Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 15/05/2024 | 13:13

Thứ tư, 15/05/2024 | 13:13

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 09:34 ngày 31/03/2021

Thương mại hóa thành công 2 sản phẩm nhiên liệu chiến lược khẳng định thương hiệu BSR trên thị trường

Theo quy định mới của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về việc cắt giảm khí thải chứa lưu huỳnh (SOx), tiêu chuẩn mới về hàm lượng SOx trong dầu MFO (Marine Fuel Oil) là tối đa 0,5% kể từ ngày 01/01/2020 (IMO 2020) thay cho mức tiêu chuẩn tối đa 3,5% như hiện nay.
Nhận thấy sản phẩm dầu FO do chính công ty sản xuất có hàm lượng SOx <0,5%, rất phù hợp để sản xuất MFO 0,5% Sox, năm 2018 Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) đã mạnh dạn đầu tư nghiên cứu sản xuất thử nghiệm dòng sản phẩm MFO theo tiêu chuẩn IMO 2020. Tháng 9/2019, lô sản phẩm MFO đầu tiên được BSR sản xuất thử nghiệm thành công và đạt các yêu cầu chất lượng nghiêm ngặt. Trong tháng 11 cùng năm, lô sản phẩm thương mại đầu tiêu 6.000 tấn đã xuất xưởng, đem lại doanh thu 270 tỷ đồng.
Tàu GT EQUALITY của Công ty BB Energy (Singapore) đã cập cảng Dung Quất và nhận 6.000 tấn dầu nhiên liệu hàng hải (MFO).
Trước đó doanh nghiệp này cũng đã gây được tiếng vang với dòng sản phẩm chất lượng cao là nhiên liệu phản lực Jet A1.
Theo diễn biến thị thị trường từ năm 2015 trở đi, nhu cầu đối với sản phẩm nhiên liệu Jet A1 ngày càng tăng cao, đồng thời giá bán của loại nhiên liệu này thường khá cao so với dầu diesel (DO).
“Thị trường xăng máy bay còn nhiều dư địa, cộng thêm giá sản phẩm này luôn tốt hơn những sản phẩm xăng dầu thông thường, BSR đã đẩy mạnh nghiên cứu sản xuất thử nghiệm xăng Jet A1”, kỹ sư Nguyễn Nhanh, một trong những người đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển dòng sản phẩm mới của BSR cho biết.
Từ năm 2016, đội ngũ BSR đã tập trung nghiên cứu nhằm tối ưu hóa quá trình chưng cất dầu thô, tăng khả năng chế biến dầu thô nhẹ nhập khẩu và tăng sản lượng nhiên liệu phản lực Jet A-1.
Được biết, để ra được sản phẩm nhiên liệu phản lực Jet A-1 phải trải qua công đoạn xử lý tạp chất trong dầu thô, sau đó chưng cất trực tiếp để tạo sản phẩm kerosene. Tiếp theo, các kỹ sư mô phỏng tinh chỉnh trên phần mềm PetroSim để dự đoán sự thay đổi điều kiện vận hành và chất lượng sản phẩm kerosene đã xử lý khi KTU vận hành ở công suất cao hơn thiết kế.
Trên thực tiễn, NMLD Dung Quất điều chỉnh dải công nghệ tăng tối đa phân đoạn kerosene lên công suất 130% so với công suất thiết kế. Với công suất này, tổng lượng sản phẩm có thể lên đến 1.097.069 thùng - tương đương khoảng 3,2 triệu USD/năm, xấp xỉ 73,7 tỉ đồng (tính theo đơn giá năm 2019).
Có thể khẳng định, việc nghiên cứu và phát triển thành công 2 sản phẩm mới nhiên liệu hàng hải MFO tiêu chuẩn IMO 2020, và đẩy mạnh sản lượng nhiên liệu Jet A-1 qua nâng công suất phân xưởng KTU đã chứng minh được vai trò quan trọng của KHCN, sáng kiến cải tiến trong hiệu quả sản xuất – kinh doanh của NMLD Dung Quất, đồng thời góp phần nâng cao uy tín thương hiệu BSR.
Theo chia sẻ của đại diện BSR, trong thời gian tới định hướng nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ của doanh nghiệp sẽ tập trung giải quyết các vấn đề mang tính chiến lược, nhằm đa dạng hóa nguyên liệu chế biến, giảm lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu trong nước, đảm bảo nguyên liệu cho NM vận hành ổn định; tăng cường nghiên cứu đẩy mạnh chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm đạt mức Euro-V; đồng thời xây dựng chiến lược sản xuất và cung ứng Hydro từ sản phẩm trung gian của NM và tích hợp năng lượng tái tạo
Thu Hà – Hương Giang
lên đầu trang