Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 13:05

Thứ ba, 14/05/2024 | 13:05

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 11:02 ngày 21/08/2020

Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long: Song hành sản xuất và bảo vệ môi trường

Là công trình điện độc lập (IPP) quy mô lớn đầu tiên do tư nhân triển khai tại Việt Nam với công suất 600 MW, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long hiện sử dụng nguồn than nội địa để tạo ra nguồn điện đáp ứng đủ nhu cầu của 3,4 triệu hộ gia đình. Không chỉ góp phần quan trọng vào việc giải “cơn khát” năng lượng, đặt nền móng cho việc tư nhân tham gia xây dựng các công trình điện lớn, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long còn hướng đến phát triển bền vững bằng việc đặc biệt chú ý đến công tác bảo vệ môi trường.
Sản xuất vượt kế hoạch, tăng nguồn cung cho hệ thống điện
Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long có công suất 2x300MW do Tập đoàn Geleximco đầu tư, được xây dựng trên diện tích 124,44 ha tại tỉnh Quảng Ninh bao gồm nhà máy chính, bãi thải xỉ, cảng than và khu vực phụ trợ khác. Dự án có tổng mức đầu tư trên 20.000 tỷ đồng, là dự án nhiệt điện tư nhân có quy mô lớn đầu tiên ở Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 627/QĐ-TTg ngày 29/7/2003. Nhà máy được xây dựng trong thời gian kỷ lục - 3 năm với các mốc vận hành thương mại đều sớm hơn từ 2 tuần đến 2 tháng, tiết kiệm cho chủ đầu hàng trăm tỷ đồng.
Nguồn cung điện đáng tin cậy là rất quan trọng đối với một quốc gia có nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam hiện nay và với việc cải thiện đời sống hàng ngày của người dân. Là dự án nhà máy điện tư nhân lớn đầu tiên tại Việt Nam, Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long đang thể hiện giá trị mà hợp tác công - tư và đầu tư tư nhân có thể mang lại cho ngành điện Việt Nam và góp phần đảm bảo cân bằng cung – cầu điện. Sau 2 năm đi vào vận hành, nhà máy hiện đang hoạt động hiệu quả và có độ tin cậy cao với hai lò hơi tầng sôi tuần hoàn (CFB) có công suất 300 MW. Hai tổ máy số 1 và số 2 chính thức vận hành thương mại từ tháng 5/2018 và 7/2018, đến nay, kết quả vận hành của hai tổ máy đã vượt sự mong đợi.
Theo tính toán ban đầu, mỗi năm nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống điện quốc gia khoảng 3,7 tỷ kWh, không chỉ đem lại lợi ích cho chủ đầu tư, góp phần giảm áp lực cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam; giải quyết khó khăn cho ngành công nghiệp khai thác than; làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp và đóng góp cho ngân sách, phát triển kinh tế - xã hội địa phương... mà còn mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành năng lượng nói chung, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu điện vẫn còn rất lớn. Ông Khúc Ngọc Chinh, Phó Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Thăng Long chia sẻ, tính đến hết tháng 5/2020, nhà máy đã sản xuất được 1,47 triệu kWh điện, tương đương 43,4% kế hoạch năm, vượt kế hoạch đề ra, góp phần giảm áp lực cho hệ thống điện quốc gia. Hiệu suất của nhà máy hiện đạt trên 90%; độ khả dụng của các tổ máy cũng đạt trên 90%.

Sản xuất gắn liền với bảo vệ cảnh quan, môi trường
Chú trọng bảo vệ môi trường
Dù có chủ trương xây dựng từ rất sớm, song chủ đầu tư đã ý thức rất rõ về vấn đề môi trường nên đã quyết định sử dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn theo thiết kế và công nghệ của hãng Alstom (Pháp); hệ thống đo lường và điều khiển của nhà máy được chế tạo và cung cấp từ Yokogawa (Nhật Bản) và một số nước G7.
Theo đánh giá của các chuyên gia, lò hơi này thuộc loại có bao hơi, tuần hoàn tự nhiên, có quá nhiệt trung gian; Năng suất hơi quá nhiệt 485t/h, hiệu suất lò hơi 86,9%, khử mùi lưu huỳnh trực tiếp trong buồng đốt bằng đá vôi; Tuabin kiểu ngưng hơi có quá nhiệt trung gian, cửa trích hồi nhiệt. Đặc biệt, nhà máy sử dụng loại than xấu nhất với nhiệt trị của than nhỏ hơn 4.000 kcal/kg. Điều này giúp cho ngành than giải quyết hơn 2 triệu tấn than xấu mỗi năm.
Việc sử dụng công nghệ lò tầng sôi tuần hoàn cũng là giải pháp công nghệ tốt cho vấn đề giảm ô nhiễm khí thải ra môi trường nhờ giảm được lượng phát thải NOx và SOx so với các nhà máy điện dùng lò than phun.
Ngoài ra, hệ thống của nhà máy còn xử lý được các loại nước thải khác nhau, sử dụng công nghệ xử lý nước nhiễm than, nhiễm dầu… Nước thải đạt xử lý tiêu chuẩn QCVN 40:2011 và không xả ra môi trường mà được tái sử dụng hết.

Trồng cây trên bãi xỉ thải
Toàn bộ quá trình xử lý môi trường trong quá trình hoạt động của nhà máy đều được quan trắc, giám sát online 24/24 và gửi số liệu trực tuyến tới các cơ quan quản lý về môi trường theo quy định.
Đối với vấn đề vận chuyển tro xỉ, Geleximco đã đầu tư hơn 6 triệu USD xây dựng hệ thống vận chuyển khép kín kèm công nghệ dập bụi bằng nước từ nhà máy ra bãi thải xỉ rộng khoảng 57 ha, sức chứa 4,32 triệu m3.
Ông Khúc Ngọc Chinh chia sẻ thêm, đối với lượng tro xỉ thải ra sau sản xuất điện, công ty đã ký hợp đồng với các đơn vị thu mua tro xỉ về làm vật liệu xây dựng. Từ đầu năm đến nay, lượng tro xỉ đã được các đơn vị này thu mua hết.
Hiện, trong khuôn viên nhà máy, dọc các con đường và ven bãi thải xỉ, cây xanh, thảm cỏ đã và đang được Nhiệt điện Thăng Long tiếp tục trồng thêm nhằm tạo không khí trong lành, giảm bớt bụi trong quá trình vận chuyển. Hoạt động này không chỉ tốt cho người dân khu vực quanh dự án mà còn bảo vệ sức khỏe cho chính cán bộ công nhân nhà máy.
Những tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn do dịch bênh Covid-19 diễn biến phức tạp. Với những giải pháp kịp thời, hiệu quả, vừa duy trì sản xuất, vừa phòng dịch, vừa bảo vệ môi trường, Nhiệt điện Thăng Long không chỉ đảm bảo ổn định trong sản xuất mà còn tăng trưởng khá, là đơn vị cung cấp nguồn điện đáng tin cậy và hiệu quả, góp phần đáp ứng nhu cầu về năng lượng, phục vụ phát triển đất nước.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang