Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 14:24

Thứ ba, 14/05/2024 | 14:24

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:30 ngày 14/07/2022

Đào tạo trình độ tiến sĩ chất lượng và niềm tin

Mở đầu
Viện Nghiên cứu Cơ khí được thành lập ngày 06/7/1962 theo Quyết định số 76/TTg của Thủ tướng Chính phủ, có tên gọi ban đầu là Viện Thiết kế Chế tạo Cơ khí thuộc Bộ Công nghiệp nặng. Sau khi đổi tên, được giao chức năng và nhiệm vụ theo Quyết định số 3995/QĐ-TCCB ngày 31/12/1996 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương), Viện là cơ quan nghiên cứu triển khai của Nhà nước về khoa học công nghệ (KHCN) thuộc lĩnh vực Cơ khí.
Theo Quyết định số 116/2000/QĐ-TTg ngày 10/10/2000 của Thủ tướng Chính Phủ, Viện được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ kỹ thuật. Sau một số lần thay đổi ngành đào tạo và mã ngành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện nay Viện được giao Đào tạo trình độ tiến sĩ chuyên ngành Kỹ thuật Cơ khí.
Là một viện nghiên cứu và triển khai ứng dụng trong lĩnh vực Cơ khí, thời gian đầu hệ thống đào tạo còn sơ khai, đội ngũ giảng viên còn ít, cơ sở vật chất các phòng thí nghiệm còn nghèo nàn. Tuy nhiên sau hơn 20 năm hoạt động, đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện đã đạt được những kết quả đáng trân trọng. Đến nay đã có 29 tiến sĩ tốt nghiệp, trong đó 16 tiến sĩ biên chế tại Viện và các đơn vị thuộc Bộ Công Thương. Trong số các tiến sĩ đã tốt nghiệp, có người đã trở thành phó hiệu trưởng, trưởng khoa, trưởng bộ môn của các trường đại học trong nước, một số người là cán bộ quản lý hoạt động KHCN của Bộ, Ngành, Viện…. Thành công này là niềm tự hào của Ban Giám đốc Viện, các nhà quản lý, các nhà giáo, các nhà khoa học đã tham gia vào sự nghiệp Đào tạo của Viện.
1. Những khó khăn ban đầu
Vào thời điểm năm 2000 khi được Chính phủ giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ, những khó khăn ban đầu của Viện liên quan đến nguồn nhân lực và cơ sở vật chất.
1.1. Nguồn nhân lực phục vụ đào tạo trình độ tiến sĩ kỹ thuật
Ban đầu, đội ngũ nhà giáo của Viện còn mỏng (mới có 1 giáo sư, 2 phó giáo sư, 5 tiến sĩ), các cán bộ khoa học còn trẻ, nhân lực về quản lý đào tạo còn chưa có. Mặt khác, quan hệ với các viện nghiên cứu, các trường đại học lớn còn sơ khai, chưa có đủ lòng tin nên việc hợp tác trong đào tạo rất khó khăn, trong khi cơ chế quản lý hoạt động đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định, kinh phí hỗ trợ cho đào tạo tiến sĩ còn rất thấp.
1.2. Cơ sở vật chất
Đầu những năm 2000, các xưởng chế tạo của Viện chỉ có ít máy móc thiết bị, hầu hết sản xuất từ những năm 1960, chưa có các hệ thống thiết bị và phần mềm thiết kế mới. Năm 2002, Viện được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về Công nghệ Hàn và Xử lý bề mặt, thời gian xây dựng và đầu tư trang thiết bị kéo dài đến tận cuối năm 2009 mới chính thức đưa vào hoạt động, nhân lực cũng còn thiếu. 
Thư viện của Viện lưu trữ các tài liệu khoa học rất cũ, có từ những năm 1960-1970, chưa có thư viện điện tử. Công tác lưu trữ các kết quả của các đề tài KHCN các cấp còn sơ sài. 
Doanh thu của Viện từ các hợp đồng triển khai ứng dụng ban đầu còn rất thấp nên cuộc sống của cán bộ công nhân viên (CBCNV) nói chung cũng như của những người tham gia đào tạo là rất khó khăn. 
2. Xây dựng hệ thống phục vụ đào tạo
Từ những khó khăn trên và cơ chế quản lý còn cồng kềnh, quan liêu của các cơ quan chủ quản, giai đoạn 2000-2009, Viện chỉ tuyển sinh được tổng cộng khoảng 10 nghiên cứu sinh (NCS), tuy nhiên chưa có NCS nào tốt nghiệp.
Với chủ trương của Nhà nước về xoá bỏ bao cấp, giao quyền chủ động cho các cơ sở đào tạo, ngày 07/5/2009 Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo trình độ tiến sĩ theo Thông tư số 10/2009/TT-BGDĐT, theo đó các cơ sở đào tạo trình độ tiến sĩ được trao quyền chủ động trong nhiều hoạt động.
Thực hiện quy chế này của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như đổi mới hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện, Ban giám đốc đặc biệt là đồng chí Viện trưởng đã trực tiếp chỉ đạo công tác đào tạo.
2.1. Giao nhiệm vụ 
Viện giao cho Trung tâm Đào tạo kết hợp với Hội đồng Khoa học và các nhà khoa học khẩn trương xây dựng một loạt văn bản, trong đó có: Quy định đào tạo trình độ tiến sĩ; Quy định quản lý đào tạo sau đại học; Chương trình khung đào tạo trình độ tiến sĩ. Sau khoảng 6 tháng, các quy định trên được ký ban hành đã trở thành khung pháp lý cho hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện.
Mặt khác, Viện đã tổ chức các buổi hội thảo mời các nhà giáo, nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, các trường đại học tới dự đóng góp ý kiến cho hoạt động đào tạo của Viện, củng cố và xây dựng lòng tin với các đơn vị và cá nhân.
Viện đã nâng cấp Thư viện, cho phép các NCS tiếp xúc các tài liệu khoa học của Viện, tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học của Viện.
2.2. Phân quyền
Trung tâm Đào tạo được giao các nhiệm vụ: tổ chức công tác tuyển sinh, tổ chức cho NCS học các học phần trình độ tiến sĩ, tổ chức cho NCS bảo vệ các chuyên đề, tiểu luận tổng quan và Hội thảo luận án tiến sĩ. 
Kết quả thật bất ngờ, chỉ trong 2 năm 2012 và 2013 Viện đã tổ chức tốt nghiệp cho 12 tiến sĩ học tập tại Viện.
3. Những thành công và thách thức
3.1. Kết quả đào tạo 
Tính đến cuối năm 2021, Viện đã cấp bằng tiến sĩ cho 29 tiến sĩ, trong đó có 8 cán bộ của Viện; 8 tiến sĩ khác công tác tại các đơn vị của Bộ Công Thương. Trong số các tiến sĩ tốt nghiệp tại Viện, nhiều người hiện đang là cán bộ quản lý trong các trường đại học, các viện nghiên cứu.
Hiện có 17 NCS đang học tập và nghiên cứu khoa học tại Viện, trong đó có 6 người là CBCNV của Viện.
Lễ trao bằng tiến sĩ của Viện năm 2012.
3.2. Kết hợp giữa Nghiên cứu khoa học với Đào tạo và xây dựng lòng tin
Thông thường tại các nước phát triển, học viên đăng ký làm NCS tại các cơ sở đào tạo tuân thủ các quy định của cơ sở và đáp ứng yêu cầu của thầy hướng dẫn. Các thầy hướng dẫn thường đang thực hiện 1 đề tài hay dự án KHCN nào đó và hướng NCS theo cùng thực hiện. Kinh phí sinh hoạt hàng tháng của NCS và chi phí thực hiện các thí nghiệm của luận án được Nhà nước hoặc đề tài của thầy chi trả hoàn toàn. Tuy nhiên tại Việt Nam có khác, NCS phải đóng tiền học phí, khi làm thí nghiệm hầu hết phải chi trả kinh phí, kể cả phí đăng báo, tạp chí hay báo cáo tại các hội thảo chuyên ngành trong nước và quốc tế. Do vậy, chi phí làm NCS rất cao, nếu so với mặt bằng ngạch bậc lương hiện hành của Nhà nước.
Nắm bắt được điều này, với đặc điểm là một viện nghiên cứu, Lãnh đạo Viện đã có chỉ đạo để các NCS được tham gia vào các đề tài nghiên cứu KHCN cấp Nhà Nước, cấp Bộ - Ngành. Việc này giúp NCS ngay từ đầu nâng cao được tư duy trong nghiên cứu, giảm bớt chi phí các hoạt động thí nghiệm, làm việc song hành cùng các tập thể nghiên cứu… Trong số 29 tiến sĩ tốt nghiệp, trên 10 tiến sĩ đã được tham gia vào các đề tài các cấp của Viện, đơn cử như các đề tài về Lọc bụi tĩnh điện, Thải tro xỉ cho nhà máy Nhiệt điện, Hệ thống đổ sợi tự động, Luyện kim bột, Hàn điện xỉ nối đầu cây thép, Phun phủ plasma gốm, Hàn khe hở hẹp…
Những quy định và cơ chế thông thoáng của Viện đã thu hút được nhiều trường đại học, các nhà giáo, nhà khoa học tham gia hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện. Có thể kể đến các trường đại học gửi nhiều học viên đăng ký làm NCS tại Viện, như: Đại học Thái Nguyên gửi 6 NCS, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội gửi 5 NCS, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên gửi 5 NCS, Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long gửi 2 NCS… Niềm tin đã được khẳng định với các cơ sở đào tạo lớn của cả nước. Đây là niềm tự hào rất lớn của Viện và những người làm công tác đào tạo của Viện.
Lãnh đạo Viện với các nhà giáo, các nghiên cứu sinh công tác tại Viện nhân dịp Năm mới 2016.
3.3. Những thách thức trong thời gian tới
Quy định đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện mới ban hành năm 2022 đã cập nhật đầy đủ các yêu cầu mới nêu trong các Thông tư năm 2021 có liên quan của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó đặt ra nhiều yêu cầu và thách thức không chỉ đối với NCS mà còn đối với cả các nhà giáo tham gia công tác đào tạo và đối với tất cả các cơ sở đào tạo, trong đó có Viện.
Nguồn tuyển sinh: Trong những năm gần đây, với mục tiêu nâng cao trình độ cho các giảng viên, nhiều trường đại học sau khi có đội ngũ nhà giáo đủ điều kiện đã được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ. Một số trường có quy định hạn chế học viên đăng ký dự xét tuyển ở các đơn vị ngoài trường. Còn các viện nghiên cứu, do có chủ trương của Nhà nước về tinh giản biên chế nên không ít nơi yêu cầu trình độ tiến sĩ với cán bộ mới ngay từ khi vào công tác. Mặt khác, hiện nay với “thế giới phẳng”, nhiều cơ sở đào tạo nước ngoài có những chính sách học bổng hấp dẫn đã thu hút được nhiều học viên giỏi Việt Nam đăng ký làm NCS. Đây là thách thức rất lớn cho Viện trong công tác tuyển sinh.
Đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học: Trong số 11 cán bộ khoa học cơ hữu của Viện có trình độ tiến sĩ thì chỉ có 2 người có học hàm phó giáo sư, không có giáo sư. Viện cũng đã ký các Hợp đồng chuyên gia và Hợp đồng thỉnh giảng với 3 phó giáo sư là cán bộ đã nghỉ hưu của Viện. Tuy nhiên, nếu đối chiếu các quy định mới ban hành năm 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn đối với các nhà giáo tham gia công tác đào tạo trình độ tiến sĩ thì hiện nay chỉ có vài người của Viện đạt chuẩn. Số người đạt chuẩn là người hướng dẫn NCS còn ít hơn. Điều này thật đáng báo động.
Chi phí lớn trong quá trình học NCS, chưa thực sự hấp dẫn: Hiện nay tại một số cơ sở đào tạo trong nước, NCS không những không phải đóng học phí mà còn được cấp học bổng đủ để duy trì sinh hoạt, tất nhiên là yêu cầu đầu ra khi tốt nghiệp nghiêm ngặt hơn, nhưng chính điều này đã tạo nên sự khác biệt. Đây là thông lệ ở nhiều nước phát triển nên sớm muộn xu hướng này sẽ phổ biến ở Việt Nam. Do vậy, để phát triển thì Viện cần có sự thay đổi về chính sách đào tạo trình độ tiến sĩ cho phù hợp tình hình mới. 
4. Kết luận và kiến nghị
Kết luận: Nhiệm vụ đào tạo trình độ tiến sĩ của Viện đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận sau hơn 20 năm. Hệ thống đào tạo đã dần chuyên nghiệp hơn, kết hợp được hoạt động nghiên cứu khoa học với đào tạo trình độ tiến sĩ, tạo được niềm tin với các cơ sở đào tạo, các nhà giáo, các nhà khoa học trong và ngoài nước, từ đó góp phần nâng cao uy tín và thương hiệu của Viện.
Kiến nghị: 
- Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có cơ chế đặc thù đối với các viện nghiên cứu có hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ, đặc biệt điều chỉnh yêu cầu với người hướng dẫn khoa học cho NCS và các nhà giáo, nhà khoa học tham gia đào tạo.
- Kiến nghị Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước có cơ chế đặc thù cho các tiến sĩ công tác tại các viện nghiên cứu có hoạt động đào tạo trình độ tiến sĩ (nới lỏng tiêu chí số giờ giảng dạy trực tiếp).
- Viện cần có chính sách và lộ trình bồi dưỡng cán bộ khoa học trình độ cao cho phù hợp tình hình mới: Động viên và tạo điều kiện cho các tiến sĩ của Viện đăng ký học hàm GS/PGS; giao nhiệm vụ và bố trí kinh phí cho các tiến sĩ hàng năm có các công bố quốc tế và/hoặc công bố trong nước được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước chấp nhận; yêu cầu bắt buộc đối với các đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, Ngành do Viện chủ trì là phải có sản phẩm đào tạo tiến sĩ và phân bổ một phần kinh phí đề tài để hỗ trợ cho NCS; tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ say mê nghiên cứu khoa học đăng ký làm NCS.
PGS.TS Lê Thu Quý, PGS.TS Nguyễn Chỉ Sáng, CVC Nhữ Hoàng Giang
(Nguồn: Tập san "Viện Nghiên cứu Cơ khí 60 năm lớn mạnh cùng Đất nước" )
lên đầu trang