Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 14/05/2024 | 18:15

Thứ ba, 14/05/2024 | 18:15

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 10:04 ngày 08/08/2022

Kết quả và định hướng phát triển của Trung tâm Nghiên cứu Thủy khí

1. Kết quả hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Thủy khí
Trung tâm Nghiên cứu Thủy khí (NCTK), có tên giao dịch tiếng Anh là Hydraulic Pneumatic Centre, là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, trực thuộc Viện Nghiên cứu Cơ khí. 
Trung tâm được thành lập từ năm 1974, đến nay tổng số cán bộ nhân viên của Trung tâm là 15 người, trong đó kỹ sư cơ khí 03 người, kỹ sư máy và tự động thủy khí là 04 người, kỹ sư, cử nhân lĩnh vực khác là 08 người. Hiện Trung tâm đang hoạt động trong các lĩnh vực sau: 
- Tổ chức thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ các cấp thuộc lĩnh vực Thủy khí;
- Tư vấn, thiết kế, chế tạo các thiết bị chuyên ngành như: tua bin, bơm quạt và các loại máy, thiết bị truyền động thuỷ lực khí nén: các loại tua bin nước có công suất đến 10 MW; các thiết bị cơ khí thuỷ công cho các công trình thuỷ điện, thuỷ lợi: bơm, quạt, máy cánh dẫn dùng trong công nghiệp, trong ngành hoá chất, bơm dùng trong khai thác cát sỏi, nạo vét cửa sông biển; các loại máy ép, máy đột dập trong lĩnh vực gia công áp lực, cơ khí...
- Thiết kế, chế tạo, cung cấp các hệ thống thải tro xỉ (ASH) cho nhà máy nhiệt điện than.;
- Tư vấn, thiết kế, chế tạo các thiết bị đặc chủng như bơm dầu, bơm nước, hệ thống thủy lực cho các thiết bị máy;
- Tư vấn, thiết kế, chế tạo, kinh doanh, cung cấp dịch vụ bảo trì, phụ tùng, máy và thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện than và nhà máy cơ khí khác.  
Cho đến nay, Trung tâm NCTK đã đạt được một số kết quả tiêu biểu sau:
- Thực hiện thành công đề tài cấp Nhà nước “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống thiết bị phát điện sử dụng năng lượng sóng biển có công suất 5 ÷10 kW”, mã số KC.05-17/06-10. Sản phẩm chính của đề tài là thiết bị phát điện bằng năng lượng sóng biển, công suất 5÷ 10 kW, với điện áp đầu ra U= 220 VAC, dao động điện áp ΔU = ± 10% (hình 1).
- Thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và đưa vào vận hành hệ thống thải tro xỉ đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện đốt than phun có công suất tổ máy đến khoảng 600 MW”, mã số 03/HĐ –ĐT/KHCN. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được ứng dụng vào thực tế thông qua hợp đồng kinh tế cung cấp hệ thống thải tro xỉ có năng suất xử lý tro xỉ N = 62,5 t/h cho Nhà máy Nhiệt điện than Thái Bình 1, xã Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Bộ Công Thương mới đây đã tổ chức nghiệm thu, đánh giá cao kết quả đã đạt được của đề tài (hình 2; hình 3).
2. Một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện
Khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công việc theo cơ chế hiện hành: 
- Đối với các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ: Vướng mắc lớn nhất đối với các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ là việc áp dụng kết quả vào sản xuất. Đặc biệt là đối với hệ thống thải tro xỉ trong các nhà máy nhiệt điện đốt than đã áp dụng thành công cho 2 dự án là Nhiệt điện Thái Bình 1 và Nghi Sơn 2, nhưng rất khó khăn cho các dự án tiếp theo. Nguyên nhân là hiện tại các dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện đốt than ở Việt Nam hầu hết do các nhà thầu nước ngoài thực hiện. Mà một thực tế là các tổng thầu nước ngoài để tối đa hóa lợi nhuận, họ không bao giờ muốn giao các phần việc của dự án cho các nhà thầu trong nước. Vì vậy, dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện trong nước thì có, năng lực của các đơn vị trong nước thì tốt nhưng các đơn vị trong nước vẫn không được tham gia.
- Vấn đề thứ 2 là quy định về 70% kinh phí đối ứng trong việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ: Quy định này có tác dụng giúp cơ quan quản lý nâng cao tính ứng dụng trước mắt của các đề tài khoa học công nghệ. Tuy nhiên, điều này lại gây hạn chế cho đơn vị đề xuất đề tài vì nghiên cứu khoa học luôn có tính rủi ro cao. Nếu kết quả nghiên cứu ra vì lý do gì đó không được ứng dụng vào thực tiễn thì nhà khoa học chịu phần lớn trách nhiệm. Như vậy không khuyến khích được đơn vị đề xuất đề tài.
- Khó khăn vướng mắt trong quá trình triển khai thực hiện một số công việc theo điều kiện cụ thể của Viện: Với việc tổ chức bộ máy hành chính, quản lý của Viện hoạt động một cách hiệu quả, Trung tâm đã được tạo điều kiện khá thuận lợi trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh. Cán bộ Trung tâm được tham dự các lớp bồi dưỡng về kiến thức quản lý và kỹ năng làm việc. 
- Các vấn đề khác: Ngày nay, vấn đề lớn Trung tâm đang gặp phải trong tìm kiếm công việc là sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Các công ty với nhiều ưu thế như bộ máy hoạt động tinh gọn, nhạy bén thị trường, linh hoạt trong chức năng kinh doanh, chủ động trong việc trả lương thu hút nhân tài, không ngại sao chép bản quyền đang dần cạnh tranh mạnh mẽ.
3. Định hướng phát triển của Trung tâm 
Trong những năm tới, Trung tâm tập trung vào các mảng sản phẩm sau:
1. Tiếp tục nâng cao khả năng thiết kế, chế tạo và cung cấp dịch vụ cho hệ thống thải tro xỉ trong các nhà máy nhiệt điện đốt than, cùng với Viện đón những công việc trong các dự án sắp tới.
2. Tiếp tục phát huy mảng công việc tư vấn giám sát cho các dự án xây dựng công trình công nghiệp, nông nghiệp và thủy lợi
3. Tham gia vào các gói thầu xây dựng lớn thuộc các gói thầu của các công trình nông nghiệp và thủy lợi
4. Tư vấn, thiết kế, chế tạo và cung cấp dịch vụ cho các thiết bị thuộc chuyên ngành sâu lĩnh vực thủy khí như bơm, quạt, máy nén khí, hệ thống thủy lực khí nén… cho các công trình công nghiệp. 
5. Tư vấn, thiết kế, chế tạo và cung cấp các thiết bị cơ khí khác cho các ngành công nghiệp, nông nghiệp, thủy lợi và viễn thông.
Về nguồn nhân lực dự kiến trong thời gian đến năm 2030, Trung tâm dự kiến số lượng nguồn nhân lực sẽ vào khoảng 20 người, trong đó:
- Tiến sĩ kỹ thuật: 02
- Thạc sĩ kỹ thuật: 05
- Kỹ sư thủy khí: 05
- Kỹ sư cơ khí: 03
- Kỹ sư điện: 02
- Khác: 03
Toàn bộ cán bộ trong Trung tâm có trình độ đọc, viết tiếng Anh đủ để phục vụ công tác chuyên môn và giao tiếp với đối tác nước ngoài.
- Về cơ sở vật chất: Ngoài văn phòng khang trang tạo điều kiện tốt cho các cán bộ làm việc, các cán bộ Trung tâm được trang bị máy tính hiện đại.
Ngoài ra, Trung tâm cần trang bị phần mềm thiết kế có bản quyền và các phần mềm tính toán, phân tích chuyên ngành thủy khí.
4. Kết luận và kiến nghị
Đánh giá kết quả của Trung tâm trong thời gian vừa qua: Trong thời gian vừa qua, được sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy và Ban Giám đốc Viện Nghiên cứu Cơ khí, Trung tâm đã đạt được một số thành tựu đáng kể, thực hiện được các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước đạt kết quả tốt cũng như kết quả sản xuất kinh doanh đáng khích lệ.
Để Trung tâm có thể phát triển bền vững, Trung tâm cần tập trung tìm kiếm, phát triển thị trường hơn nữa. Bên cạnh đó, Trung tâm cần nghiên cứu, xây dựng các công nghệ cơ khí độc quyền, chuyên sâu.
Như đã đề cập ở mục 2 về các khó khăn trong nghiên cứu khoa học công nghệ và phát triển thị trường cho nghiên cứu khoa học công nghệ, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho nghiên cứu khoa học. Cơ quan quản lý cần có sự đánh giá về sự cần thiết của các đề tài nghiên cứu khoa học, thậm chí đặt hàng các vấn đề nghiên cứu khoa học từ thực tiễn chứ không nên quy định vốn đối ứng trong các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ.
ThS. Nguyễn Chí Cường
(Nguồn: Tập san "Viện Nghiên cứu Cơ khí 60 năm lớn mạnh cùng Đất nước")


lên đầu trang