Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 15/05/2024 | 06:16

Thứ tư, 15/05/2024 | 06:16

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:38 ngày 17/03/2021

Gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo, giảng dạy

Với chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) gắn với thực tiễn sản xuất và đào tạo thời gian qua, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM (HUFI) đã tích cực đẩy mạnh nghiên cứu KH&CN gắn với đào tạo, giảng dạy
Hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học được chú trọng
Nhiều thành tựu khoa học và công nghệ
Trong gần 30 năm năm xây dựng và trưởng thành ở giai đoạn nào, HUFI cũng có những thành công trong công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Đặc biệt, sau 5 năm (2015-2020) thực hiện cơ chế tự chủ, Nhà trường đã đổi mới về cả chất và lượng, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) có nhiều bứt phá.
Hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của trường tập trung vào ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến, tạo ra các chế phẩm sinh học có hoạt lực cao, ứng dụng có hiệu quả trong chế biến thực phẩm và các lĩnh vực khác.
Từ một cơ sở giáo dục đại học với nguồn lực hạn chế cho NCKH, trong giai đoạn trước năm 2015, các kết quả NCKH của HUFI còn rất khiêm tốn, số công trình công bố trên tạp chí quốc tế uy tín dưới 15 bài, số người thực hiện NCKH chiếm tỷ lệ thấp, đề tài nghiên cứu các cấp không nhiều, kinh phí đầu tư còn rất hạn chế. Tuy nhiên, từ khi thực hiện cơ chế hoạt động tự chủ, HUFI đã có những bước phát triển vượt bậc. Với chính sách thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, có năng lực NCKH, HUFI đã gia tăng được một đội ngũ các nhà khoa học trong và ngoài nước. Trong vòng 5 năm, HUFI đã gia tăng hàng trăm giảng viên có trình độ tiến sĩ với khả năng NCKH tốt.
Trên cơ sở có nguồn nhân lực tốt cộng với chính sách đầu tư kinh phí cho các hoạt động KH&CN, chính sách hỗ trợ, khen thưởng hoạt động NCKH; chính sách thông thoáng cho hoạt động dịch vụ và chuyển giao KHCN, thời gian quan hoạt động NCKH của HUFI đã đạt được nhiều thành tựu.
Sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM đoạt giải nhì Nghiên cứu Khoa học Cấp Bộ năm 2020
Chỉ tính riêng trong năm 2020, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. HCM đã triển khai thực hiện 03 đề tài KH&CN cấp Bộ Công Thương, 05 đề tài cấp thành phố và 147 đề tài cấp cơ sở. Ngoài ra, cán bộ của Trường còn tham gia các đề tài, dự án hợp tác quốc tế. Các đề tài KH&CN cấp Bộ được đánh gíá có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao và được chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ những thành công trong nghiên cứu, thời gian qua các hợp đồng tư vấn, dịch vụ và chuyển giao công nghệ của trường ngày càng tăng. Năm 2020, Nhà trường có tổng cộng 5 hợp đồng tư vấn khoa học công nghệ với tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp Bộ, Tỉnh thành và hợp đồng tư vấn, dịch vụ, chuyển giao công nghệ của trường bao gồm: triển khai sản xuất, tư vấn kỹ thuật, xử lý nước thải cho doanh nghiệp,… góp phần giải quyết các khó khăn hiện có tại các cơ sở sản xuất thực phẩm.
Năm 2020, HUFI giữ vững vị thế là một trong các cơ sở giáo dục đại học có nhiều công bố khoa học quốc tế (với 77 bài). Với số lượng công bố trên các tạp chí khoa học uy tín (ISI/Scopus) phần nào khẳng định năng lực nghiên cứu khoa học của Nhà trường.
Gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo, giảng dạy
Tận dụng những lợi thế của Cách mạng công nghiệp 4.0, cộng với định hướng xây dựng và phát triển HUFI trở thành một trường đại học ứng dụng hàng đầu ở Việt Nam và có vị thế trong khu vực, Nhà trường xác định hoạt động NCKH tiếp tục được quan tâm và định hướng trong thời gian tới, sẽ tiếp tục được đầu tư và đẩy mạnh.
Theo đó, nhà trường sẽ chú trọng xây dựng đội ngũ có năng lực NCKH, có khả năng thực hiện đề tài, dự án NCKH các cấp; có khả năng làm dịch vụ khoa học và chuyển giao công nghệ. Xác định các hướng nghiên cứu thế mạnh của HUFI, nhà trường đã xây dựng các nhóm nghiên cứu khoa học để làm tiên phong trong các lĩnh vực NCKH.
Cụ thể, nhà trường có chính sách hỗ trợ kinh phí cho các nhóm nghiên cứu để tạo điều kiện khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học tạo ra các sản phẩm có giá trị ứng dụng, đồng thời tạo sự kết nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài trường. Trong năm 2020, 07 nhóm nghiên cứu thuộc lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng của Trường tiếp tục triển khai thực hiện nhiệm vụ. Đây là điều kiện thuận lợi để các giảng viên tham gia nghiên cứu, tiếp cận được những vấn đề nghiên cứu khoa học có tính thời sự trên thế giới hiện nay.
Để nâng cao năng lực nghiên cứu cho giảng viên và sinh viên, trong năm 2020 Nhà trường tổ chức 01 Hội nghị, Hội thảo khoa học cấp Trường, 07 Hội thảo khoa học cấp Khoa; phối hợp với Trung tâm phát triển khoa học và công nghệ trẻ - Thành đoàn TP.Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị an toàn thực phẩm và an ninh lương thực lần 4 và tổ chức vòng bán kết giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka năm 2020 lĩnh vực công nghệ thực phẩm; lập kế hoạch tổ chức Hội nghị khoa học Quốc gia lần thứ XIV về Nghiên cứu cơ bản và Ứng dụng Công nghệ thông tin (FAIR) năm 2021.
Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM tham dự hội thảo Khoa học FAIR 2020 và nhận đăng cai Hội nghị Khoa học Quốc gia FAIR 2021
Thông qua hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, cơ sở vật chất của Trường được tăng cường, năng lực của cán bộ, giảng viên được nâng cao. Những hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của Trường đã góp phần thiết thực vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và sự phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực và trên cả nước.
Bên cạnh đó, Nhà trường luôn dành kinh phí đầu tư cho các hoạt động nghiên cứu khoa học như cấp kinh phí cho đề tài cấp trường dành cho giảng viên, sinh viên; các sáng kiến kinh nghiệm; các nhóm nghiên cứu; khen thưởng các bài báo đăng trên tạp chí có uy tín trong và ngoài nước; phát triển Tạp chí Khoa học và Công nghệ thực phẩm…
Đến nay, các hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường đã thực sự trở thành một phong trào thu hút sự tham gia của cán bộ, giảng viên và sinh viên. Sinh viên của Trường đã tham gia và đạt nhiều giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học.
Với những thành quả đã đạt được, năm 2021 Nhà trường đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm cụ thể, hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển không gian khởi nghiệp sáng tạo trong trường; phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh trong trường theo định hướng nghiên cứu - sản phẩm; xây dựng cơ chế chính sách đầu tư phát triển một số phòng thí nghiệm, chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia. Đồng thời, tiếp tục đầu tư và mở rộng cho nghiên cứu khoa học công nghệ, tổ chức kết nối các nhà khoa học trong trường với các cơ quan trung ương, địa phương, doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo, nghiên cứu trong và ngoài nước để thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, dự án sản xuất, dịch vụ khoa học công nghệ...
Minh Sơn
lên đầu trang