Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 13:08

Thứ ba, 14/05/2024 | 13:08

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 18:12 ngày 11/07/2022

Định hướng phát triển Viện Nghiên cứu Cơ khí đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

1. Tầm nhìn và sứ mệnh
- Phát triển Viện phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp trong nước được Chính phủ phê duyệt.
- Phát triển Viện với bước đột phá mạnh mẽ, trở thành một trung tâm nghiên cứu, đào tạo cán bộ khoa học và công nghệ mạnh của ngành cơ khí – tự động hóa, động lực phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) của đất nước, góp phần quan trọng để đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, từng bước tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đảm bảo phát triển ngành cơ khí bền vững, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
- Phát triển Viện trên cơ sở thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ chủ yếu: Tập trung xây dựng và hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công việc; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao trình độ KHCN và khẳng định vị thế khoa học của Viện trong khu vực và trên thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, gắn các đề tài nghiên cứu KHCN với nhiệm vụ thực hiện các hợp đồng kinh tế của Viện, từ đó tạo ra các sản phẩm truyền thống cho Viện trong thời gian tới; nghiên cứu, phát triển các hệ thống thiết bị đồng bộ cho ngành công nghiệp trong nước, đồng thời nghiên cứu các giải pháp thay thế cho các dây chuyền thiết bị hiện hữu trong các ngành công nghiệp.
- Phát triển Viện trên cơ sở hợp tác, chia sẻ với các doanh nghiệp cơ khí trong nước và tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ nước ngoài để đủ khả năng làm tổng thầu EPC, EPCM trong một số lĩnh vực công nghiệp.
2. Mục tiêu phát triển
2.1. Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là đơn vị tư vấn độc lập hàng đầu ở Việt Nam, có uy tín trên thị trường quốc tế, đủ năng lực lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật và thiết kế thi công cho các dự án công nghiệp chuyên ngành thuộc thế mạnh của Viện như các dây chuyền chế tạo và lắp ráp cơ khí, nhiệt điện, năng lượng tái tạo, chế biến khoáng sản, hoá chất, xử lý môi trường, các dây chuyền sản xuất thông minh. Viện đủ năng lực làm tổng thầu EPC, EPCM hoặc Chìa khoá trao tay cho các hạng mục thiết bị toàn bộ thuộc các dự án công nghiệp trong nước thuộc thế mạnh của Viện.
2.2. Mục tiêu cụ thể
Xây dựng Viện trở thành doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai hàng đầu ở Việt nam có uy tín trên thị trường quốc tế trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa mà trọng tâm là xây dựng nguồn lực, con người đáp ứng việc thiết kế, chế tạo các dây chuyền thiết bị toàn bộ theo định hướng phát triển kinh tế, xã hội của Đảng và Chính phủ. Đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: 
- Đảm bảo nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ tham mưu, tư vấn cho Bộ Công Thương, Chính phủ về việc xây dựng các cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn phát triển ngành. 
- Đầu tư tập trung, trọng điểm vào các đề tài, dự án KHCN trực tiếp tạo ra các sản phẩm cho các ngành công nghiệp, tạo sản phẩm truyền thống cho Viện như nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản, nhà máy điện tận dụng, nhiệt dư cho các nhà máy xi măng, nhà máy thép, lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, trong đó trọng tâm là học tập, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các hãng công nghệ lớn trên thế giới phục vụ các chương trình phát triển kinh tế theo định hướng của Chính phủ. 100% các đề tài KHCN của Viện được áp dụng vào thực tế đem lại công ăn việc làm cho các đơn vị thuộc Viện. Hàng năm, công bố ít nhất 40 công trình KHCN, bài báo tại các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.
- Đủ năng lực làm tổng thầu EPC, EPCM hoặc chìa khoá trao tay cho các hạng mục thiết bị toàn bộ thuộc các dự án công nghiệp trong nước là thế mạnh của Viện, như: Nhà máy nhiệt điện đốt than: hệ thống cung cấp than, hệ thống thải tro xỉ, hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống khử lưu huỳnh, hệ thống khử ô xít Ni tơ; nhà máy khai thác và chế biến bô xít nhôm; năng lượng mới và năng lượng tái tạo; hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư trong nhà máy xi măng; nhà máy thép; một số hệ thống đồng bộ trong nhà máy nhiệt điện khí hỗn hợp; nhà máy thủy điện, thủy điện tích năng; nhà máy xử lý rác, phát điện từ rác và sinh khối, robot công nghiệp; ứng dụng robot và tự động hóa trong công nghiệp, nhà kho thông minh; các nhà máy chế biến và bảo quản nông sản sau thu hoạch.
- Tuyển dụng, đào tạo, đào tạo lại để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng với yêu cầu công việc. Đến năm 2030 khoảng 500 người, năm 2045 khoảng 700 người với chất lượng như sau: ít nhất 30% là các nhà khoa học, nhà quản lý gồm các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ, nghiên cứu viên chính và cao cấp với khả năng hoạch định chính sách, chiến lược, chủ trì các đề tài, dự án, chương trình cho các hoạt động của Viện; hơn 70% làm công tác nghiên cứu, khả năng làm việc độc lập và có kỹ năng quản lý dự án, giỏi chuyên môn, thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng trung tâm chuyên ngành theo định hướng của Viện. 
- Hoàn thành đầu tư mới, xây dựng tòa nhà đa năng vừa là nơi làm việc, vừa là nơi tập trung các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm sản phầm với diện tích sàn 8.250 m2.
- Đến năm 2030 doanh thu đạt 2.000 tỷ đồng, trong đó kinh phí cho đầu tư nghiên cứu KHCN của Viện, đặc biệt liên quan đến mua thiết kế và công nghệ nguồn chiếm tối thiểu khoảng 1% tổng doanh thu hàng năm. Tầm nhìn đến năm 2045 doanh thu Viện đạt 3.000 tỷ đồng, trong đó nguồn đầu tư cho nghiên cứu KHCN tối thiểu 1,5%.
- Doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu. 
3. Định hướng nhiệm vụ trọng tâm
3.1. Nhiệm vụ trọng tâm trong nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ
- Định hướng đầu tư cho các đề tài nghiên cứu KHCN nền làm cơ sở để triển khai các dự án công nghệ chế tạo máy, công nghệ vật liệu, công nghệ môi trường, công nghệ đo lường điều khiển, thiết bị toàn bộ, năng lượng mới, năng lượng tái tạo. 
- Đầu tư tập trung, trọng điểm vào các đề tài, dự án KHCN trực tiếp tạo ra các sản phẩm cho các ngành công nghiệp, tạo sản phẩm truyền thống cho Viện như nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư trong nhà máy xi măng và nhà máy thép, một số hệ thống đồng bộ trong nhà máy nhiệt điện khí hỗn hợp, nhà máy thủy điện, thủy điện tích năng, phụ tùng thay thế cho các nhà máy công nghiệp trong nước, trong đó trọng tâm là học tập, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các hãng công nghệ lớn trên thế giới phục vụ các chương trình phát triển kinh tế theo định hướng của Chính phủ.
Để đảm bảo thành công của mục tiêu đề ra, Viện sẽ tập trung xây dựng các chương trình sau trong những năm tới và xây dựng các đề tài, định hướng KHCN của Viện sẽ ưu tiên theo các nội dung này: 
- Chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ liên quan đến lĩnh vực điện lực.
- Chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ liên quan đến lĩnh vực sản xuất nguyên vật liệu.
- Chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ liên quan đến lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo, xử lý rác thải.
- Chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ liên quan đến lĩnh vực khai thác và chế biến bô xít.
- Chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ liên quan đến lĩnh vực thiết bị công nghệ 4.0.
- Chương trình nghiên cứu phát triển thiết bị toàn bộ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, chế biến và bảo quản sau thu hoạch. 
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu và cung cấp luận cứ khoa học phục vụ quản lý nhà nước
Đề xuất và thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến cơ chế, chính sách, giải pháp để phát triển ngành cơ khí, trọng tâm là cơ chế, chính sách mua và tiếp nhận chuyển giao các công nghệ nguồn tại các dây chuyền thiết bị toàn bộ trong các lĩnh vực nhiệt điện, thủy điện, khai thác và chế biến khoáng sản, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, hóa chất, thiết bị máy nông nghiệp, góp phần nâng cao tỷ lệ sản xuất trong nước, giảm nhập siêu, hạ giá thành sản phẩm, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước. 
3.3. Các nhiệm vụ về ứng dụng, chuyển giao kết quả nghiên cứu KH&CN, dịch vụ tư vấn KH&CN, sản xuất kinh doanh
- Ưu tiên xây dựng, thực hiện các đề tài, dự án KHCN trực tiếp tạo ra các sản phẩm cho các ngành công nghiệp, tạo sản phẩm truyền thống cho Viện như nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản, hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư cho các nhà máy xi măng và thép, lĩnh vực năng lượng mới, năng lượng tái tạo, trong đó trọng tâm là học tập, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các hãng công nghệ lớn trên thế giới phục vụ các chương trình phát triển kinh tế theo định hướng của Chính phủ.
- Đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực đủ năng lực làm tổng thầu EPC, EPCM hoặc chìa khoá trao tay cho các hạng mục thiết bị toàn bộ thuộc các dự án công nghiệp trong nước thuộc thế mạnh của Viện.
- Ưu tiên các hợp đồng kinh tế gắn kết với hoạt động nghiên cứu khoa học và các quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp trong nước: điện, than, khoáng sản, hóa chất, năng lượng mới và năng lượng tái tạo, xi măng, trọng tâm là làm chủ công nghệ lõi và tích hợp hệ thống, phối hợp với các doanh nghiệp cơ khí trong nước để ứng dụng và chuyển giao sản phẩm nhằm tạo ra sản phẩm toàn bộ cho các ngành công nghiệp. 
- Định hướng đầu tư cho các đề tài nghiên cứu KHCN nền làm cơ sở để triển khai các dự án công nghệ chế tạo máy, công nghệ vật liệu, công nghệ môi trường, công nghệ đo lường điều khiển, thiết bị toàn bộ, năng lượng mới, năng lượng tái tạo. 
3.4. Các nhiệm vụ khác
- Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn cụ thể.
- Xây dựng các quy chế đãi ngộ phù hợp đối với các cán bộ nghiên cứu trẻ, có năng lực. Tạo mọi điều kiện để cán bộ nghiên cứu học tập và nâng cao trình độ.
- Triển khai hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000:2015, hệ thống quản lý môi trường ISO 14001:2015 và các quy trình quản lý chất lượng khác theo hướng “Giải pháp hoàn hảo, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường”.
4. Các giải pháp thực hiện 
4.1. Giải pháp về đổi mới mô hình quản lý và tổ chức hoạt động 
Xây dựng mô hình quản lý và tổ chức hoạt động là Tổ chức KHCN công lập tự chủ tài chính hoạt động theo Nghị định 60/NĐ-CP, Luật Doanh nghiệp, Luật Khoa học & công nghệ, Luật Giáo dục và các quy định khác của pháp luật. 
4.2. Giải pháp về nguồn nhân lực
- Từng bước tiêu chuẩn hóa đội ngũ cán bộ viên chức; xây dựng cơ cấu nguồn nhân lực nghiên cứu phát triển phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện và thực tế phát triển của ngành.
- Xây dựng vị trí việc làm, quy chế đãi ngộ theo năng lực cụ thể, đào tạo đội ngũ để phát huy tính sáng tạo, sự cống hiến cho Viện theo vị trí việc làm và có đãi ngộ tương xứng.
- Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ quản lý từ cấp phòng trở lên.
- Việc tăng nhân sự đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 phù hợp với định hướng phát triển của Viện trong việc trở thành đơn vị thực hiện các dự án EPC, EPCM trong một số lĩnh vực thuộc thế mạnh của Viện.
4.3. Giải pháp đổi mới hoạt động KH&CN
- Các nhiệm vụ KHCN phải sát với yêu cầu thực tiễn của sản xuất, của thị trường, có khả năng chuyển giao, ứng dụng vào sản xuất cao.
- Triển khai, thực hiện các nhiệm vụ KHCN phải khoa học, hiệu quả và tiết kiệm.
- Tăng cường mối quan hệ, mở rộng hợp tác giữa các nhà khoa học của Viện với các doanh nghiệp, đơn vị và tổ chức nghiên cứu trong nước và nước ngoài.
- Tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các Trung tâm trong Viện.
4.4. Giải pháp tổ chức sản xuất kinh doanh
- Sắp xếp, tái cơ cấu các đơn vị thuộc Viện, tận dụng mọi lợi thế của Viện và hoạt động theo hướng tự hạch toán, tự chủ, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng nhằm nâng cao và mở rộng hoạt động, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và thích ứng được với cơ chế thị trường.
- Liên kết, hợp tác với các đơn vị uy tín trong và ngoài nước để tiếp nhận chuyển giao công nghệ, làm tổng thầu EPC các dây chuyền thiết bị công nghiệp trong nước đầu tư thuộc thế mạnh của Viện.
- Tăng cường hợp tác với các tổ chức, cá nhân nghiên cứu KHCN trong nước, khu vực và quốc tế, đặc biệt là các tổ chức đã có mối quan hệ truyền thống. 
- Đẩy mạnh việc trao đổi thông tin, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, các hoạt động nghiên cứu, đào tạo với tổ chức nghiên cứu KHCN trong nước, khu vực và quốc tế.
- Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ về chuyên môn, nghiệp vụ, tài chính của các nước, các tổ chức quốc tế để phát triển Viện.
 4.5. Giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị
- Cải tạo, nâng cấp các cơ sở hạ tầng hiện có, các phòng thiết kế, thí nghiệm chuyên ngành, trung tâm dịch vụ hỗ trợ khách hàng của Viện tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh phù hợp với sự phát triển của Viện qua các giai đoạn cụ thể. 
- Các công ty con thuộc Viện hoặc Viện có góp vốn: Đẩy mạnh hoạt động của các công ty con do Viện góp vốn theo hướng tiếp nhận chuyển giao công nghệ và phát triển các sản phẩm truyền thống của Viện và không xung đột lợi ích với Viện.
- Tiếp tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền cho góp vốn đầu tư vào một số công ty là thế mạnh của Viện để mang lợi ích dài hạn, ổn định cho Viện.
- Tập trung nguồn lực đầu tư một (01) tòa nhà đa năng vừa là nơi làm việc, vừa là nơi tập trung các trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm là rất cần thiết. 
4.6. Các giải pháp khác
- Đề ra và thực hiện mục tiêu chất lượng - môi trường: Giải pháp hoàn hảo, công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường;
- Thực hiện các thủ tục hành chính và quản lý các công việc của Viện thông qua hệ thống E-Office;
- Xây dựng bản sắc, phát triển thương hiệu NARIME.
TS. Phan Đăng Phong - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cơ khí
(Nguồn: Tập san "Viện Nghiên cứu Cơ khí 60 năm lớn mạnh cùng Đất nước" )
lên đầu trang