Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 13/05/2024 | 14:28

Thứ hai, 13/05/2024 | 14:28

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 12:14 ngày 28/03/2023

Sinh viên ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp giành giải ba tại SV_STARTUP lần thứ V

Tham gia “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia học sinh, sinh viên” (SV_STARTUP) lần thứ V, đội thi đến từ Trường Đại học Kinh tế – Kỹ thuật Công nghiệp (Uneti) đã xuất sắc giành giải Ba cuộc thi với Dự án “Thiết kế hệ thống biển quảng cáo sử dụng module ma trận LED”. 
Trong hai ngày 25-26/3/2023, tại thành phố Huế đã diễn ra Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên (SV_STARTUP) lần thứ V do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức. Đây là hoạt động thường niên nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp của học sinh, sinh viên, giúp các em thay đổi tư duy, nhận thức, dám nghĩ, dám làm; đồng thời, là cơ hội để tăng cường các hoạt động kết nối, xúc tiến đầu tư đối với các ý tưởng, dự án khởi nghiệp của học sinh, sinh viên có tính khả thi cao.
Tham gia cuộc thi năm nay, nhóm sinh viên gồm Nguyễn Minh Tâm, Nguyễn Tuyết Anh, Nguyễn Đức Vương, Dương Trọng Mạnh và Nguyễn Thị Ngọc Anh đến từ Trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật Công nghiệp (Uneti) đã mang đến dự án “Thiết kế hệ thống biển quảng cáo sử dụng module ma trận LED”. Dự án đăng ký tham gia trong lĩnh vực công nghiệp, chế tạo sản phẩm, được Hội đồng giám khảo đánh giá cao về tính ứng dụng trong thực tiễn, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng của hệ thống biển quảng cáo cho người sử dụng.
Sản phẩm biển quảng cáo sử dụng module ma trận LED của nhóm (Nguồn ảnh: Nhóm sinh viên Uneti)
Sản phẩm có tính năng thay đổi code hiệu ứng, nội dung, chữ hiển thị nhanh chóng, liên tục thông qua App (Nguồn ảnh: Nhóm sinh viên Uneti)
Theo bạn Nguyễn Minh Tâm - đại diện dự án, trên thị trường hiện nay có rất nhiều công ty thiết kế biển quảng cáo, với đa dạng mẫu mã, chủng loại. Tuy nhiên, phần lớn các biển quảng cáo được sản xuất trên thị trường đều gặp phải những hạn chế như: giá thành cao, khả năng hiển thị thông tin ít, trong khi quá trình sử dụng luôn yêu cầu hoạt động chiếu sáng 24/24. Về lâu dài, những hình ảnh và tính năng cũ lặp đi lặp lại sẽ khiến người xem cảm thấy nhàm chán, giảm khả năng thu hút khách hàng. Do đó, nhóm đã tiến hành thực hiện dự án “Thiết kế hệ thống biển quảng cáo sử dụng module ma trận LED” để khắc phục những hạn chế nêu trên. 
“Trong dự án này, nhóm đã tự thực hiện phần lớn các công đoạn như: thiết kế các bộ mạch vi điều khiển, mạch nguồn theo kích thước chung; tự viết code lập trình và lắp đặt sản phẩm… Do đó, khi đối tác có nhu cầu sử dụng, nhóm có thể dễ dàng chuyển giao công nghệ và kỹ thuật, giúp người dùng có thể tự thao tác và lắp đặt một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, sản phẩm của nhóm còn hiển thị được cả video hình ảnh và âm thanh, đồng thời có thể thay đổi được code hiệu ứng và nội dung chữ hiển thị nhanh chóng, liên tục thông qua phần mềm hỗ trợ. Một điều đặc biệt nữa là ngoài giá thành rẻ hơn so với thị trường thì sản phẩm của nhóm em còn có tuổi thọ cao và tiết kiệm điện năng” - bạn Tâm cho hay. 
Được biết, để giành được giải thưởng của cuộc thi, các đội tham gia sẽ phải trải qua hai chặng. Trong đó, tại chặng một, các sản phẩm được trưng bày tại các gian hàng của trường mình. Trong suốt thời gian mở cửa gian hàng, đội thi triển khai các hoạt động nhằm thu hút khách tham quan như tổ chức các chương trình giới thiệu sản phẩm hoặc bán thử sản phẩm. Bên cạnh đó, các đội thi scử các đại diện thành viên thuyết trình tại gian hàng của mình. Mỗi đội thi có tối đa 05 phút để thuyết trình và 05 phút để trả lời câu hỏi hoặc phản biện Ban giám khảo. 
Cũng trong chặng một, video giới thiệu dự án của các đội thi được đăng tải trên Fanpage Ngày hội Khởi nghiệp Quốc gia của HSSV để bình chọn online. Sau đó, Ban giám khảo chấm điểm thông qua lượt tương tác trên fanpage. Số lượt tương tác tối thiểu là 1.000 điểm. Đội có tương tác lớn nhất được 10 điểm, các đội đứng sau trừ 01 điểm. (Hai đội có số lượt tương tác bằng nhau có số điểm bằng nhau). 
Ở chặng hai, các đội thi tiến hành thuyết trình tại sân khấu. Căn cứ vào số điểm đạt được tại chặng một, Ban giám khảo tiến hành thảo luận, lựa chọn 03 dự án xuất sắc cho mỗi lĩnh vực để tham gia vòng thuyết trình. Các độ thi được lựa chọn thuyết trình tối đa 05 phút và có 05 phút để trả lời câu hỏi của Ban giám khảo. Vượt qua các nhóm dự án khác, dự án “Thiết kế hệ thống biển quảng cáo sử dụng module ma trận LED” của nhóm sinh viên Uneti đã xuất sắc giành giải Ba chung cuộc.
Đội thi của trường Đại học Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp nhận bằng khen và giải thưởng tại chung kết cuộc thi. (Nguồn ảnh: uneti.edu.vn/)
Được biết, Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên là hoạt động thường niên được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức nhằm thực hiện đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Sự kiện là dịp để tôn vinh các cá nhân, tập thể có những ý tưởng sáng tạo, giải pháp kinh doanh mới, phù hợp thực tiễn; cũng như ghi nhận sự đóng góp tích cực của các cơ sở giáo dục và đào tạo, các cơ quan, doanh nghiệp, các cá nhân đã đồng hành, hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Ngoài ra, đây cũng là nơi kết nối giữa nhà trường, các đơn vị đào tạo, doanh nghiệp, các quỹ khởi nghiệp, thúc đẩy khát vọng khởi nghiệp và khởi nghiệp thành công của các bạn trẻ.
Năm 2023 là năm thứ 5 Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên được tổ chức. Năm nay, cuộc thi đã thu hút hơn 508 dự án tham dự, với 80 dự án (50 dự án khối sinh viên và 30 dự án khối học sinh) được lựa chọn để tham gia vào vòng chung kết. Tại chương trình, Ban tổ chức đã trao giải thưởng cho các đội đoạt giải, gồm: 5 giải Nhất khối sinh viên, 5 giải Nhất khối học sinh, 10 giải Nhì khối sinh viên, 10 giải Nhì khối học sinh, 15 giải Ba khối sinh viên, 15 giải Ba khối học sinh, 20 giải khuyến khích cho 20 đội thi và 4 giải phụ cho 4 đội thi.
Quang Ngọc
lên đầu trang