Nam 2002, Huy chương Tuổi trẻ sáng tạo cho công trình “Máy đóng bao bột siêu mịn tự động – ĐBTĐ 3”.
- Giải Ba Sáng tạo KH&CN Việt Nam 2016: Nghiên cứu công nghệ phục hồi bạc trượt của Tuabin trong các nhà máy nhiệt điện đốt than 300MW bằng vật liệu Babit.
- Giải Nhì Sáng tạo KH&CN Việt Nam năm 2017 cho công trình “ Nghiên cứu thiết kế và chế tạo hệ thống thải tro xỉ cho lò hơi đốt than công nghệ CFB, ứng dụng trong công nghiệp sản xuất điện năng từ than chất lượng thấp tại Việt Nam”.
* Bằng Độc quyền giải pháp hữu ích năm 2018: ” Thiết bị làm mát xỉ cho lò hơi đốt than tầng sôi tuần hoàn”.
Ngoài ra, các cán bộ trong Trung tâm còn nhận được một số Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bằng khen của Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bằng khen của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam v.v...
2. Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện
- Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt của thị trường, cùng với một số yếu tố khách quan tác động như: diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19 và các biến cố trong quan hệ giữa Mỹ, EU với Nga tiếp tục căng thẳng, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh Nga và Ukraine - một sự kiện vượt quá những gì thường được dự kiến và có những hậu quả nghiêm trọng, gây bất ngờ và xáo trộn mọi dự tính khiến giá cả nguyên vật liệu tăng cao ngoài tầm kiểm soát.
- Khó khăn về vốn vay ngân hàng để thực hiện các hợp đồng kinh tế có giá trị lớn khi hạn mức vay của đơn vị theo quy định của Viện đã hết.
- Khó khăn cơ chế chính sách để thu hút nhân tài như bị giới hạn mức trần lương…
3. Định hướng phát triển của Trung tâm 
3.1. Mục tiêu
Xây dựng, phát triển Trung tâm TKCN trở thành một trong các đơn vị mạnh của Viện có các sản phẩm truyền thống gắn chặt sản phẩm nghiên cứu khoa học với hoạt động sản xuất kinh doanh đảm bảo sự phát triển bền vững, ổn định và nâng cao đời sống CBVC theo định hướng chiến lược phát triển của Viện.
3.2. Định hướng phát triển
- Hoạt động KHCN: Tích cực nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ KHCN các cấp với tiêu chí: bám sát nhu cầu thực tế, ứng dụng được vào các cơ sở sản xuất, làm tiền đề tạo sản phẩm truyền thống của Trung tâm. Định hướng nghiên cứu vào một số lĩnh vực sau:
+ Về lĩnh vực nhiệt điện: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao trong môi trường làm việc khắc nghiệt thay thế nhập ngoại cho các nhà máy sản xuất công nghiệp nói chung và nhà máy nhiệt điện đốt than tại Việt Nam nói riêng;
+ Về lĩnh thủy điện: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị lọc bụi chổi than máy phát, thiết bị hệ thống nước làm mát,... cho các nhà máy thủy điện thay thế nhập ngoại; nghiên cứu hệ thống thiết bị trạm thủy điện nhỏ từ các hồ thủy lợi ở Việt Nam.
+ Về lĩnh vực năng lượng tái tạo: Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 có xét đến năm 2050, Trung tâm sẽ từng bước nghiên cứu, tiếp cận để tham gia, phát triển thị trường cho lĩnh vực này;
+Lĩnh vực khác: Nghiên cứu thiết bị làm sạch bề mặt chi tiết cơ khí thay thế công nghệ làm sạch truyền thống; nghiên cứu công nghệ gia công tiên tiến và chế tạo sản phẩm (nồi, cọc, trục suốt,..) đáp ứng nhu cầu trong nước thay thế nhập ngoại cho các nhà máy sản xuất sợi, dệt tại Việt Nam.
- Hoạt động sản xuất kinh doanh: Tập trung quản lý, khai thác tốt và có hiệu quả về cung cấp thiết bị, phụ tùng thay thế cho các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, nhà máy thép, xi măng,... là khách hàng truyền thống của Trung tâm. Một số sản phẩm chính được chế tạo cung cấp cho khách hàng, gồm có:
+ Thiết bị làm mát xỉ đáy lò hơi CFB nhà máy nhiệt điện;
+ Thiết bị làm mát không khí, làm mát dầu;
+ Khớp giãn nở nhiệt, khớp nối răng kích thước lớn;
+ Sửa chữa, phục hồi các loại van cao áp cho các nhà máy công nghiệp;
+ Các bạc đỡ kích thước lớn cho máy nghiền, trục tua bin – máy phát,..
+ Các máy và thiết bị vận chuyển: gầu tải (dạng xích, băng), vit tải, băng tải, sàng rung, máy cấp liệu, máy nghiền, lọc bụi túi.
+Hệ thống điện và điều khiển cho thiết bị/dây chuyền thiết bị sản xuất trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, vật liệu xây dựng và một số ngành công nghiệp khác.
Song song với nhiệm vụ trên, Trung tâm TKCN sẽ phối hợp với các Trung tâm khác đảm nhận và hoàn thành tốt các công việc theo chỉ đạo và phân công theo định hướng của Viện.
3.3. Xây dựng nguồn lực 
Căn cứ vào mục tiêu phát triển của đơn vị trong giai đoạn tới, Trung tâm sẽ xây dựng phát triển nguồn nhân lực với số lượng CBVC khoảng 25 người có chuyên môn về ngành cơ khí và điện – tự động hóa theo tiêu chí sau:
- Xây dựng nguồn nhân lực thực hiện công việc nghiên cứu khoa học các cấp theo hướng nghiên cứu phát triển ứng dụng, bám sát nhu cầu thực tế của xã hội;
- Xây dựng đội ngũ kỹ sư thiết kế, chế tạo liên quan các công việc về cơ khí chế tạo máy, hệ thống điện, điện tự động hóa để phục vụ nhanh có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu các khách hàng truyền thống của Trung tâm;
- Từng bước hình thành các đội ngũ kỹ sư cơ khí, kỹ sư điện, điện tự động hóa có năng lực chuyên môn đáp ứng công việc trong các dự án thiết bị đồng bộ theo định hướng và yêu cầu ngày càng cao của Viện.
- Trình độ ngoại ngữ: đáp ứng yêu cầu giao tiếp và làm việc trực tiếp được với chuyên gia nước ngoài.
4. Kết luận và kiến nghị
4.1. Kết luận
- Về tình hình hoạt động KH&CN: đã theo sát chỉ đạo của Viện về công tác nghiên cứu khoa học, bám sát chiến lược xây dựng và phát triển ngành cơ khí chế tạo Việt Nam, đáp ứng nhu cầu sản xuất, thay thế sản phẩm nhập ngoại. Trong thời gian qua, Trung tâm đã phát huy được sức mạnh của đội ngũ cán bộ khoa học, đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ của các đề tài KHCN các cấp và đạt được một số giải thưởng;
- Về hoạt động sản xuất kinh doanh: Đã bám sát nhu cầu của các doanh nghiệp, thực hiện tốt công tác cung cấp các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị phụ tùng thay thế cho các khách hàng, hoàn thành tốt các chỉ tiêu doanh thu và nâng cao đời sống CBVC hàng năm.
4.2. Kiến nghị:
- Kiến nghị với các Bộ chủ quản: Đề nghị các Bộ nhanh chóng ban hành các chính sách và gỡ bỏ các giới hạn về lương – thưởng nhằm giữ chân và thu hút nhân tài phục vụ cho Viện và Trung tâm.
- Kiến nghị với Viện: Đề nghị Viện quan tâm, hỗ trợ Trung tâm hơn nữa về công việc, để Trung tâm được cùng tham gia thực hiện một số Dự án lớn của Viện. 
Ban lãnh đạo Trung tâm Thiết kế & Công nghệ chế tạo máy
(Nguồn: Tập san "Viện Nghiên cứu Cơ khí 60 năm lớn mạnh cùng Đất nước")

lên đầu trang