Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 12:13

Thứ ba, 14/05/2024 | 12:13

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 15:20 ngày 03/08/2022

Viện Nghiên cứu Da - Giầy tập trung ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn của doanh nghiệp

Là viện nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực da - giầy trực thuộc Bộ Công Thương, Viện Nghiên cứu Da - Giầy có chức năng tham mưu, cung cấp các dữ liệu khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước của Bộ. Trong thời gian qua, Viện đã tích cực triển khai nhiều hoạt động, làm tốt công tác chuyên môn, đặc biệt là công tác nghiên cứu khoa học, qua đó đạt được nhiều kết quả đáng tự hào. Đặc biệt, Viện đã được Tổ chức chứng nhận và giám định quốc tế ISOCERT cấp chứng nhận ISO 9001:2015 về Hệ thống quản lý chất lượng cho các hoạt động nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực da - giầy.
Trao đổi với trang TTĐT Khoa học công nghệ ngành Công Thương về hoạt động khoa học công nghệ của Viện, ông Nguyễn Chí Thanh - Quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu Da - Giầy cho biết, trong thời gian gần đây, Viện không tập trung phát triển các hoạt động khoa học công nghệ mang tính đơn lẻ, gián đoạn mà thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ theo chuỗi giá trị da, chuỗi giá trị sản phẩm từ da, …Đặc biệt có kết nối chuỗi với ngành nông nghiệp, du lịch và các hoạt động ngành Công Thương, trong đó ứng dụng các công nghệ của công nghiệp 4.0 và hướng đến nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. 
Viện Nghiên cứu Da - Giầy chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực (Ảnh: lsi.com.vn)
Trong khi đó, về quy chuẩn, tiêu chuẩn, Viện đã triển khai lộ trình xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ngành da - giầy, đầu tư phòng thí nghiệm chuyên ngành với mục tiêu nâng cao năng lực phân tích, thử nghiệm trong nước để kiểm soát chất lượng sản phẩm ngành da – giầy, cũng như tạo điều kiện để các doanh nghiệp có khả năng tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đáng chú ý, về công tác phát triển nguồn nhân lực, Viện đã tích cực liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín ở trong và ngoài nước nhằm nghiên cứu, đổi mới phương pháp đào tạo, đào tạo các bậc học từ trung cấp nghề đến sau đại học cũng như các khóa đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn ngắn hạn theo nhu cầu của các doanh nghiệp. Các đơn vị đào tạo Viện đã liên kết có thể kể đến như Trường Đại học Công nghệ & Thiết kế quốc gia Kiev, Ukraine; Viện Nghiên cứu Da Trung ương Ấn Độ; Hiệp hội các nhà sản xuất da giày, máy thuộc da và phụ tùng Italia (ASSOMAC); Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO); Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội; Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp...
Ngoài ra, Viện còn chủ động tham mưu xây dựng, điều chỉnh, ban hành các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp nhằm giúp các doanh nghiệp da - giày Việt Nam từng bước chủ động được nguồn nguyên phụ liệu, giảm phụ thuộc nguồn nhập khẩu, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp da - giày nội địa. Viện trưởng Nguyễn Chí Thanh cho hay: "Chúng tôi đã liên kết, phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương như Viện Nghiên cứu Cơ khí, Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp… để nghiên cứu, chế tạo máy móc, thiết bị đảm bảo yêu cầu kỹ thuật với chi phí hợp lý hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành".
Viện Nghiên cứu Da - Giầy nghiên cứu phát triển các công nghệ thuộc da. (Ảnh: lsi.com.vn)
Để tiếp tục khẳng định vị thế của Viện trong ngành da - giầy, trong giai đoạn 2021-2025, Viện định hướng tập trung vào các hoạt động khoa học công nghệ và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn của các doanh nghiệp; đồng thời nghiên cứu tư vấn, tham mưu chuyên ngành cho các cơ quan quản lý nhà nước về phát triển bền vững ngành da – giầy. 
Theo đó, Viện hướng tới phối hợp với doanh nghiệp để xây dựng các dự án sản xuất thử nghiệm cho các sản phẩm thuộc da đã được Viện nghiên cứu trong giai đoạn trước. Cùng với đó, nghiên cứu xây dựng các tiêu chuẩn chuyên ngành, tập trung vào môi trường và đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa với mục đích giúp cơ quan quản lý hoạch định xây dựng rào cản thương mại. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nội dung nhiệm vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm ngành da, giầy để có thể ứng dụng vào thực tế. Ngoài ra, Viện định hướng tiếp tục nghiên cứu sản xuất các sản phẩm phụ trợ như: sản xuất keo tổng hợp để dán giầy, đế giầy, sản xuất sơn cho ngành da giầy cũng được chú trọng nhằm tận dụng nguyên liệu trong nước, giảm bớt nhập khẩu. 
Hiện nay, với vai trò là một Viện nghiên cứu triển khai khoa học công nghệ đầu ngành trực thuộc Bộ Công Thương hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vẫn được coi là một trong các nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Viện. Các nghiên cứu tập trung chủ yếu vào nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ trong lĩnh vực da - giầy và công nghệ bảo vệ môi trường. Với phương châm nghiên cứu gắn liền với thực tiễn, việc triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu, sản phẩm mới vào sản xuất được Viện đẩy mạnh, trong đó tập trung vào các lĩnh vực thuộc da, mẫu mốt, môi trường và đào tạo.
Hà Nguyễn
lên đầu trang